Nhưng mỗi người lại có những ý kiến và quyết định khác nhau cho riêng mình. Có người chọn ở lại, nhưng có người chọn cách phải về quê...
Hàng ngàn người dân từ Đồng Nai về quê ở miền Tây ngày 2.10 khi được “xả trạm” |
LÊ LÂM |
Ở lại kiếm tiền chờ về quê đón tết
Nguyễn Đại Dương (33 tuổi, quê ở H. Krông Pa, Gia Lai) là công nhân của công ty may Việt Thắng (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung, Dương rơi vào tình cảnh thất nghiệp, không có thu nhập.
Tuy nhiên, Dương vẫn muốn trụ lại ở TP.HCM bất kể bạn bè và cả người thân, kêu gọi hãy về quê kiếm công việc khác mưu sinh. "Cuộc sống bây giờ rất khó khăn. Tuy nhiên mình chọn ở lại để lập nghiệp. Nếu bây giờ về, cũng khó khăn, khi giao thông chưa cho lưu thông. Mặt khác, về quê phải tốn một thời gian để tìm xin việc", Dương lý giải. Khoảng một tuần nay, Dương đi làm lại và cố gắng xin tăng ca để bù vào thu nhập đã hao hụt trong thời gian nghỉ làm vì dịch.
Lựa chọn giống như Dương là nhóm bạn Đỗ Đình Hòa (29 tuổi, quê ở Bình Định) và Trần Vũ Quang (31 tuổi, quê ở Cà Mau). Cả hai làm công nhân cho một cơ sở nước uống đóng chai trên đường số 8 (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân).
Quang cho biết cuộc sống hiện tại khá bấp bênh, vì hầu như không có lương trong suốt gần 4 tháng qua. Tuy nhiên, anh ở lại TP.HCM để tiếp tục làm việc. "Làn sóng người lao động đổ về quê quá nhiều, có thể khiến ở quê gặp áp lực trong việc phòng, chống dịch. Nhiều trường hợp trong số những đoàn người đổ về quê những ngày qua là F0. Do đo, tôi ở lại, lo làm kiếm tiền và chờ tới Tết về quê đón Tết với gia đình", Quang nói.
Công nhân Công ty TNHH PouYuen VN (TP.HCM) tan ca |
Ngọc Dương |
Còn Hòa tâm sự: "Gần 4 tháng, TP.HCM giãn cách xã hội, mình vẫn sống ổn được, vẫn bám trụ được, nên mình vẫn sẽ không từ bỏ thành phố nay. Ở lại cố gắng làm, dành dụm và tích cóp, rồi Tết về quê".
Bên cạnh đó, Nguyễn Hoàng Tuyển (27 tuổi, quê ở Kiên Giang) thì mong mỏi các cấp chính quyền có thêm nhiều phương án hỗ trợ để động viên những người lao động quyết định ở lại TP.HCM. "Có như vậy sẽ tạo được sự an tâm cho mọi người ở lại tiếp tục làm việc", Tuyển nói.
TP.HCM: 225.304 ca Covid-19 hồi phục, đã tiêm gần 12 triệu liều vắc xin |
Nhưng mà...
Thế nhưng, nhiều người trẻ cho biết họ quyết định về quê chứ không thể tiếp tục cuộc sống ở TP.HCM hay các tỉnh, thành như: Bình Dương, Đồng Nai, những địa phương có các khu công nghiệp phát triển.
Lê Thị Nương (28 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) đang là công nhân da giày ở Khu công nghiệp VSIP 2 (Bình Dương). Trong 3 tháng qua, cô phải sống cậy nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè, người thân. "Mình không còn đủ sức để chống chọi với cuộc sống hiện tại. Mình phải về thôi. Vì ở lại, không có tiền để đóng tiền nhà, chi phí sinh hoạt", nữ công nhân chia sẻ.
Khi được hỏi dịch hiện nay đã phần nào ổn hơn, tại sao không ở lại? Nương nói: "Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường thì không có cách để sinh nhai. Không thể sống nhờ vào sự giúp đỡ của người khác mãi. Nên đợi đường sá Bắc - Nam lưu thông, xe khách chạy lại, mình sẽ về quê kiếm việc khác".
Công nhân Công ty TNHH PouYuen VN (TP.HCM) tan ca. |
NGỌC DƯƠNG |
Tương tự, nhiều người lao động khác quyết định về quê sau bao năm bôn ba lập nghiệp ở xứ người vì lo ngại dịch Covid-19 vẫn còn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Sau 4 năm bám trụ ở TP.HCM, anh Nguyễn Văn Trọng (33 tuổi, quê ở Thanh Hóa) quyết định đưa vợ con về quê, tìm một hướng làm ăn khác. "Có thể là làm nông, hoặc xin làm ở công ty gần nhà. Chứ mình không còn muốn ở lại trong thành phố nữa vì khoản tiền để dành được đã không còn, thậm chí phải vay mượn thêm để trang trải cuộc sống", Trọng nói.
Chị Trần Thị Hằng (29 tuổi, vợ của Trọng), nói thêm: "Giờ mình không còn tiền. Không thể bắt đầu lại khi mọi thứ quá chật vật. Nên phải về quê, gần người thân gia đình. Chứ ở trong này, rồi lỡ con cái đau bệnh, biết lấy gì mà xoay sở".
Kết quả một khảo sát nhỏ của người viết cho thấy 50% người lao động lựa chọn về quê tìm kế sinh nhai khác. Họ nói sẽ chấp nhận tất cả phương thức di chuyển và cách ly y tế theo quy định của chính quyền, miễn sao được về quê.
Trong khi đó, 50% còn lại cho biết sẽ ở lại, tiếp tục bám trụ ở miền đất phương Nam, nỗ lực hơn để làm ăn kiếm sống và cố gắng để thích ứng với cuộc sống bình thường mới. Dù mỗi người có suy nghĩ và quyết định khác nhau, nhưng ai cũng đều mong một ngày thật nhanh, dịch Covid-19 sẽ bị đẩy lùi.
Bình luận (0)