Dịch bệnh đang gia tăng!

10/06/2011 00:08 GMT+7

13 trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng đang khiến dư luận lo lắng về căn bệnh này. Cùng lúc bệnh sốt xuất huyết lại gia tăng khi vào mùa mưa.

 

Giữa buổi chiều 9.6, vẫn còn đông trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám tại BV Nhi đồng 1 - ảnh: Diệp Đức Minh 

Lo dịch chồng dịch

Từ đầu năm đến nay, bệnh tay chân miệng (TCM) gia tăng mạnh nhất ở TP.HCM là tháng 5 vừa qua, với gần 1.500 ca mắc và có đến 7 trường hợp bị tử vong. Những ngày đầu tháng 6, lại có thêm 1 trường hợp tử vong nữa, nâng tổng số ca tử vong do TCM ở TP lên 13 trường hợp, cao nhất so cùng kỳ nhiều năm qua.

Có 3 dấu hiệu chính yếu nhất để nhận biết bệnh TCM, đó là trẻ giật mình trong lúc lim dim ngủ, sốt liên tục (khoảng 39 độ C) và run tay khi cầm nắm vật gì đó. Có trẻ nổi nhiều nốt hồng ban, có trẻ nổi ít. Bệnh TCM lây qua đường tiêu hóa, để phòng bệnh cần giữ vệ sinh cho trẻ trong ăn uống, môi trường, sàn nhà trẻ vui chơi phải sạch sẽ, kể cả những đồ vật trẻ chơi...

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết thông thường ca trực buổi tối của khoa bố trí 1 bác sĩ và 4 điều dưỡng. Khi bệnh TCM gia tăng, khoa phải tăng cường lên 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng cho ca trực đêm, nhưng vẫn làm việc không xuể. Đến nay, mỗi ca trực đêm có 3 bác sĩ và 6 điều dưỡng nhưng mọi người vẫn phải làm việc bù đầu. Theo quan sát của PV, đến quá nửa buổi chiều qua, số trẻ được đưa đến khoa này vẫn đông nghẹt mà chiếm phần lớn là TCM. Bác sĩ, điều dưỡng và cả sinh viên thực tập tất bật "không kịp thở".

Điều mà nhiều bác sĩ lo ngại nhất hiện nay là bên cạnh TCM thì sốt xuất huyết (SXH) cũng bắt đầu gia tăng khi mùa mưa tới. Tại TP.HCM, trong tháng 5 vừa qua có hơn 500 ca mắc SXH, tăng gần 50% so cùng kỳ năm ngoái; còn tính từ đầu năm đến nay đã có gần 4.000 trường hợp mắc SXH, tăng gần 92% so với cùng kỳ năm trước. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, các ca mắc SXH tập trung nhiều ở các địa phương như Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Q.11...

Ngoài ra, bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, cũng khuyến cáo thời điểm giao mùa trẻ dễ bị ho, sốt do viêm họng, nhiễm trùng hô hấp, cần hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người. Các bác sĩ tiêu hóa cũng cảnh báo hiện là thời điểm thuận lợi cho bệnh đường tiêu hóa, đáng ngại năm nay là nhiễm khuẩn E.coli...

Khẩn trương đối phó với dịch bệnh

Trước tình hình trên, ngày 8.6, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP làm việc với các đơn vị y tế, y tế dự phòng của 24 quận, huyện để tăng cường công tác phòng chống bệnh TCM và một số bệnh khác khi thời tiết chuyển sang mùa mưa. TS-BS Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế, thẳng thắn: “Qua kiểm tra cho thấy một số quận huyện chưa làm tốt, còn lơ là trong phòng chống dịch TCM thời gian vừa qua”. Ông Giang nói những ngày tới sở sẽ tiếp tục đi kiểm tra, nếu phát hiện quận, huyện nào vẫn lơ là chống dịch sẽ báo cáo UBND TP để có biện pháp xử lý.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, cho biết trước tình hình bệnh SXH có nguy cơ gia tăng vào đầu mùa mưa, tuần tới TP sẽ tổ chức dọn dẹp môi trường, diệt lăng quăng để phòng bệnh. Còn theo TS-BS Trương Quang Định, Phó giám đốc BV Nhi đồng 2, BV cũng đã chuẩn bị kế hoạch đối phó với bệnh SXH. Những ngày qua, BV Nhi đồng 2 tổ chức tập huấn về chẩn đoán, điều trị bệnh SXH cho các bác sĩ điều trị thuộc khối nội để cập nhật kiến thức, kỹ năng phát hiện chẩn đoán bệnh sớm, chỉ định nhập viện kịp thời...

Về bệnh TCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh kiến nghị ngành y tế cần phải tính đến việc huấn luyện, đào tạo để triển khai điều trị bệnh TCM tại các bệnh viện khác, chứ chỉ dồn vào BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh nhiệt đới thì rất nguy. "Nếu bệnh bùng phát mạnh, với một lượng lớn trẻ mắc thì việc chữa trị sẽ không đáp ứng được, cũng như không theo dõi sát được bệnh khi một kíp trực phải xử trí quá nhiều bệnh nặng cùng lúc", bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.