Dịch giả Hàn Quốc muốn trở thành đại sứ văn hóa Việt

10/01/2016 08:37 GMT+7

Đến Hà Nội học tập và sinh sống từ năm 1994 đến nay, dịch giả Hàn Quốc Choi Hanna đã chọn việc tiếp xúc văn học Việt để giải quyết nỗi khát khao tìm hiểu về con người và xã hội VN.

Đến Hà Nội học tập và sinh sống từ năm 1994 đến nay, dịch giả Hàn Quốc Choi Hanna đã chọn việc tiếp xúc văn học Việt để giải quyết nỗi khát khao tìm hiểu về con người và xã hội VN.

Dịch giả Choi Hanna - Ảnh: NVCCDịch giả Choi Hanna - Ảnh: NVCC
Theo Choi Hanna, “văn học phản ánh thực tế của một xã hội một cách đích thực” và chị là một trong số ít người Hàn Quốc sớm nhất biết đến tên tuổi các nhà văn VN đương đại.
Bắt đầu học tiếng Việt từ năm 1993 tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hàn Quốc, ngay sau khi hai nước Hàn - Việt thiết lập quan hệ chính thức (22.12.1992), Choi Hanna đã dịch khá nhiều sách văn học Việt sang tiếng Hàn như: Người đàn bà trên đảo (Hồ Anh Thái), một phần trong Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng), một số truyện ngắn của nữ nhà văn Lê Minh Khuê, thơ của nhà thơ Chim Trắng...
Chị cho biết những người mà chị tiếp xúc đầu tiên tại VN là những người ở thế hệ nhà văn Hồ Anh Thái. “VN trước kia là một nơi rất bí ẩn đối với người Hàn. Tôi bắt đầu thắc mắc nhiều điều về lớp người Việt thời đó như tình yêu, tuổi thanh xuân... Hiện tôi đang nghiên cứu về lịch sử Việt nên rất tự nhiên đã nghiên cứu tác phẩm của Hồ Anh Thái. Tôi tìm hiểu xã hội VN qua các tác phẩm đó”, Choi Hanna bày tỏ.
Chưa bỏ nghề dịch nhờ... chồng
Choi Hanna thừa nhận các dịch giả người Hàn không thể sống được bằng nghề dịch văn học Việt, vì cần trung bình từ 10 - 20 năm để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, con người VN. “Vì vậy họ phải làm nghề khác để theo đuổi được nghề dịch văn học. Nếu tôi không có chồng nuôi thì tôi bỏ nghề này lâu rồi”, chị chia sẻ.
Trong một cuộc giao lưu văn chương Hàn - Việt tổ chức vào cuối tháng 11 qua, nhà văn Hồ Anh Thái cũng tiết lộ Choi Hanna không chỉ là người dịch văn học Việt, mà còn là chi tiết trong tác phẩm của ông, đồng thời đã giúp ông đặt tên nhân vật Hàn sao cho dễ đọc đối với người Việt.
“Văn học Việt có sức cạnh tranh quốc tế”
Choi Hanna chia sẻ, số lượng đầu sách văn học Việt trên thị trường xuất bản Hàn Quốc không nhiều. Trước đây một vài tác phẩm VN viết về bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc được sinh viên và giới trí thức Hàn Quốc đón đọc để đối chiếu với bối cảnh của Hàn Quốc, đặc biệt những năm 1970, 1980, chẳng hạn Áo trắng của nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Một số tác phẩm được viết bằng chữ Hán cũng được các nhà nghiên cứu văn học Hàn Quốc dịch và giới thiệu để nghiên cứu so sánh như Truyện Kiều, Nhật ký trong tù.
Giờ xu hướng đã thay đổi ít nhiều. “Tôi cho rằng thời điểm này văn học Việt cần phục vụ cho độc giả Hàn Quốc như những tác phẩm để giải trí và đem lại hiểu biết về con người và xã hội VN. Người Hàn Quốc sang VN du lịch, sinh sống, làm việc nhiều nhưng họ không biết nhiều về VN, và chưa quan tâm đến văn học VN đương đại. Chuyện này cả phía VN cũng nên nỗ lực. Bởi vì so với các ngành nghệ thuật khác, theo tôi, văn học VN có sức cạnh tranh tương đối trên trường quốc tế. Những tác phẩm Việt nào được chú ý tại VN và nhận được giải thưởng quốc tế nổi tiếng sẽ dễ dàng được giới thiệu tại Hàn Quốc”, chị nói.
Dịch giả Hàn Quốc muốn trở thành đại sứ văn hóa Việt 2Bìa sách tiếng Hàn Người đàn bà trên đảo
Hà Nội - một phần cuộc đời tôi
Hiện tại Choi Hanna đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành lịch sử VN tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, với đề tài: sự chuyển biến của đời sống phụ nữ miền Bắc VN giai đoạn 1954 - 1975.
Và bởi học tập và sinh sống tại Hà Nội đủ lâu để hiểu Hà Nội, chị thổ lộ: “Hà Nội là nơi gần một nửa cuộc đời của tôi được nuôi dưỡng, là một phần không nhỏ trong đời tôi và mãi mãi sẽ là như thế!”.
Cũng chính vì quá yêu mảnh đất này, chị ấp ủ nhiều kế hoạch giới thiệu văn hóa và nghệ thuật VN ra nước ngoài và giới thiệu ngay trong nước VN. Chị chia sẻ mơ ước trở thành công dân danh dự của Hà Nội và đại sứ văn hóa VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.