Diego Maradona: Huyền thoại ‘bàn tay của Chúa’

26/11/2020 10:35 GMT+7

Giả sử World Cup 1986 đã có... VAR, thì sẽ không có ‘bàn tay của Chúa’, Argentina chưa chắc thắng Anh ở vòng tứ kết, và sẽ không có huyền thoại Maradona - hoặc ít ra thì câu chuyện về Diego Maradona khác hẳn bây giờ, lịch sử bóng đá cũng sẽ khác hẳn?

Hãy bỏ thêm chút thời gian để nhớ lại "thời của Maradona", ở Việt Nam cũng như trên thế giới. World Cup 1986 là giải bóng đá lớn lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp, một cách phổ biến, tại Việt Nam. Riêng tại TP.HCM thì trận bóng đá đầu tiên được truyền hình trực tiếp một cách phổ biến (có nghĩa là mọi người đều xem được nếu có TV, chứ không phải một số ít người "có điều kiện kỹ thuật", xem được trực tiếp nhờ cách này hoặc cách khác), là trận Liên Xô - Đan Mạch ở vòng loại World Cup 1986, diễn ra vào ngày 25.9.1985.

Người Việt tiếc thương Maradona, nhớ thời rồng rắn xem TV chập chờn ca-rô đen trắng

"Ngay lúc này, họ đang đá bên kia, và mình đang xem ở đây". Không thể nhớ hết, chúng tôi đã nói, nghe, bàn bao nhiêu lần về cái cảm xúc kỳ thú của lần đầu tiên được xem truyền hình trực tiếp một trận bóng đá diễn ra ở châu Âu. Việt Nam đi trước Liên Xô (tính theo Moscow) 4 giờ. Đấy là lý do vì sao chúng tôi xem vào buổi tối trong khi hình ảnh trên sân Central Lenin ở Moscow còn đang sáng trưng - có những đứa trẻ tầm 11-12 tuổi còn bán tín bán nghi, không dám tin chắc vào cách giải thích này.
Còn thế giới hồi ấy ra sao? Nên nhớ: người ta phải mất hơn 30 năm, liên tục mượn những tiến bộ mới nhất của khoa học kỹ thuật, mổ xẻ bằng mọi cách có thể, để kết luận cú sút của Geoff Hurst (Anh) trong trận chung kết World Cup 1966 với Đức là chưa thành bàn. Vậy, VAR đâu có nghĩa lý gì, nếu phương pháp này (xem lại tình huống quan trọng qua video để giúp trọng tài ra hoặc sửa quyết định) được áp dụng tại World Cup 1986! Kỹ thuật quay phim thời ấy hãy còn.. dở lắm.

Pha chơi bóng bằng tay đi vào lịch sử bóng đá thế giới của ‘Cậu bé vàng’

AFP

Sự thật rành rành: cả thế giới đã xem đi xem lại pha ghi bàn của Maradona, rút cuộc cũng chỉ tiến đến chỗ tranh cãi, tất nhiên ai cũng khẳng định... mắt mình chuẩn nhất. Rất nhiều năm sau đó, sự thật mới được chứng minh, ở một nơi mà khi ấy còn coi như chưa thuộc về thế giới bóng đá: Úc. Chỉ đến khi một tờ báo của Úc đăng ảnh bàn tay của Maradona chạm rõ ràng vào quả bóng, tranh cãi quanh "bàn tay của Chúa" mới khép lại.

Mãi không quên 5 bàn thắng để đời của Maradona ở VCK World Cup!

Khoan nói thập niên 1980. Ngay cả trong kỳ World Cup 1998 rất hiện đại ở Pháp, mọi nỗ lực của ban tổ chức và các hãng truyền hình liên quan, trong việc mổ xẻ lại sự kiện, đều chỉ cho thấy trọng tài có vẻ đã sai khi thổi phạt đền cho Na Uy ở trận gặp Brazil. Đấy là trận quyết định ở vòng bảng. Nhờ quả phạt đền, Kjetil Rekdal ghi bàn giúp Na Uy thắng 2-1 ở phút 89, đoạt luôn chiếc vé đi tiếp từ tay Morocco. Nhiều ngày sau đó, báo chí Na Uy mới chứng minh được quả phạt đền là đúng. Nhờ một khán giả Na Uy tự quay phim riêng làm kỷ niệm, tình cờ ngồi đúng góc quay phù hợp, cung cấp tư liệu!

Trả lời phỏng vấn BBC, Maradona cho biết bàn thắng được ghi bởi: "Một phần bằng đầu và một phần với bàn tay của Chúa". Kể từ đó, Bàn tay của Chúa ra đời.

Reuters

Trở lại trường hợp của Maradona. Thôi thì mọi chuyện cũng đã xong rồi. Vậy, anh có thể nói thật về pha ghi bàn của mình? Người ta hỏi vậy sau trận đấu. Và Maradona có câu trả lời bất hủ: "Bàn thắng ấy được ghi bằng cái đầu của Maradona và bàn tay của Chúa". Không hề nói dối, cũng không khẳng định điều gì, bởi có nhiều cách hiểu khác nhau - mà cách nào cũng hay.

Messi, Ronaldo tiếc thương, 'Vua bóng đá' mơ lên thiên đàng chơi bóng cùng Maradona

Đâu phải ngẫu nhiên mà "bàn tay của Chúa" đi vào huyền thoại! Đấy có thể là pha ghi bàn huyền bí, độc đáo, quan trọng, đáng nhớ nhất qua mọi thời đại trong môn bóng đá. Quan trọng ư? Vâng, bởi nó không chỉ là bàn mở tỷ số trong một trận đấu knock-out ở World Cup. Nó còn diễn ra trong trận đấu giữa hai cường quốc bóng đá đáng gọi là "tử thù" với nhau, với những câu chuyện nặng nề cả trước lẫn sau đó. Thậm chí, nó vượt ra khỏi phạm vi bóng đá. Chiến tranh Falklands (tên quần đảo mà Argentina gọi là Malvinas) diễn ra chỉ 4 năm trước đó, với Maradona là một trong những gương mặt đi đầu trong việc kích động sỹ khí Argentina.
Cũng rất thú vị, khi mà bàn thắng "đáng nhớ nhất" (hay "tồi tệ nhất" - tùy thuộc người xem là ai, thuộc "phe" nào) và bàn thắng "vĩ đại nhất thế kỷ" diễn ra cách nhau chỉ 4 phút, trong cùng một trận đấu và đều do Maradona ghi được. Vào năm 2002, FIFA chính thức công nhận bàn thứ 2 của Maradona trong trận ấy - một pha solo qua 4 hậu vệ và thủ môn Anh - là "bàn thắng vĩ đại nhất World Cup trong thế kỷ 20".

Messi giống y xì Maradona thế nào? Xem clip tổng hợp để không còn phân vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.