Có trường từng nằm trong nhóm tốp đầu nhiều năm liền nhưng năm nay gần như ít được học sinh (HS) quan tâm. Ngược lại, nhiều trường đã có sự thay đổi một cách mạnh mẽ.
Không còn “cứ trung tâm là trường tốp đầu”
Thống kê từ bảng điểm chuẩn vào lớp 10 của 114 trường mà Sở GD-ĐT TP.HCM công bố vào ngày hôm qua (11.7), cho thấy 10 trường có điểm chuẩn cao nhất, trong đó dẫn đầu vẫn là Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) với 24,25 điểm. Sau đó lần lượt đến các trường Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) cùng mức 23,25 điểm và đến Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh), Trần Phú (Q.Tân Phú), Mạc Đĩnh Chi (Q.6), Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), Bùi Thị Xuân (Q.1), Lê Quý Đôn (Q.3)…
Trong đó, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền vẫn giữ vững vị trí trường có điểm chuẩn cao nhất từ gần 20 năm nay, còn lại vị trí các trường trong tốp đầu đã có sự biến động sau kỳ thi tuyển sinh năm nay. Đó là Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), dù trong khoảng 7 năm trở lại đây có tuyển sinh lớp chuyên nhưng điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 đứng sau vị trí các trường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Bùi Thị Xuân (Q.1) hay Gia Định (Q.Bình Thạnh)… Đến năm nay, với mức 23,25 điểm, Trường Nguyễn Hữu Huân đã ngang bằng với Trường Nguyễn Thị Minh Khai ở vị trí số 2.
Phụ huynh và thí sinh xem điểm chuẩn lớp 10 tại TP.HCM công bố hôm qua (11.7) |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Tương tự Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) là một trong 3 trường THPT thực hiện theo mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập, những năm trước nằm trong nhóm đầu của những trường thuộc tốp 2 cùng với Trường THPT Trưng Vương, Lương Thế Vinh (Q.1), Thủ Đức (TP.Thủ Đức)… Đến năm 2022, điểm tuyển sinh của trường này bằng với Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) và lọt vào nhóm 10 trường tốp đầu của TP.
Trong khi đó, nhiều năm trước, điểm chuẩn của Trường trung học Thực hành thuộc Trường ĐH Sư phạm thường nằm trong nhóm tốp đầu, thậm chí có năm điểm chuẩn xếp vị trí số 2, sau Trường Nguyễn Thượng Hiền. Nhưng năm nay với 19,75 điểm, điểm chuẩn của trường này đã xuống nhóm trường tốp 2, sau Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), Võ Trường Toản (Q.12), Trung học Thực hành Sài Gòn (Trường ĐH Sài Gòn) và Trần Khai Nguyên (Q.5)…
“Lên ngôi” vì sự ra đời của TP.Thủ Đức !
Trước biến động về vị trí điểm chuẩn, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), lý giải: Trước đây, khi Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức chưa sáp nhập thì HS khá giỏi của các trường THCS ở những quận này có xu hướng chọn các trường tốp đầu trong khu vực nội thành như THPT Gia Định, Nguyễn Thị Minh Khai… Nhưng từ khi sáp nhập trở thành TP.Thủ Đức thì HS lựa chọn các trường trong khu vực.
Ngoài ra, HS khu vực Q.1, Q.3 có nhiều phương án để “né”, chẳng hạn khi thấy tỷ lệ chọi vào Trường Nguyễn Thị Minh Khai cao thì HS có thể điều chỉnh nguyện vọng sang Trường Bùi Thị Xuân hoặc ngược lại. Trong khi đó, khu vực TP.Thủ Đức chỉ có Trường THPT Nguyễn Hữu Huân là trường thuộc tốp đầu nên HS không có nhiều lựa chọn như ở khu vực các quận trung tâm. Theo ông Bình, những yếu tố trên có thể tác động đến thay đổi vị trí điểm chuẩn của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân.
Thí sinh TP.HCM tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay |
đào ngọc thạch |
Tư vấn phụ huynh HS về tổ hợp môn
Đề cập đến mặt bằng điểm chuẩn lớp 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ không tính năm 2021 thực hiện xét tuyển bằng kết quả học bạ thì năm 2022 là năm đầu tiên TP.HCM áp dụng điểm xét tuyển vào lớp 10 là tổng điểm bài thi 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ có cùng hệ số 1. Điểm chuẩn năm nay cho thấy hoàn toàn phù hợp, nhóm tốp trường có sự tương đồng so với năm 2020. Thêm vào đó lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho rằng áp dụng hệ số 1 đối với các môn thi thay cho môn toán, ngữ văn có hệ số 2 như trước không chỉ phù hợp với việc đánh giá HS theo thông tư mới của Bộ GD-ĐT mà còn giúp các nhà trường nhìn nhận đúng thực chất năng lực HS trong việc học ngoại ngữ để xây dựng chương trình giáo dục phù hợp. Nhất là khi TP đang triển khai các đề án dạy và học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.
Được biết, theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, HS lớp 10 năm nay sẽ là lứa HS đầu tiên của bậc THPT áp dụng chương trình này. Ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay hiện các trường THPT đã xây dựng phương án tổ chức các tổ hợp môn tự chọn. Hầu hết đều xây dựng các tổ hợp hài hòa giữa nguyện vọng của phụ huynh HS và điều kiện của nhà trường về cơ sở vật chất, đội ngũ để đảm bảo thực hiện đúng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cho nên, HS có thể lựa chọn môn học mình yêu thích trên điều kiện các trường có thể đáp ứng được.
Ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cho biết ngay trong thời điểm HS trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học, các trường sẽ tổ chức họp và hướng dẫn phụ huynh HS về việc đăng ký các tổ hợp môn. Theo ông Khương, nhà trường sẽ bố trí 4 ca tư vấn để hướng dẫn lần lượt, cụ thể cho từng phụ huynh về cách đăng ký tổ hợp môn, các chương trình ngoại ngữ, các lớp bán trú… giúp phụ huynh nắm thông tin chính xác trước khi đăng ký cho con em.
Bình luận (0)