Trường ĐH Ngoại thương vừa thông báo về ngưỡng điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) có điều kiện đối với các phương thức xét tuyển 1, 2 và 5.
Đây là 3 phương thức xét tuyển sớm (ngưỡng điểm trúng tuyển được thông báo trước khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT) của Trường ĐH Ngoại thương. Theo thông báo này, điểm chuẩn của phương thức 1, diện học sinh giỏi tỉnh, thành phố có 2 cột.
Một cột là điểm chuẩn A, một cột là điểm chuẩn B. Theo giải thích trong thông báo, cột A là điểm chuẩn được tính theo công thức trong đề án tuyển sinh trình độ ĐH năm 2023 của Trường ĐH Ngoại thương, cột B là điểm chuẩn được quy về thang điểm 30.
Với cột A, phần lớn các mã ngành ở cả 3 cơ sở (Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh) có mức điểm chuẩn trên 30. Cao nhất là chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế truyền thông marketing tích hợp đào tạo tại TP.HCM có điểm chuẩn 30,5. Điểm chuẩn cột B ngành này là 28,6.
Tiếp theo là một loạt ngành có mức điểm chuẩn 30,3 điểm như: chương trình tiêu chuẩn kinh tế đối ngoại (Hà Nội), chương trình tiêu chuẩn thương mại quốc tế (Hà Nội), chương trình tiêu chuẩn kinh doanh quốc tế (Hà Nội, Quảng Ninh). Điểm chuẩn cột B các ngành này là 28,4.
Ở cột A, ngành thấp nhất có mức điểm chuẩn là 27,5 (tiếng Pháp thương mại), điểm cột B là 25,8.
Để phụ huynh, học sinh khỏi hiểu nhầm
Theo PGS Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, sở dĩ nhà trường công bố 2 cột điểm chuẩn với đối tượng thí sinh học giỏi tỉnh, thành phố của phương thức 1 là để phù hợp với hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về công tác xét tuyển ĐH năm nay.
Trong Công văn số 1919/BGDĐT-GDĐT về việc hướng dẫn tuyển sinh ĐH năm 2023, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH trước khi xét tuyển phải quy về thang điểm 30 (bao gồm tất cả các điểm xét) và xác định mức điểm ưu tiên để xét.
Theo đề án tuyển sinh ĐH năm 2023 của Trường ĐH Ngoại thương, công thức xét tuyển phương thức 1 là: điểm xét tuyển = M1 + M2 + M3 + điểm ưu tiên giải (nếu có) + điểm ưu tiên theo đối tượng chính sách và khu vực (nếu có). Trong đó, M1, M2, M3 là điểm trung bình chung học tập 5 học kỳ (bao gồm học kỳ 1 và học kỳ 2 của năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển của trường. Điểm ưu tiên đối tượng chính sách và khu vực được tính theo công thức Bộ GD-ĐT đã quy định trong quy chế tuyển sinh (ban hành năm 2022). Còn điểm ưu tiên giải cao nhất là 2 điểm (với đối tượng học sinh giỏi tỉnh, thành phố).
"Cách tính điểm của phương thức 1 là trường đã thực hiện từ 3 năm nay. Vì thế, ngay sau khi trường công bố đề án tuyển sinh, mỗi phụ huynh và học sinh đều có thể tự tính điểm xét tuyển của mình, từ đó có thể phỏng đoán được khả năng mình có thể đỗ được vào ngành nào. Nếu giờ trường chỉ công bố điểm đã quy đổi theo thang 30 thì sẽ gây hiểu nhầm cho phụ huynh, học sinh", PGS Hiền giải thích.
Bình luận (0)