Thông tin Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ xin gia hạn gói 30.000 tỉ đồng nếu chưa giải ngân hết vào 1.6.2016 đã làm nức lòng người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, nhiều chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ, nhằm giúp giải ngân nhanh hơn nữa các khoản vay.
Cả khách hàng và chủ đầu tư đều hồ hởi về việc gia hạn gói 30.000 tỉ đồng - Ảnh: Đình Sơn |
Chị Liên, một trong số những khách hàng vay được tiền trong gói 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi 5%/năm để mua một căn hộ thương mại có giá dưới 1 tỉ đồng tại dự án Topaz City ở Q.8 (TP.HCM) đã rất hồ hởi khi nghe thông tin trên. Chị cho biết dự án dự kiến đến tháng 7.2017 mới bàn giao căn hộ, đến nay mới xây được mấy tầng và chị cũng mới được giải ngân 3 đợt trên tổng số 8 đợt trong gói vay 800 triệu đồng được duyệt. Nếu với quy định tại Thông tư 11 thì đến ngày 1.6.2016 chị mới giải ngân được 4 đợt, với tổng số tiền khoảng 450 triệu đồng, còn lại 350 triệu đồng giải ngân sau ngày 1.6.2016 và như vậy phải chịu lãi vay do ngân hàng thương mại ấn định.
Ngân hàng từ chối tư vấn
Mặc dù hồ hởi, nhưng chị Liên vẫn chưa thể “ăn ngon, ngủ yên” bởi điều này phải còn chờ Chính phủ xem xét thông qua. “Rất mong Nhà nước, Chính phủ thấu hiểu nỗi khổ, nguyện vọng của người dân. Đã thương thì thương cho trót, đừng để người dân nghèo phải lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, ôm nợ khi tham gia gói tín dụng được xem là ưu đãi này”, chị Liên kiến nghị.
Trong khi đó, chị Phi được vay tiền mua một căn hộ tại dự án Jamona ở Q.7 (TP.HCM) cũng vẫn còn lo lắng trước kiến nghị của NHNN. Theo chị Phi, nếu Chính phủ không chấp thuận đề nghị trên sẽ đẩy những người tham gia gói vay này nhưng chưa được giải ngân hết vào rủi ro, nợ nần. “Đối với những khách hàng đã được ngân hàng cho vay, Chính phủ nên cho họ được hưởng hết ưu đãi, bất chấp khoản vay đó giải ngân trước hay sau ngày 1.6.2016. Như vậy niềm vui của người dân nghèo mới được trọn vẹn và để gói ưu đãi này không trở thành bạc đãi”, chị Phi kiến nghị.
Song bên cạnh niềm vui được tiếp tục hưởng lãi suất thấp, một số người có nhu cầu vay vốn mới ở thời điểm này lại lo lắng trước thông tin khó tiếp cận gói vay này. Ông Nguyễn Văn Hùng, 54 tuổi, đang dự định mua nhà ở một dự án tại Hà Nội, cho hay đã hỏi thủ tục vay vốn mới ở nhiều ngân hàng nhưng nhiều nơi từ chối tư vấn. Thậm chí, có nhân viên ngân hàng nói thẳng hiện tại đơn vị này không nhận khách mới vay trong gói 30.000 tỉ nữa mà tập trung lo cho khách cũ.
Anh Nguyễn Ngọc Hùng, 30 tuổi, cán bộ tín dụng Ngân hàng Vietcombank, cho hay hiện việc nhận hồ sơ gói 30.000 tỉ tại ngân hàng khá dè dặt. Bởi lẽ, các hồ sơ đủ tiêu chuẩn phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí như dự án cần được bảo lãnh bởi Sở TN-MT, Sở Xây dựng Hà Nội...
Đua tiến độ
Ở góc độ là một doanh nghiệp tham gia gói 30.000 tỉ đồng, ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Anh Sài Gòn, nói rằng trước mắt thông tin trên đã xóa đi một phần lo lắng của khách hàng cũng như của doanh nghiệp và toàn thị trường bất động sản. Tinh thần của gói vay này rất tốt đẹp và ý nghĩa với người có thu nhập thấp, cán bộ công chức nghèo có cơ hội sở hữu nhà ở, vì thế không ai mong đứt gánh giữa đường. Tuy nhiên, ông Thanh vẫn lo lắng thông tin lãi suất còn thay đổi khi NHNN sẽ thông báo lãi suất hằng năm. Như vậy, nếu lãi suất thương mại ở 15 -16%/năm thì đồng nghĩa với lãi suất gói tín dụng này sẽ tương đương 7,5 - 8%/năm. “Doanh nghiệp và người dân đều hy vọng không phải là vậy, nếu không nỗi lo vẫn đeo bám người vay gói này. Người vay chỉ mong sao lãi suất giữ cố định 5%/năm cho suốt thời gian vay”, ông Thanh cho hay.
Ông Trần Văn Can, Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển nhà số 5 (Handico5), chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Đồng Mô (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết đã tăng tốc vượt tiến độ 6 tầng để khách hàng được giải ngân gói vay ưu đãi nhanh nhất, tránh chịu lãi suất thương mại nhiều kỳ giải ngân. Chủ đầu tư dự án Gemek Tower (H.Hoài Đức, Hà Nội) cũng đang đẩy nhanh tiến độ dự án để các đợt nộp tiền trước ngày 1.6 tới. Công ty Phúc Hà, chủ đầu tư dự án Thăng Long Victory (H.Hoài Đức, Hà Nội), đưa ra giải pháp khách hàng chấp nhận đóng tiền trước tiến độ sẽ được giảm giá 2% tổng giá trị căn hộ. Khoảng 90 -100% số tiền khách hàng vay sẽ chuyển trực tiếp đến chủ đầu tư, thay vì trả theo tiến độ từng đợt như hợp đồng ban đầu.
Ông Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng chỉ còn mấy tháng nữa gói 30.000 tỉ đồng sẽ hết hạn. Nếu không được gia hạn thêm thì dù doanh nghiệp có “thuê thần đèn” cũng không đẩy nhanh tiến độ dự án được là bao. Vô hình trung, tình thế hiện nay tạo ra một cuộc đua tiến độ để vay tiền gói 30.000 tỉ đồng. Điều này cũng tốt, nhưng nếu không kiểm soát tốt, sẽ tạo hệ lụy về chất lượng xây dựng mà người mua nhà sau này phải gánh chịu.
Còn ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, nói Chính phủ luôn cần duy trì một gói tín dụng ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội. Đây là điều rất cần thiết, ở nhiều nước tiên tiến cũng như các nước đang phát triển đều có nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt với một nước dân số đông như nước ta thì nguồn quỹ này càng cần chú trọng đầu tư nhiều hơn.
Khách hàng “đã bớt lo lắng”
Lãnh đạo một doanh nghiệp có dự án nằm trong gói 30.000 tỉ đồng vui mừng cho biết, cuối cùng NHNN cũng biết lắng nghe những góp ý của dư luận, đứng về phía dân nghèo, bây giờ chỉ chờ đợi sự đồng ý của Chính phủ nữa là xong. “Ngay khi nổ ra thông tin những khoản giải ngân sau ngày 1.6.2016 của gói 30.000 tỉ đồng phải chịu lãi suất thương mại, các khách hàng đã ký hợp đồng mua căn hộ và vay vốn liên tục gọi lên công ty tỏ thái độ lo lắng, yêu cầu chủ đầu tư tìm giải pháp hỗ trợ. Nhiều khách hàng đang trong giai đoạn đặt cọc ký hợp đồng mua nhà thì xin lại cọc, không mua nhà nữa. Nhưng với thông điệp mới từ NHNN thì hiện nay khách hàng đã bớt lo lắng hơn và trở lại mua nhà bình thường”, vị này cho hay.
|
Bình luận (0)