Điểm 10

17/07/2011 14:54 GMT+7

Bạn tôi học rất giỏi, hầu như lúc nào cũng đạt điểm 10. Suốt 12 năm học phổ thông đều xếp loại giỏi. Lên đại học cũng thế, bạn luôn ở trong tốp đầu của những sinh viên đạt thành tích cao trong học tập. Gia đình bạn ấy luôn tự hào về con mình. Trong những buổi họp mặt bạn bè, họ hàng, ba mẹ bạn luôn được mọi người khen ngợi vì có một đứa con học giỏi và ngoan hiền.

Hôm qua, tình cờ gặp lại bạn tại một quán cà phê. Tay bắt, mặt mừng, lâu rồi không gặp, quả thật có nhiều điều để nói. Bạn cho biết giờ đây chưa có việc làm ổn định cho dù tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi. Đã trải qua rất nhiều chỗ nhưng bạn chưa thích nghi được với bất cứ nơi nào. Cứ 3, 4 tháng lại nhảy việc. Không lẽ những kiến thức mà bạn tích lũy được từ thành tích học tập của mình không giúp ích gì cho bạn sao? - tôi tự nhủ. Nhưng hóa ra không phải vậy, cái mà bạn thiếu bây giờ là những kỹ năng giao tiếp xã hội cũng như khả năng hòa nhập với môi trường làm việc của mình.

“Ở phổ thông cũng như đại học, lúc nào mình cũng vùi đầu vào việc học chứ ít khi tham gia vào các hoạt động tập thể như các bạn. Giờ đây, mình cảm thấy hối tiếc vì thiếu những kỹ năng sống cần thiết cho chính bản thân mình” - bạn tâm sự.

Quả thật, khi còn chung lớp, mời bạn tham gia những buổi dã ngoại, cắm trại, văn nghệ của lớp, chỉ nhận được lời từ chối nhẹ nhàng. Đối với bạn, những điểm 10 mới là quan trọng! Bạn có thể bỏ qua những hoạt động tập thể hết sức vui nhộn mà vùi đầu vào sách vở để giữ vững thành tích của mình.

Lời nói của bạn trước lúc chia tay khiến tôi phải suy nghĩ: “Điểm 10 rất quan trọng nhưng những kỹ năng sống cũng quan trọng không kém. Anh hãy nhớ điều này khi dạy con mình nhé!”.

Lê Tấn Tời
(An Giang)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.