Dịch vụ xe kéo 'lên ngôi' ở vùng lũ

02/11/2016 13:10 GMT+7

Hạ lưu hệ thống khu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) nước đang lên nhanh gây xáo trộn sinh hoạt của người dân; nhiều nơi phải mang xe kéo ra làm “dịch vụ” chở người, phương tiện... qua đường.

Qua "sông" bằng xe kéo Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Sáng sớm nay 2.11, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân 2 địa phương Điện Bàn và Đại Lộc bị lũ chia cắt lưu thông trên tuyến ĐT609, ngay khu vực dưới chân cầu Bình Long bắc qua xã Điện Phước (TX.Điện Bàn). Đoạn đường dài hàng chục mét đang bị lũ nhấn chìm.
Trước tình thế bất khả kháng này, nhiều người dân ở Điện Phước đã “sáng tạo” khi mang xe bò ra làm “dịch vụ” chở người, chở xe... qua đường để đáp ứng nhu cầu “qua sông” trên tuyến ĐT 609 của khách. Mỗi lượt vận chuyển, chủ “dịch vụ” thu khoảng 10 - 20.000 đồng/người.
Giá cả có phần “đắt đỏ” như vậy, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, rất đông người dân tập trung hai bên đường để chờ được qua đoạn đường bị ngập lụt bằng phương tiện này. Tuy nhiên, cũng có một số người chỉ vận chuyển giúp, không lấy tiền.
Chờ để được thuê "dịch vụ" Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Dầm mình dưới nước kéo xe đưa khách qua đoạn đường ngập sâu Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Vất vả với việc "xử lý" cùng lúc xe máy và trẻ em Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Ông Trần Công Khoa, Phó chủ tịch UBND xã Điện Phước cho biết từ 4 giờ sáng nay (2.11), sau khi được một số người dân báo tin về việc đoạn đường nằm dưới chân cầu Bình Long bị ngập sâu (có nơi ngập hơn 1 mét), chính quyền địa phương đã huy động lực lượng công an xã ra rào chắn hai mép bên đường để phòng ngừa nguy cơ nước chảy xiết gây nguy hiểm cho người đi đường.
“Nước chủ yếu ở đây là chảy từ sông Thu Bồn vào. Nếu theo dự báo, trời có thể tiếp tục mưa lớn thì chúng tôi sẽ huy động mọi lực lượng túc trực 24/24 để đảm bảo cho nhiều người dân lưu thông qua khu vực này. Trường hợp nước tiếp tục lên cao và chảy xiết, chúng tôi sẽ chặn hẳn và hướng dẫn cho người dân đi theo hướng đường tránh. Rất may đến thời điểm này chưa có người bị thương và thiệt hại về tài sản khi qua đoạn đường này”, ông Khoa cho biết thêm.

"Sáng tạo" của người dân vùng ngập lụt, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.