Dịch vụ phát triển thị trường (DVPTTT) là một mô hình mới trong lĩnh vực cung ứng, giúp các công ty tiếp cận khách hàng ở những thị trường mới và hỗ trợ họ về mặt tiếp thị, bán hàng, phân phối, kho vận và dịch vụ hậu mãi.
Theo báo cáo nghiên cứu về DVPTTT toàn cầu lần thứ hai do Công ty tư vấn chiến lược Roland Berger và Tập đoàn DKSH thực hiện, ngành DVPTTT toàn cầu với mức tăng 7,1% mỗi năm và được dự đoán là đạt 3.100 tỷ USD trong năm 2015. Cụ thể là, trong bản báo cáo DVPTTT lần này, dữ liệu được tổng hợp và phân tích từ hơn 350 người trả lời cuộc khảo sát và trên 25 buổi phỏng vấn với các chuyên gia đầu ngành, các quản lý cấp cao và những các nhà lãnh đạo tâm huyết về chủ đề cải tiến dịch vụ. Kết quả của nghiên cứu này giúp các nhà ra quyết định thấu hiểu sâu sắc hơn về những ích lợi của việc cải tiến dịch vụ và ý nghĩa của nó đối với ngành DVPTTT.
Theo kết quả nghiên cứu, để đạt được ưu thế từ môi trường cạnh tranh, điều kiện tiên quyết đối với các nhà cung cấp DVPTTT là duy trì và phát huy những dịch vụ cốt lõi như bán hàng, phân phối và kho vận. Bên cạnh đó phải cung cấp các dịch vụ cải tiến và được điều chỉnh dựa trên nhu cầu của đối tác và khách hàng. Cải tiến dịch vụ thành công cho phép các công ty DVPTTT luôn có tính cạnh tranh và tạo ra lợi thế thị trường.
Bản báo cáo cho rằng, những giải pháp dịch vụ mới là rất cần thiết nhưng không có một giải pháp tiêu chuẩn nào phù hợp cho tất cả mà dịch vụ cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của đối tác và khách hàng. Yếu tố quan trọng là khả năng mang lại giá trị hữu hình của việc cải tiến dịch vụ, những lợi ích như tăng doanh số hay nâng cao hiệu quả kinh doanh. Chẳng hạn về những dịch vụ cải tiến là dịch vụ thấu hiểu thị trường như cung cấp thông tin và dữ liệu thị trường, nghiên cứu thâm nhập thị trường và phân tích thương hiệu, đây vốn là yêu cầu của các nhà quản lý để giúp họ đưa ra quyết định chiến lược tốt hơn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mức độ dịch vụ khá đa dạng ở từng nước. Thông qua Chỉ số Phát triển Dịch vụ (SDI) mới được giới thiệu, các quốc gia được chia thành năm nhóm: Dẫn đầu, Đuổi kịp, Theo đuổi, Tăng tốc, và Khởi hành. Chỉ số SDI được đo dựa trên mức độ tinh vi của dịch vụ ở các nước và nhấn mạnh sự quan trọng của việc các nhà cung cấp DVPTTT phải tùy chỉnh dịch vụ của mình dựa trên mức độ tinh vi của dịch vụ và các yêu cầu ở từng thị trường riêng lẽ. Theo báo cáo SDI vùng Châu Á-Thái Bình Dương năm nay, Việt Nam nằm trong nhóm Tăng tốc cùng với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ.
Tiến sĩ Joerg Wolle - Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn DKSH - cho biết, trong bất kỳ ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh nào, sự cạnh tranh cả trong và ngoài ngành đều tăng cùng nhau. Cho nên quan trọng nhất là các nhà cung cấp DVPTTT thường xuyên củng cố năng lực cạnh tranh của họ và việc cải tiến dịch vụ là điều kiện bắt buộc.
Báo cáo còn cho biết, các nhà cung cấp DVPTTT nhất thiết phải cung cấp các giải pháp cải tiến dịch vụ phù hợp - những giải pháp được phát triển và thực hiện cùng với các đối tác kinh doanh của mình, chỉ khi đó các nhà cung cấp DVPTTT mới gia tăng giá trị cho đối tác và khách hàng của họ.
Việt Nam cũng là nền kinh tế mới nổi, những DVPTTT với giá trị cộng thêm cao sẽ có cơ hội phát triển mạnh trong tương lai. Điều này tạo ra cơ hội cho những nhà cung cấp DVPTTT đã tồn tại lâu trên thị trường Việt Nam như DKSH tham gia vào việc cung cấp các gói dịch vụ toàn diện cho các đối tác, xây dựng chuỗi giá trị từ nghiên cứu và phân tích thị trường, tiếp thị và bán hàng, phân phối và kho vận cho đến dịch vụ hậu mãi.
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận (0)