Dịch tay chân miệng lây lan ở mức báo động

10/11/2011 23:57 GMT+7

Ngày 10.11, ông Lê Minh Định - Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận cho biết: “Qua nhiều tháng theo dõi, chúng tôi thấy bệnh phát triển với tốc độ nhanh và hiện đã mất kiểm soát, mặc dù chúng tôi đã thực hiện hết các biện pháp nhằm khống chế dịch”.

Tại buổi làm việc với đại diện Bộ Y tế và Viện Pasteur Nha Trang ngày 10.11, ông Lê Minh Định - Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận nói: “Qua nhiều tháng theo dõi, chúng tôi thấy bệnh phát triển với tốc độ nhanh và hiện đã mất kiểm soát, mặc dù chúng tôi đã thực hiện hết các biện pháp nhằm khống chế dịch”.

Cũng theo ông Định, từ khi phát hiện có dịch tay chân miệng (TCM) (tháng 4.2011) đến cuối tháng 8, ngành y tế vẫn kiểm soát tốt tình hình. Tuy nhiên, bước sang tháng 10 dịch trở nên phức tạp. Tháng 9, số ca mắc là 94, nhưng sang tháng 10 thì số ca vọt lên 173; tháng 11, mỗi tuần nhận thêm trên 50 ca và bệnh đã phát triển thành dịch. Tổng số ca mắc bệnh trong tháng 10 và đầu tháng 11 bằng 68% số ca mắc từ đầu năm đến nay. Trong đó, số ca mắc TCM ở trẻ em dưới 3 tuổi là 468, chiếm gần 84%.

 

 Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận đang quá tải vì số ca mắc bệnh TCM tăng đột biến - Ảnh: L.X 

Ông Đỗ Minh Hùng - Trưởng khoa Dịch tễ (Viện Pasteur Nha Trang) nhận định: “Nếu xét về góc độ số ca nhiễm bệnh, Ninh Thuận chỉ ở mức trung bình thấp so với các tỉnh, thành có dịch TCM khác trong cả nước. Tuy nhiên, nếu xét ở khía cạnh tỷ lệ ca tử vong trên số ca nhiễm bệnh thì lại ở mức cao nhất nước. Ngoài ra, đây cũng là một trong số ít tỉnh phát hiện người lớn mang mầm bệnh nhưng không biểu hiện bệnh. Đây là yếu tố rất đáng chú ý, bởi điều đó chứng tỏ bệnh đã lây lan ở mức độ báo động. Vì vậy theo tôi, việc tỉnh chọn cách công bố dịch là hoàn toàn hợp lý”.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, đến ngày 9.11, toàn tỉnh có 558 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó có 4 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số mắc bệnh tăng gần 29 lần. Bệnh xảy ra tại 54/65 xã, phường trên phạm vi 7/7 huyện, TP. Trong đó, những địa bàn như TP.Phan Rang - Tháp Chàm, các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải tập trung nhiều ca mắc và bệnh diễn biến rất phức tạp.

Ông Trần Thanh Dương - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đồng tình: “Hiện tình hình dịch tại Ninh Thuận đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ kéo dài với cường độ cao. Vì vậy, việc công bố dịch là phù hợp với tình hình dịch bệnh của tỉnh. Các hoạt động chống dịch ở đây được triển khai chưa thật sự quyết liệt, công tác tuyên truyền chưa đến được với người dân”.

Mặc dù đã chính thức công bố dịch, nhưng việc đối phó với dịch vẫn lúng túng từ tỉnh đến xã. Bà Phan Thị Lai - Phó giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận nói: “Hiện chúng tôi đang thiếu đủ thứ, từ kinh phí, công tác tuyên truyền cho đến nhân lực”. Bà Lai dẫn chứng, các tỉnh khác khi có dịch TCM, họ được cấp hàng tỉ đồng cho việc kiểm soát và dập dịch. Thực tế từ đầu năm đến nay, Ninh Thuận chỉ được cấp khoảng 300 triệu đồng. “Với số tiền ít ỏi đó thì công tác đối phó cũng như dập dịch còn hạn chế là chuyện đương nhiên”, bà Lai nói. Trong khi đó, hầu hết các cấp chính quyền địa phương tỏ ra “mơ hồ” với dịch TCM.

Bà Nguyễn Thị Bích Hà, Phó chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm thừa nhận: “Hiện số ca bị nhiễm thực tế trên địa bàn không nắm được. Tình trạng người dân chưa hiểu về bệnh TCM là có thật. Khi có con em bị nhiễm họ không đem đến bệnh viện mà tự mua thuốc chữa tại nhà”.

Ông Đỗ Minh Hùng thẳng thắn: “Nguyên nhân dẫn đến dịch TCM bùng phát đáng lo ngại chủ yếu là do hiệu quả công tác tuyên truyền và điều trị kém hiệu quả ngay từ các tuyến dưới; nhận thức của người dân về bệnh TCM còn quá ít ỏi”.

Lê Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.