Địa phương lo gặp vướng khi đầu tư cao tốc

Mai Hà
Mai Hà
01/06/2023 21:47 GMT+7

Nhiều địa phương tới đây sẽ lần đầu tiên làm chủ đầu tư dự án đường cao tốc với số vốn lớn đã bày tỏ lo ngại về tiến độ, chất lượng dự án.

Ngày 1.6, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án đường bộ cao tốc. Ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT), cho biết việc thu hồi, đền bù tài sản trên đất để làm mỏ cung cấp đất san lấp dự án rất khó khăn, nhiều chủ đất không đồng thuận hoặc đòi giá đền bù quá cao. 

Địa phương lo gặp vướng khi đầu tư cao tốc - Ảnh 1.

Nhiều địa phương lo vướng khi lần đầu tiên làm chủ đầu tư dự án cao tốc vốn lớn

T.N

Do đó, để thuận lợi cho cấp phép khai thác mỏ đất nên sử dụng đất của Nhà nước đang giao đơn vị nhà nước quản lý như nông, lâm trường, khi địa phương đồng ý sẽ giải quyết thủ tục rất nhanh.

Ông Hải cũng nêu vướng mắc liên quan tới chuyển mục đích sử dụng đổi đất rừng để làm cao tốc, khi quy định là tính theo tọa độ chi tiết. Quy định về chuyển đổi đất rừng cho dự án giao thông cần phải sửa lại, nếu từ đầu đã xác định đúng tọa độ sẽ chuyển đổi đất rừng để làm đường thì không làm được.

Đại diện UBND TP.HCM cho biết được giao chủ đầu tư một phần đường Vành đai 3. Thành phố đang cố gắng hoàn thiện thủ tục để khởi công trước ngày 30.6 tới. Vị này chia sẻ băn khoăn khi vốn cho giao thông chiếm tới 70% vốn đầu tư công của TP.HCM. Ông đề xuất cho áp dụng một số loại hợp đồng trọn gói, tổng thầu (chìa khóa trao tay) để giảm áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước, phát huy được năng lực triển khai dự án của nhà thầu lớn, tổng công ty mạnh.

Đại diện UBND tỉnh Hòa Bình thì kiến nghị cho gộp thủ tục chuyển đổi đất rừng và đất lúa vào cùng một bộ hồ sơ, trình và quyết định một lần, thay vì phải tách làm 2 hồ sơ riêng biệt dẫn tới mất thời gian, thêm thủ tục không cần thiết. Nếu gộp được làm một thủ tục cho cả đất rừng và đất lúa sẽ giảm thời gian rất nhiều cho khâu thủ tục này.

Vẫn khó khăn vật liệu

Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), cho biết nhu cầu vật liệu cho xây dựng cao tốc rất lớn, trong khi các mỏ vật liệu đang khai thác chỉ phục vụ cho nhu cầu tại địa phương.

Các dự án giao thông triển khai đồng loạt gây khan hiếm về nguồn cung, tăng giá. Trong khi đó, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu mới còn phức tạp, kéo dài qua nhiều khâu, nhiều cấp, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Việc phối hợp giải quyết giữa các bộ, ngành, địa phương để gỡ vướng mắc chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý của các chủ đầu tư chưa đồng đều, một số cần tiếp tục kiện toàn để đáp ứng yêu cầu khi triển khai các dự án lớn; việc thu hút vốn tư nhân tham gia dự án giao thông còn thấp, các ngân hàng thận trọng trong cho vay vốn tín dụng...

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc phân cấp cho địa phương có dự án đi qua làm chủ đầu tư là giải pháp huy động tối đa, phát huy nguồn lực T.Ư và địa phương vào dự án giao thông. Không phải địa phương nào cũng có kinh nghiệm triển khai các dự án lớn nên cần sự chia sẻ kinh nghiệm từ các đơn vị của bộ, các địa phương với nhau.

Theo ông Thọ, các địa phương có thể lập một tổ chuyên trách về quản lý đầu tư dự án gồm các chuyên gia, đại diện các sở, ngành để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Về giải phóng mặt bằng, ông Thọ cho rằng ngay từ bước chuẩn bị dự án đã phải xác định bình đồ tuyến đường, từ đó xác định lộ giới và cắm mốc để bắt tay ngay vào giải phóng mặt bằng, thay vì chờ có thiết kế kỹ thuật mới lo mặt bằng sẽ ảnh hưởng tiến độ dự án.

Với cấp phép mỏ vật liệu phục vụ dự án, đặc biệt mỏ đất và cát, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, thời gian triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, ảnh hường tiến độ dự án.

Quốc hội và Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để giảm thủ tục, thời gian cấp phép. Tuy nhiên, theo ông Thọ, vẫn còn một số thủ tục mang tính hành chính cần đề xuất sửa đổi, vì mỏ vật liệu cung cấp cho dự án đầu tư công phải khác với cấp phép mỏ khai thác để bán thương mại thông thường.

Một số dự án cao tốc đã và đang chuẩn bị khởi công xây dựng gồm: 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2); cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Vành đai 3 TP.HCM; Vành đai 4 Hà Nội. Các dự án cao tốc này có tổng chiều dài khoảng 1.300 km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỉ đồng. Bộ GTVT và các địa phương đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư một số dự án cao tốc khác.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.