Điểm chuẩn đại học 2021: Thấy gì việc 9 điểm/ môn không trúng tuyển báo chí, truyền thông?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
17/09/2021 06:00 GMT+7

Tiếp tục một năm nữa các ngành báo chí, truyền thông, quan hệ công chúng có điểm chuẩn đại học cao ngất ngưởng với việc phải hơn 9 điểm/ môn mới có thể trúng tuyển nhóm ngành này. Hiện tượng này có gì đặc biệt?

Ngày 15.9, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội công bố điểm chuẩn đại học theo phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Đáng chú ý là ở tổ hợp môn C00 (văn - sử - địa), điểm chuẩn ngành báo chí là 28.80. Ngành quan hệ công chúng còn có mức điểm chuẩn cao hơn là 29.30. 
Ngày 16.9, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng đã công bố điểm chuẩn. Theo đó, ngành truyền thông đa phương tiện có điểm chuẩn cao nhất trường với 27.7 điểm (D01) và 27.9 điểm (D14 và D15). Ngành báo chí cũng có điểm chuẩn rất cao là 27.8 điểm (C00), 27.1 điểm (D01) và 27.2 điểm (D14). 
Điểm chuẩn của các ngành nhóm này tại Học viện Báo chí và tuyên truyền cũng rất cao. Điểm chuẩn ngành truyền thông đa phương tiện của trường này tùy theo tổ hợp môn dao động từ 27.1 - 28.6 điểm, ngành truyền thông đại chúng dao động từ 26.27 - 26.77 điểm. 
Trong khi đó, nếu không tính các ngành nhân hệ số môn chính (quy về thang điểm 30), ngành quan hệ công chúng là ngành có điểm chuẩn cao nhất tại Trường ĐH Văn Lang, một trường ĐH tư thục. Điểm chuẩn ngành này lên đến 24.5 điểm. 

Vẫn luôn có sức hút!

Nói về chuyện này, tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, nguyên Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết: "Thú thật là cá nhân tôi với tư cách là người đang làm công tác giảng dạy và nghiên cứu về báo chí và truyền thông cũng không khỏi ngạc nhiên trước con số thống kê tình hình tuyển sinh những năm gần đây. Truyền thông trở thành một ngành học "hot" thu hút nhiều thí sinh khối C và D. Có thể có nhiều nguyên nhân cùng lúc.

Theo tiến sĩ Thông thí sinh có năng lực thiên về khối C, D hiên nay cũng không có nhiều lựa chọn về ngành học. Phần lớn các ngành học khối C, D cũng có mục tiêu đào tạo rất tổng quát mà không đào tạo cụ thể một nghề nghiệp như báo chí, truyền thông. Mà xu hướng hiên nay thì thí sinh muốn tìm kiếm những ngành học đào tạo chuyên vào một nghề nghiệp để định vị trong thị trường lao động rõ ràng hơn.

Sinh viên báo chí - truyền thông trong ngày tốt nghiệp

T.N

Cũng theo ông Thông, ngành truyền thông hiện đang có một thị trường việc làm rất rộng và đa dạng, bao gồm hầu như tất cả các lĩnh vực, các khu vực kinh tế khác nhau. Nghề này cũng rất dễ để làm việc tự do theo kiểu cộng tác viên tự do.

"Một lý do nữa là rất có thể vì đời sống truyền thông hiện nay rất sôi động đã tạo xu hướng thu hút sự chú ý của giới trẻ.Tuy nhiên, đó cũng chính là điều tôi thấy lo ngại. Không biết có bao nhiêu phần trăm các thí sinh đã chọn nghề truyền thông vì chạy theo xu hướng, kiểu như giới trẻ hay nói là... đu trend”, ông Thông chia sẻ.

Còn theo tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang, lý do cho mức điểm chuẩn cao như vậy là trong khối khoa học xã hội thì báo chí , truyền thông, quan hệ công chúng luôn là những ngành có tính mới, cập nhật nhất so với các ngành khác. Học sinh được tiếp cận với những vấn đề nổi bật nhất nên khi tìm hiểu về ngành để đăng ký, học sinh cảm thấy gần gũi, các thông tin về ngành luôn thú vị. 

Theo tiến sĩ Tuấn, sinh viên học các ngành này cũng có thể linh hoạt khi xin việc vì không làm được đúng ngành vẫn có thể làm được nhiều lĩnh vực so với những ngành khoa học xã hội khác như tâm lý học, triết, học đông phương học... Các ngành này cũng phù hợp với học sinh thích làm việc trong doanh nghiệp, kinh tế nhưng không đi quá sâu về phía kinh tế phải học tính toán, con số. Học báo chí, truyền thông, quan hệ công chúng vẫn có thể làm trong các lĩnh vực kinh doanh nhưng khi học thì tránh được các kiến thức tự nhiên vốn không phải là thế mạnh của học sinh chuyên khối C, D. Sức hút của ngành này cũng đi kèm với nhu cầu xã hội lớn vì các doanh nghiệp cần rất nhiều nhân lực làm ngành này. Hồ sơ đăng ký vào ngành quan hệ công chúng của trường rất nhiều nhưng chỉ tiêu xét tuyển là 180 sinh viên nên dẫn đến điểm chuẩn cao như vậy. 

Dịch chuyển về lựa chọn ngành học 

Điểm chuẩn của nhóm ngành này trong năm nay còn cho thấy sự chọn lựa của thí sinh đang thiên về các ngành truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng chứ không chỉ là ngành báo chí như truyền thống. 
Theo tiến sĩ  Triệu Thanh Lê, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, điểm chuẩn ngành truyền thông đa phương tiện cao hơn ngành báo chí tại trường năm nay như vậy cũng có lý do từ chỉ tiêu. Ngành truyền thông đa phương tiện xét tuyển 70 chỉ tiêu trong khi ngành báo chí xét tuyển 150 chỉ tiêu. Tuy nhiên, không phủ nhận được sức hút của ngành truyền thông đa phương tiện ngày càng tăng lên. Trường chưa mở thêm lớp, tuyển thêm chỉ tiêu cho ngành này nhưng sẽ xem xét trong những năm sắp tới. 

Sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện

My Nguyễn

Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, nếu có một góc nhìn so sánh với ngành báo chí thì cũng có thể thấy thị trường việc làm của báo chí đang có xu hướng thu hẹp, và nghề báo là nghề đòi hỏi rất nhiều về thiên chức và trách nhiệm xã hội nên không phải thí sinh nào cũng hào hứng để chọn học.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cũng cho biết điểm chuẩn ngành truyền thông, quan hệ công chúng đang tăng lên khi so với cả ngành báo chí truyền thống là vì nhiều lý do. Đó là sự nổi tiếng của các YouTuber, Streamer, Tiktoker. Có thể trở nên giàu có, kiếm được tiền là yếu tố thu hút học sinh học ngành đa phương tiện. 
Ngoài ra, theo tiến sĩ Tuấn, học sinh hiện nay cũng hiểu được để thích ứng được xu hướng nghề nghiệp đặt yêu cầu cao trên nền tảng số, nên kỹ năng về công nghệ hiện nay được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, những ngành truyền thông có tích hợp đào tạo công nghệ luôn được săn đón. Sự phát triển của công nghệ số cũng cho phép các công ty làm truyền thông dễ hơn, hầu hết các công ty hiện nay không phân biệt lớn nhỏ đều sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với khách hàng. Vì thế, nhu cầu về nhân lực vừa làm được nội dung vừa thiết kế được hay tạo được video là vô cùng lớn. Những kỹ năng thời thượng, hợp xu thế này giúp học sinh học các ngành truyền thông đa phương tiện, có khả năng làm việc ngay khi đang học hoặc muốn tự khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến. Sinh viên ngành quan hệ công chúng cũng đang rất được doanh nghiệp săn đón nên cũng là lý do ảnh hưởng đến lựa chọn của thí sinh. 
Hiện nay, với việc các trường có xét tuyển các ngành báo chí, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng công bố điểm chuẩn đại học 2021, chắc chắn đây là những ngành có điểm chuẩn cao nhất trong khối xã hội nhân văn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.