'Dịch' sơn thếp di tích

08/05/2017 07:12 GMT+7

Một kiểu “thời trang mới” đang lan nhanh chóng trong nhiều di tích miền Bắc - sơn son thếp bạc các hạng mục. Do đó các hạng mục này trở nên bóng nhẫy, mất đường nét chạm khắc.

“Dịch” sơn thếp di tích
Một mảng chạm ở đình vua Đinh vua Lê trước và sau khi sơn (phải) Ảnh: Hiếu Trần
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, người nhiều năm thiết kế mỹ thuật cho phim lịch sử đồng thời là chuyên gia đồ cổ, đã tức tốc sang di tích quốc gia đền Gióng (Gia Lâm, Hà Nội) sau khi được tin toàn bộ mảng chạm, vì kèo của di tích này bị sơn thếp sai thủ tục và kỹ thuật (Thanh Niên ngày 2.4 thông tin trong bài Hủy hoại đền Gióng vì sơn thếp). “Sơn đỏ choe choét bóng như thế thì mất hết đẹp rồi. Cứu thì khó. Chỉ có thể làm cho giảm sự thái quá về màu sắc đi thôi, chứ còn cứu thì không cứu được. Sau khi làm giảm màu đi còn phải làm cho nó có màu của thời gian nữa, làm giả cổ. Thậm chí bóc được sơn đã sơn mảng chạm đi thì tốt nhất”, họa sĩ Đức đánh giá.
Trong khi đó, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản, cho rằng vết thương của đền Gióng sau tu bổ thuộc diện “bác sĩ mổ làm bệnh nhân chết rồi, không cứu nổi”. Thậm chí, theo ông Bài, chỉ còn cách chờ thời gian cho màu sơn đỏ choét đó phai đi cho đỡ tệ thôi chứ chẳng thể làm gì. “Cũng phải mất độ hai chục năm”, ông Bài nói.
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, người nổi tiếng với nhiều tác phẩm thiết kế có chất liệu sơn mài, cho rằng có hai cách có thể chữa được trọng bệnh cho đền Gióng và hai mảng chạm quý ở đền. “Họ sơn bằng sơn công nghiệp nên nó bóng lộn chả ra sao. Có hai cách có thể xử lý: cho thợ giỏi mài vỡ lớp sơn mới rồi làm lại, hoặc sơn cánh gián lên cho màu nó trầm lại. Tuy nhiên, phải là thợ rất giỏi mới làm được. Chứ không phải loại thợ đã sơn mấy chỗ này”, ông Đạt nhấn mạnh.
Sau khi Thanh Niên lên tiếng, cho tới giờ, các tổn thương ở đền Gióng vẫn còn nguyên, chưa hề có gì thay đổi. Trong khi đó, theo ông Mạnh Đức, muốn chữa khỏi thì phải chữa sớm, vì càng để lâu sơn càng khô càng bám vào mảng chạm chặt hơn.
“Dịch” sơn thếp di tích1
Một số mảng chạm ở đình Tiên Hường trước và sau sơn thếp (phải) Ảnh: Trần Ngọc Đông
Về phương án phục hồi đền Gióng, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết: “Hiện giờ chúng tôi vẫn đang chờ huyện trình phương án”. Theo phân cấp quản lý, huyện chính là nơi đã chọn đơn vị thi công và tu bổ đền Gióng. Việc tu bổ diễn ra sai phạm ra sao cũng đã rõ. Vì thế, việc Sở VH-TT Hà Nội lại tiếp tục chờ huyện trình phương án sửa chữa không rõ sẽ kéo dài đến bao giờ, hiệu quả sửa chữa đến đâu trên cơ sở năng lực như vậy.
Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL - ông Phạm Xuân Phúc cho biết hiện thanh tra vẫn đang tiếp tục theo dõi các diễn biến tại đền Gióng Phù Đổng. Vừa qua, việc tổ chức lễ khánh thành tu bổ đã bị yêu cầu dừng lại, không được tổ chức. Sở VH-TT cũng đã có văn bản yêu cầu huyện xử lý các vấn đề liên quan. “Tuần tới, chúng tôi cũng sẽ xem xét việc cho người xuống thanh tra các vi phạm ở đền Gióng, Phù Đổng”, ông Phúc nói.
“Đỏ bóng, vàng chóe trong di tích”
Trong khi ở đền Gióng vết thương còn chưa được chữa thì dịch sơn son thếp bạc vàng làm giảm giá trị các mảng chạm lại được phát hiện thêm ở các di tích khác.
Ở đền Vua Đinh vua Lê (Hoa Lư, Ninh Bình), mảng chạm sau khi được sơn đỏ trở nên lồi lõm vì sơn và khó chiêm ngưỡng các nét khắc. Điều này thấy rõ nhất ở bức chạm người đâm thú, chạm trên thanh xà ở nghi môn nội đền Vua Đinh.


Xử phạt vi phạm trong tu bổ di tích
Theo điều 24, Nghị định 158 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, việc tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh không đúng nội dung quy hoạch, dự án và thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt bị phạt tiền từ 5 - 15 triệu đồng. Cũng theo điều này, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh mà không có văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị phạt tiền từ 5 - 15 triệu đồng.

Tại đình Tiên Hường (Hương Canh, Vĩnh Phúc), các mảng chạm sau khi trùng tu cũng có hiệu ứng bóng loáng và mất độ sâu, sắc nét của nét chạm... Những mảng màu hoặc đỏ bóng, hoặc vàng chóe, hoặc nhũ hoàn toàn không đem lại hiệu ứng tốt nếu so sánh trước và sau khi sơn. Ông Trần Ngọc Đông, thành viên nhóm Đình làng Việt, chia sẻ nhiều bức chạm ở đình làng Tiên Hường quê ông sau khi sơn đều giảm vẻ đẹp. “Hãy khoan nói về lợi ích của sơn, nhưng còn về ý nghĩa bảo tồn di sản rõ là sai bét. Làng tôi có ba cái đình thì sau khi trùng tu, tại gian giữa, thợ thi công đều sơn ráo hết cả”, ông Đông cho biết. Lợi ích của sơn mà ông Đông muốn nói chính là một số ý kiến cho rằng việc sơn thếp sẽ tạo thêm lớp bảo vệ giúp gỗ và mảng chạm chống chọi lại sự tác động của thời gian, khí hậu tốt hơn.
Không phải chỗ nào cũng cần sơn !
Về việc sơn thếp, ông Mạnh Đức cho rằng: “Các mảng điêu khắc đình thường không phù hợp với sơn do cách đục thô mảng rộng. Khối của bức đục chạm đình thường khỏe. Nếu có chủ ý sơn, tiền nhân sẽ đục khác và làm khối điêu khắc căng mọng chứ không để lộ phom gỗ lộ liễu”.
Như vậy, sẽ có những mảng chạm không phù hợp với sơn. Sự tinh tế sẽ giúp người thợ không sơn phết hùng hục, tô hùng hục, càng đậm đà, càng sặc sỡ thì càng khoe được sự giàu sang hơn người. Trong khi đó, các cụ xưa rất tài tình điều tiết được đâu là chỗ cần nhấn, đâu cần buông, sơn đâu dày, sơn đâu mỏng, chỗ nào thếp, chỗ nào không... “Khi sơn thếp các cụ làm kỹ, lại dùng chổi tre quét chải kỹ vào các khe kẽ để lấy lại nét. Thậm chí còn dùng dao tách gột để lấy nét mặc dù hom rất dày. Người thợ sơn ngày xưa không chỉ biết sơn mà rất ý thức khắc phục nhược điểm và lỗi của người chạm và của lỗi gỗ. Như thế, nhằm tăng cường cái đẹp của khối, đường nét điêu khắc. Tức là ý thức làm sơn như một nhà điêu khắc vậy”, ông Đức phân tích.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Hội viên Hội Di sản, cũng cho rằng ngày xưa đúng là các cụ có dùng sơn trên một số cấu kiện kiến trúc, nhất là gian giữa. Về lý mà nói, lẽ ra khi bị sơn thì các cấu kiện sẽ mờ dần đường nét chạm khắc, và việc nhận diện hình khối sẽ trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, khi tiếp cận di tích, ông Nam thấy nhiều nơi tuy còn các lớp sơn cổ mà thấy các đường nét vẫn rõ ràng, hình khối thể hiện tốt chứ không giảm chất lượng đột ngột như sơn mới hiện nay.
Ông Đức cũng nhấn mạnh đến một yếu tố khác làm nên vẻ đẹp của di tích. Đó chính là vẻ đẹp thâm trầm cổ kính nhuần nhuyễn chính là màu thời gian đã tạo nên nữa. Quá trình làm giả cổ chính là tìm ra được những công thức tạo nên màu thời gian đó. Chính vì thế, bên cạnh việc sơn như một nhà điêu khắc thì người thợ lành nghề còn phải biết tạo nên màu thời gian đó chứ không để mọi thứ đỏ ối lên như bát tiết canh. “Nếu chúng ta còn có quan niệm việc trùng tu như một công việc kiếm ăn béo bở thì còn xảy ra tình trạng như hiện nay. Nghĩa là bới việc ra để làm, làm tất nếu có thể”, ông Đức chia sẻ.
Ông Đặng Văn Bài cũng cho rằng, với thực tế tu bổ như vậy, việc giám sát công tác tu bổ cần được làm chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt, trách nhiệm của cá nhân làm sai cần được xem xét rõ hơn và xử lý nghiêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.