Điểm chuẩn sư phạm giảm sút: Nỗi lo chất lượng giáo viên

14/08/2017 05:28 GMT+7

Năm học mới bắt đầu, trong rất nhiều nỗi lo thường trực vào mỗi mùa tựu trường, năm nay trỗi lên sự bất an về chất lượng nhà giáo khi dư luận đang sôi sục về điểm chuẩn của ngành sư phạm, nhất là ở các trường cao đẳng sư phạm địa phương, thí sinh chỉ cần 3 điểm mỗi môn đã trúng tuyển.

Đặt trong tương quan các trường khối ngành y tế, quân đội, công an, kinh tế có mức điểm trúng tuyển rất cao, thậm chí trên 29 điểm vẫn có khả năng trượt ĐH thì thực tế này rõ ràng là tai họa, gây lo lắng cho tương lai ngành giáo dục bởi giáo viên (GV) chính là lực lượng quyết định thành công công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu trước tiên từ đội ngũ GV.
Nhưng tại sao những năm gần đây học sinh khá giỏi hiếm thi vào ngành sư phạm dẫn đến chất lượng đầu vào các khối trường này có xu hướng thấp dần?

tin liên quan

Nhìn từ điểm trúng tuyển các trường sư phạm
Giáo dục, vì tính chất quán tính đặc biệt của nó, ảnh hưởng đến tương lai lâu dài hơn, bền bỉ hơn nhiều ngành nghề khác, nên đầu vào các ngành sư phạm luôn nhận được sự quan tâm của xã hội vào mỗi mùa tuyển sinh.
Áp lực chồng áp lực
Vì sao có tình trạng này, trước tiên xin khẳng định nghề giáo có rất nhiều áp lực. Lương của một GV mới tốt nghiệp ĐH ra trường hiện trung bình chỉ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập thấp so với mặt bằng hiện nay. Mất 4 năm học ĐH với bao lo toan, áp lực thi cử mà ra trường nếu được đi dạy (đã là may mắn lắm), lương nhận không bằng một công nhân may vào học việc mất có 2 - 3 tháng. Mức thu nhập thấp, không đủ sống là một lý do khiến đội ngũ GV chưa chuyên tâm với nghề và ngành sư phạm cũng không thể thu hút được sinh viên giỏi.
155 trường đại học, cao đẳng, trung cấp có đào tạo giáo viên
Tính đến hết năm học 2016 - 2017, cả nước có 235 trường ĐH, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp.
Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo GV, hiện có 58 trường ĐH, 57 trường CĐ, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo GV. Tổng quy mô ĐH là 1.767.879 sinh viên (tăng 0,8% so với năm học 2015 - 2016), quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm là 47.800 (giảm 14,3%). Tính đến hết năm học vừa qua, quy mô sinh viên đang được đào tạo tại 14 trường ĐH sư phạm trung ương và địa phương là 151.208. Năm học 2017 - 2018, Bộ GD-ĐT tiếp tục cắt giảm chỉ tiêu của khối ngành sư phạm thêm 20%.
Theo số tiết quy định cho GV hiện nay: tiểu học 23 tiết/tuần, THCS 19 tiết/tuần, THPT 17 tiết/tuần. Nghe qua có vẻ… nhàn nhàn. Sự thật số giờ lên lớp chỉ là một chuyện, trong trường học còn rất nhiều công việc khác mà GV phải lo, nhất là các cuộc họp, thanh tra, hồ sơ sổ sách, dự giờ thăm lớp, thao giảng, giáo án, chấm bài.
Chưa hết, ngày nay GV còn chịu nhiều áp lực vô hình khác. Thầy giáo ngày nay và thầy đồ ngày xưa đều có trọng trách dạy chữ, dạy người. Ngày xưa, trò hư thì thầy mắng, thậm chí đánh đòn. Thầy giáo ngày nay mà hành xử như thầy đồ ngày xưa, đánh chửi học sinh là vi phạm đạo đức nhà giáo, bị khối đá dư luận đè bẹp.
Nở rộ trường có đào tạo ngành sư phạm
Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất làm các thí sinh ngoảnh mặt với ngành sư phạm năm nay chính là cơ hội việc làm không còn như trước.
Nếu vào khoảng những năm 1970 - 1980, cả nước chỉ có chục trường ĐH sư phạm nòng cốt như: Sư phạm Hà Nội 1, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm Vinh, Sư phạm Việt Bắc, Sư phạm TP.HCM, Sư phạm Huế, Sư phạm Đà Nẵng, thì nay hệ thống các trường sư phạm đã nở tung khắp nơi. Nhiều trường ĐH ở khắp các địa phương đều mở “khoa sư phạm”.
Sự đào tạo ồ ạt đã gây tình trạng cung vượt quá cầu. Kết quả là GV thất nghiệp đang ở tỷ lệ rất cao. Hiện trên cả nước số GV thừa lên tới hơn 26.000 người. Một số địa phương đã rà soát để giảm biên chế trong ngành giáo dục.

tin liên quan

Đầu vào trường sư phạm phải trên 20 điểm
Đây là một trong những đề xuất của các đại biểu tham gia hội nghị tổng kết năm học của các trường ĐH khi lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định phải rà soát, xây dựng lại mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và nguồn lực đội ngũ giáo viên.

Bộ GD-ĐT vừa qua cũng đã đề xuất bỏ biên chế trong ngành có phần tác động vào quan niệm đi dạy học cho lành, cho ổn định bấy lâu của nhiều người. Do vậy, đã có nhiều thí sinh không thích thú với sư phạm và đăng ký sang các ngành khác.
Có nhiều trường sư phạm quá trong khi học sinh khá giỏi không muốn vào. Cực chẳng đã, dù biết rằng điểm chuẩn thấp thì xấu hổ lắm, mất uy tín lắm nhưng nếu không rao “thí sinh ơi hãy vào trường tôi mà học, trường tôi chỉ yêu cầu 9 điểm 3 môn thôi” thì lấy đâu ra người học. Chẳng lẽ để trường sư phạm trở thành nhà kho sao? (Còn tiếp)

Đầu vào thấp, khó có khả năng được tuyển dụng làm thầy
Điểm chuẩn ngành sư phạm thấp, dư luận đang rất lo lắng rằng khi ra trường với chất lượng GV kém sẽ làm cho nguồn nhân lực đất nước kém theo. Nhưng hãy đặt ngược lại vấn đề rằng, những người được vào học hôm nay rất khó có khả năng được tuyển dụng làm thầy. Bởi trong mặt bằng điểm thi THPT theo lối trắc nghiệm vừa qua, nếu chỉ đạt 9 - 10 điểm/3 môn, xin khẳng định đó là học sinh năng lực trung bình hoặc dưới trung bình. Ở góc độ quản lý và đào tạo, chắc chắn không một lãnh đạo trường sư phạm nào dám khẳng định sau 3 - 4 năm nữa, từ đầu vào như vậy mà đầu ra lại là các GV tốt có đủ kiến thức và năng lực để đảm đương sứ mệnh trồng người.
Trước thực trạng này, cũng đã có ý kiến Bộ cần xây dựng cơ chế kiểm định GV trước khi hành nghề và phải thực hiện có hiệu quả đích thực, không hình thức.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nhiều GV hiện chưa đạt yêu cầu theo chuẩn mới. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 với cấp tiểu học diễn ra gần đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định: “Thời gian qua, công tác bồi dưỡng GV và cán bộ quản lý giáo dục đã được các địa phương tích cực triển khai, số GV được đánh giá đạt chuẩn (theo chuẩn cũ) khá cao, nhưng nếu so với bộ chuẩn GV mới Bộ đang xây dựng cũng còn nhiều người chưa đáp ứng được yêu cầu”.
Quốc Lịch - Tuệ Nguyễn

Tuyển sinh vào sư phạm phải có đặc thù
GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, gọi hiện tượng 3 điểm/môn trúng tuyển ngành sư phạm là “thảm họa của ngành giáo dục”, với lý lẽ để có nền giáo dục phát triển thì GV chính là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục của một quốc gia. Trong khi đó, chất lượng GV phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đầu vào cũng như quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Để đào tạo một GV có năng lực và phẩm chất tốt thì chất lượng đầu vào phải tốt. “Khi chúng ta lấy điểm đầu vào quá thấp thì chắc chắn sẽ không một cơ sở đào tạo nào có thể đào tạo được những GV có chất lượng”, ông Báo khẳng định.
Tuy nhiên, PGS Chu Cẩm Thơ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục thuộc Viện Khoa học giáo dục VN, nguyên cán bộ của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng điểm đầu vào cao không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Đưa ra nhiều dẫn chứng về những trường hợp dù đỗ thủ khoa nhưng ra trường hoặc đi thực tập lại không có những giờ dạy đạt yêu cầu, bà Thơ cho rằng đó là do thiếu động lực yêu nghề, hiểu nghề và nỗ lực phấn đấu vì nghề.
Hiệu trưởng một trường THPT danh tiếng ở Hà Nội thì lập luận, điểm số thấp là điều rất đáng lo ngại, nhưng cũng phải đặt vấn đề là nếu kỳ thi và đề thi không kiểm tra được năng lực tư duy và nhất là lòng yêu nghề, các khát vọng cá nhân... rất đặc thù của nghề GV, thì điểm số chưa phản ánh được chất lượng đội ngũ sau này.
Tuệ Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.