Dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc đang bùng phát, Việt Nam có bị ảnh hưởng?

17/02/2017 16:04 GMT+7

Có hơn 340 người mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017. Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm mắc bệnh...

Nhìn đại dịch ở Trung Quốc… mà lo
“Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi đặc biệt lưu ý về dịch bệnh cúm gia cầm A/H7N9. Bởi lẽ, cúm này đang bùng phát rất mạnh ở Trung Quốc. Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc và việc giao lưu, đi lại, buôn bán giữa hai nước cũng rất mạnh. Đặc biệt là qua việc buôn bán gia cầm mà chúng ta không kiểm soát được”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Cục y tế dự phòng, cúm gia cầm (cúm A/H7N9) đang lưu hành và gia tăng mạnh cuối năm 2016-2017 tại 13 tỉnh của Trung Quốc. Từ khi phát hiện (năm 2013) đến nay, thế giới ghi nhận 1.101 trường hợp mắc. Trong đó, Trung Quốc có 1.078 ca bệnh, Đài Loan 4 ca, Hồng Kông 16 ca, Malaysia 1 ca và Canada 2 ca.
Bên cạnh đó, cúm A/H5N6 có 7 trường hợp mới ghi nhận tại Trung Quốc (tích lũy từ 2014 thì có 11 trường hợp nhiễm tại Trung Quốc).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình dịch cúm A/H7N9 đang tạo thành đợt dịch lớn thứ 5 kể từ năm 2013. Có hơn 340 người mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017. Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm mắc bệnh.
Trong khi đó, Reuters đưa tin, đã có 79 người Trung Quốc tử vong do cúm A/H7N9 chỉ trong tháng 1 năm nay, được chính quyền nước này xác nhận. Reuters nhận định, số tử vong này vượt xa số trường hợp tử vong trong những năm gần đây do cúm A/H7N9 ở Trung Quốc.
Thống kê mới nhất, được Reuters dẫn ra, chỉ trong một tuần từ 6-12.2, Trung Quốc ghi nhận thêm 69 người nhiễm cúm A/H7N9 và 8 trường hợp tử vong.
Cúm A/H7N9, bệnh từ gà, đang gây đại dịch trên người ở Trung Quốc Reuters
Reuters dẫn đánh giá của WHO rằng họ đã không còn loại trừ khả năng cúm gia cầm A/H7N9 lây từ người sang người trong hai ổ dịch mới đây nhất ở Trung Quốc.
Tại Việt Nam, cho đến nay, ông Phu cho biết chưa xuất hiện trường hợp cúm A/H7N9 và A/H5N6 ở người. Riêng cúm A/H5N1 thì trong năm 2016 và từ đầu năm 2017 đến nay không có ca mắc ở người trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận nhiều ổ dịch cúm A/H5N1 và A/H5N6 trên gia cầm ở một số tỉnh thành.
Coi chừng gà bệnh Trung Quốc nhập lậu
Liên quan đến cúm gia cầm, theo Reuters, hiện tại, giá thịt gà Trung Quốc vừa hạ xuống mức thấp kỷ lục trong một thập niên qua do lo ngại sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Rất nhiều nơi đóng cửa chợ gia cầm sống vốn là kênh bán hàng chính cho thịt gà địa phương Trung Quốc. Nhiều tỉnh ở Trung Quốc đóng cửa chợ gia cầm sống nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Cũng rất may là thời điểm hiện nay so với năm 2013, việc buôn bán gia cầm nhập lậu giữa Việt Nam và Trung Quốc có giảm. Nhưng vấn đề lưu hành, lây lan cúm qua gia cầm hoang dã và qua việc buôn bán gia cầm mà chúng ta không kiểm soát được cũng có thể xảy ra
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
Trong khi đó, theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, nước ta có chung đường biên giới dài và có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc. Đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, nơi đã ghi nhận các trường hợp người nhiễm cúm A/H7N9.
Thêm vào đó, việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát triệt để.
Do đó, Việt Nam có nguy cơ rất lớn bị vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập từ vùng có dịch. Đặc biệt là với những người có đến những khu vực có dịch, tiếp xúc với gia cầm sống. Đáng lo ngại là qua gia cầm nhập lậu, thịt gà bệnh từ Trung Quốc không được kiểm soát tuồn vào Việt Nam qua các con đường “xách tay”.
“Cũng rất may là thời điểm hiện nay so với năm 2013, việc buôn bán gia cầm nhập lậu giữa Việt Nam và Trung Quốc có giảm. Nhưng vấn đề lưu hành, lây lan cúm qua gia cầm hoang dã và qua việc buôn bán gia cầm mà chúng ta không kiểm soát được cũng có thể xảy ra”, ông Phu đánh giá.
Phòng cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm từng được Bộ Y tế triển khai chuẩn bị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để tiếp nhận trường hợp có ca bệnh Nguyên Mi
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, để chủ động phòng chống dịch cúm trên gia cầm và ở người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hải quan, công an, bộ đội biên phòng,... tăng cường kiểm tra việc nhập lậu gia cầm, xử lý việc vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc.
Đồng thời, chỉ đạo tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm và ở người, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan.
Ngành y tế sẽ chủ động khai thác các bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp tiền sử đi về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với gia cầm để áp dụng các biện pháp điều trị, quản lý một cách phù hợp.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cúm gia cầm:
Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đảm bảo ăn chín, uống chín. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Đặc biệt, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.