Dịch vụ 'cứu' tài khoản Facebook nở rộ sau đợt quét video khiêu dâm

20/08/2021 14:23 GMT+7

Các cá nhân hoặc nhóm đua nhau chào giá dịch vụ mở khóa cho những tài khoản đã bị Facebook truy quét vì liên quan tới việc phát tán video khiêu dâm trẻ em vừa qua.

Trên mạng xã hội Facebook, nhiều người làm dịch vụ mở khóa tài khoản đưa ra các mức khác nhau để “cứu” những tài khoản đã bị đóng vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của hãng. Số tiền người dùng phải trả cho phía làm dịch vụ cao hay thấp phụ thuộc vào tình trạng hoặc số lượng tài khoản.
Một tài khoản có tên “Lấy lại Nick - Mở khóa…” chào dịch vụ với giá 500.000 đồng và không yêu cầu giấy tờ xác nhận như CMTND (chứng minh thư nhân dân) hay CCCD (căn cước công dân), tuy nhiên nếu có sẽ tốt hơn. Trong trường hợp làm cho nhiều tài khoản, mức giá sẽ giảm còn 300.000 - 400.000 đồng. Mức giá có thể lên tới 1 - 1,5 triệu đồng, tùy nơi làm.
“Tài khoản chưa khiếu nại, có đầy đủ thông tin trùng khớp với đăng ký thì tỷ lệ mở khóa thành công cao hơn, đương nhiên giá cũng thấp hơn”, một người làm dịch vụ khẳng định. Giá có thể thay đổi phụ thuộc vào thời gian chờ. Facebook thông báo hạn khiếu nại 30 ngày kể từ thời điểm bị khóa và chưa xác định thời gian phản hồi, có những bên cam kết thời gian “tài khoản về” là 3 - 7 ngày nếu chưa gửi giấy tờ xác minh, giá làm 1 triệu đồng, tăng gấp đôi thời gian cũng như giá nếu đã gửi thông tin cho Facebook trước đó. Số tiền này có thể tăng tới hàng chục triệu đồng nếu muốn làm trong 24 giờ.
Tuy nhiên, đa phần những người đứng ra nhận làm các dịch vụ liên quan đều không phải đối tác chính thức của Facebook mà chỉ là các cá nhân, tập thể có kinh nghiệm và kiến thức để xử lý các vấn đề trên nền tảng này. Chưa kể trên thị trường có nhóm người chỉ làm dịch vụ trung gian, ăn phần chênh lệch chứ không có khả năng tự thực hiện các thủ tục với Facebook.

Khiêu dâm trẻ em là nội dung bị Facebook kiểm soát sát sao vì từng hứng nhiều chỉ trích do buông lỏng

Ảnh chụp màn hình Telegraph

Người dùng cũng có thể tự thực hiện các quy trình theo hướng dẫn của mạng xã hội này, tuy nhiên do không am hiểu nên chuyện xử lý có thể phức tạp và lâu hơn. Anh Nguyễn Đức Khôi - chuyên gia xử lý khủng hoảng và các vấn đề liên quan tới Facebook khuyến cáo người dùng nên làm theo hướng dẫn từ hãng. Lợi ích của việc tự làm là lịch sử truy cập (từ loại thiết bị, địa chỉ IP…) trùng khớp với dữ liệu lưu máy chủ. “Hệ thống Facebook nhận dạng thiết bị lạ, IP lạ không trùng với lịch sử đăng nhập có thể gây khó cho nỗ lực cứu tài khoản”, anh giải thích thêm.
Ngoài các đơn vị nhận dịch vụ uy tín, hiện nay có một số người cũng tự nhận làm dịch vụ nhưng mục đích là lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nạn nhân cả tin. Chúng sử dụng các tài khoản ảo, mới lập để chào mời dịch vụ, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước rồi lặng lẽ “biến mất”. Ngoài việc mất tiền, nạn nhân cũng đối mặt nguy cơ mất thông tin cá nhân như tên tài khoản, mật khẩu, hình ảnh của CMTND, CCCD khi gửi cho những đối tượng này.

Luật sư giải đáp: Phát tán clip nhạy cảm bị xử lý thế nào?

Bên cạnh đó cũng có những người cương quyết từ chối cứu các tài khoản bị khóa do liên quan tới việc chia sẻ, phát tán clip khiêu dâm trẻ em. Anh H.Q (quận Tân Bình, TP.HCM) - một người chuyên làm dịch vụ Facebook cho biết tới nay vẫn có không ít người gọi điện hoặc nhắn tin riêng để hỏi giá, tuy nhiên anh từ chối tất cả.
“Các trường hợp cứu nick vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng thường tôi tính giá 1 triệu đồng, nhưng riêng vụ này tôi không nhận. Cá nhân tôi thấy sự trừng phạt từ Facebook là xứng đáng đối với những người phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em nên dù người quen liên hệ thì tôi cũng chỉ lấy lý do đang bận không thể hỗ trợ”, anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.