Dịch giả Dương Tường: Tôi đứng về phe nước mắt

05/01/2008 14:32 GMT+7

Dương Tường là một cái tên hết sức quen thuộc đối với độc giả yêu thích văn học dịch. Không chỉ chuyển ngữ rất nhiều tác phẩm tiêu biểu của văn học thế giới, ông còn là một dịch giả mẫu mực trong lao động dịch thuật, bởi sự uyên thâm trong kiến thức, sự trau chuốt trong ngôn từ và một quan niệm thẩm mỹ cực kỳ nghiêm túc...

*Là một dịch giả kỳ cựu hoạt động đã nhiều năm, ông có thể nói gì về đóng góp của văn học dịch đối với người cầm bút trong nước?

- Tôi nhớ khi dịch tập truyện ngắn đầu tiên, trong đó có mấy truyện của Tchékhov, cách đây khoảng nửa thế kỷ, ý nghĩ chủ đạo của tôi là: những tác phẩm như thế này mà không được phổ biến cho nhiều người đọc thì phí quá. Cho đến nay tôi vẫn luôn nghĩ thế. Văn học dịch là cầu nối bạn đọc (trong đó có cả những người viết) không biết ngoại ngữ với kho tàng trí tuệ và minh triết của nhân loại, và người dịch văn học có tâm huyết là kẻ tự nguyện làm một thứ ống thông để hấp thụ và truyền bá những tinh túy đó cho những ai muốn đón nhận. Hiển nhiên là sự tiếp xúc với văn học thế giới đã mở ra những chân trời mới với người đọc nói chung và có tác động thúc đẩy mạnh mẽ đối với người cầm bút nói riêng. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, sau khi đọc Cái trống thiếc của Gũnter Grass, đã nói: "Đọc xong cuốn này, thấy mình không thể viết như cũ".

*So với thời bao cấp đa phần sách dịch là văn học XHCN, được in số lượng lớn, sách văn học dịch hiện nay có những lợi thế nào và những bất lợi nào?

- Thời bao cấp không chỉ dịch văn học XHCN. Khá nhiều tác phẩm cổ điển của các nền văn học lớn (Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ...) đã được dịch trong thời kỳ này đấy thôi. Có điều văn học hiện đại của các nước phương Tây thì bị lườm nặng, coi như mang mầm mống tư tưởng độc hại nên bị bịt kín, khó lọt vào. Bây giờ mở cửa, sách văn học phương Tây được dịch thoải mái nhưng lại tràn lan, chạy đua theo những best-sellers. Người không rành, giờ đây vào hiệu sách ắt hoa mắt, hoang mang không biết lựa chọn ra sao. Song hành với tình trạng ấy, nảy sinh một lớp dịch giả bất túc, ngoại ngữ võ vẽ, tiếng mẹ đẻ càng tệ, nhất là lại thiếu lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, chỉ hùa nhau dịch ào ào các loại sách ăn khách để kiếm tiền. Thật đáng ngao ngán.

*Vốn ngoại ngữ của ông đã được tích góp từ những ngày trai trẻ, khi đang mặc áo lính. Cái gì đã xui giục một anh bộ đội Việt Minh đi luyện tiếng của kẻ thù? Nhà văn Bùi Ngọc Tấn kể rằng trong ba lô của Dương Tường lúc nào cũng thủ vài quyển tự điển...?

Dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932 tại Nam Định. Ông là bộ đội thời chống Pháp 1950-1955. Ông đã dịch trên 50 tác phẩm của Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Hy Lạp, Brazil, Nhật Bản, Na Uy... Có thể kể: Anna Karenina (L.Tolstoy), Cuốn theo chiều gió (M.Mitchell), Người dưng (A.Camus), Con đĩ biết lễ nghĩa (J.P.Sartre), Con  đường xứ Flandrres (Cl.Simon), Đồi gió hú (E.Bronte), Alexis Zorba (N.Kazantzaki), Bức thư của người đàn bà không quen (S.Zweig), Cái trống thiếc (G.Grass), nhiều vở kịch của Shakespeare... Về sáng tác, ông đã in: 36 bài tình (thơ - in chung với Lê Đạt), Đàn (thơ ngoài lời), Mea culpa và những bài khác (thơ), Chỉ tại con chích chòe (tạp luận), Thuyền trưởng (truyện ký, dưới bút danh Nguyễn Trinh)...
- Những điều đó là thật 100%, kể cả chuyện xục xạo tìm sách, xem như chiến lợi phẩm đáng kể nhất mỗi khi chiếm được đồn giặc. Đều là do máu mê văn chương, ham muốn được biết nhiều cái hay, cái đẹp của thế giới. Năm 1955, giải ngũ, tôi tiếp tục tự học ở thư viện, có bao nhiêu thì giờ rảnh đều tiêu ở thư viện. Có thể nói thư viện chính là trường đại học của tôi.

*Từng có thời kỳ ông sống bằng cách bán máu. Chuyện thật quá bi đát và khó tin. Làm sao một người chỉ có từng ấy xương và da lại có thể rút máu mình ra bán thường xuyên như thế? Cảnh sống gia đình ông lúc ấy bức bách đến mức nào? Và ông làm sao sống sót cho đến lần bán máu tiếp?

-  Tôi xin lỗi không trả lời câu này.

*Ngoài dịch thuật, ông lại còn hoạt động tích cực trong một số lĩnh vực khác. Xin ông giới thiệu đôi nét về những hoạt động ngoài dịch thuật của mình.

- Tôi là một kẻ mê đủ thứ: văn, thơ, nhạc, họa, điện ảnh, bóng đá..., và tất nhiên cả đàn bà nữa. Trên thực tế, tôi dành nhiều thời gian nhất cho công việc dịch, nhưng ưu tâm lớn nhất của tôi, điều làm tôi mất ngủ nhiều nhất vẫn là thơ, là những khắc khoải muốn cách tân, mở ra những hướng mới cho thơ. Cũng với tâm nguyện khai phá những con đường mới, bằng vốn kinh nghiệm - kiến thức gom góp và cập nhật được trong nhiều năm, tôi luôn cổ vũ những tìm tòi sáng tạo của lớp trẻ thời Đổi Mới, kể cả trong lĩnh vực mỹ thuật, sân khấu. Tôi tự ý thức mình thuộc một thế hệ lỡ dở, chỉ còn tốt qua việc lót đường cho những thế hệ kế tiếp, và tôi đã hơn một lần khẳng định như vậy. Những hoạt động đó mang lại niềm vui cho tôi, khiến tôi cảm thấy mình còn có ích.

*Thời kỳ khó khăn nhất cho ông là lúc nào? Cái gì đã giúp ông vượt qua được?

- Đó là khoảng từ 1965 đến 1975. Điều giúp tôi vượt qua được là sự chia sẻ của vợ tôi cùng một số bạn chí thiết, và sự đam mê văn chương nghệ thuật đến độ sẵn sàng đặt cược cả cuộc đời mình vào đó.

*"Tôi đứng về phe nước mắt" là một phát ngôn nổi tiếng của Dương Tường. Ông nghĩ, có cách nào khiến cho nước mắt đỡ phải chảy không?

- Vâng, đó là bài thơ Để ghi trên mộ chí sau này. Nó giống như một tuyên ngôn. Cái ẩn dụ "phe nước mắt" hàm chỉ tất cả những gì là khổ đau, yếu đuối, bị áp bức, chà đạp... Muốn làm cho "nước mắt đó đỡ phải chảy" là chuyện chung của nhân loại và cũng là nhiệm vụ của mỗi chúng ta trong cố gắng xây dựng một thế giới không còn hận thù mà chỉ có yêu thương.

*Ông bao giờ cũng rất gần với đám trẻ "rắc rối". Vì ông thấy mình cũng trẻ, cũng rắc rối như họ, hay vì ngược lại?

- Vâng, lớp trẻ có một sức hút mạnh mẽ đối với tôi, nhất là những người trẻ năng nổ khám phá những con đường mới, háo hức lao vào những cuộc phiêu lưu đi tìm cái mới. Mà đã dấn thân vào cái mới, cái-chưa-biết thì đương nhiên tránh sao khỏi "rắc rối" nhiều bề. Bởi đã từng "rắc rối" như vậy, tôi luôn ủng hộ cái ý chí mạo hiểm ấy và muốn điếu đóm một cách hiệu quả cho lớp trẻ say mê cái mới ấy. Ứng xử nhất quán của tôi là như vậy.

*Thế hệ ông, những Bùi Ngọc Tấn, Mạc Lân, Nguyên Bình, Dương Tường... có điều gì để nhắn gửi, chia sẻ với lớp trẻ?

- Hãy gắng làm những gì chúng tôi chưa làm được.

*Nếu có một người trẻ tuổi muốn trở thành một dịch giả với một sự nghiệp đích thực, ông sẽ khuyên họ điều gì?

- Tôi không có thói quen đưa ra những lời khuyên, nhưng nếu kinh nghiệm bản thân có thể giúp ích được cho những bạn trẻ "muốn trở thành một dịch giả với một sự nghiệp đích thực" thì những kinh nghiệm đó là: học, học thật nhiều, học thầy, học bạn, học mọi người, học trong sách vở, trong thực tế cuộc đời... Và trước hết, dốc lòng làm trung gian truyền đạt rộng rãi những cái hay cái đẹp của văn hóa nhân loại, coi đó là mục đích công việc của mình. Cái đó, tôi gọi là văn đức của người dịch.

*Nếu được quyền làm lại nhiều thứ, ông sẽ thực hiện thế nào?

- Chúng ta ai mà chẳng ước ao chí ít là một lần có thể làm lại nhiều điều trong cuộc đời. Vâng, nếu có một phép mầu khiến tôi có thể bắt đầu lại từ đầu, chắc tôi cũng muốn sửa lại những sẩy chân, nhưng với hai lựa chọn lớn quyết định hướng đi của toàn bộ cuộc đời tôi, thì dù có cơ hội, tôi cũng sẽ không thay đổi. Đó là: chọn lựa đi theo cách mạng và sự nghiệp văn chương.

*Xin hãy nói về mình, trong một câu ngắn gọn.

- Tôi đã nói rồi đấy. Trong bài thơ Để ghi trên mộ chí sau này.  

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.