Trong vụ án xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng (Q.Hà Đông, Hà Nội), ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bemes, bị truy tố tội lừa dối khách hàng.
Ông Thản bị cáo buộc có hàng loạt vi phạm nghiêm trọng liên quan đến quy hoạch, khi chỉ đạo xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng. Hậu quả, 488 khách hàng mua 488 căn hộ tại đây nhưng không được cấp "sổ đỏ". Thông qua đó, ông Thản thu lợi bất chính 481 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Viện KSND TP.Hà Nội xác định hành vi của ông Lê Thanh Thản phạm vào tội lừa dối khách hàng, quy định tại khoản 2 điều 162 bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, căn cứ Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, viện kiểm sát quyết định áp dụng điểm d khoản 2 điều 198 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để truy tố đối với ông Thản.
Vì sao "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản lại được hưởng tình tiết có lợi như trên?
Áp dụng luật mới vì khung hình phạt nhẹ hơn
Luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật TP.Hà Nội, cho biết khoản 2 điều 162 bộ luật Hình sự năm 1999 quy định người nào dùng thủ đoạn gian dối gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng, phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Trong khi đó, điểm d khoản 2 điều 198 bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào sử dụng thủ đoạn gian dối để mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Như vậy, khung hình phạt theo quy định tại bộ luật Hình sự năm 2015 là nhẹ hơn so với bộ luật Hình sự năm 1999.
Vẫn theo luật sư Tâm, điểm b khoản 1 điều 2 Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội về việc thi hành bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định: kể từ ngày 1.1.2018 - thời điểm bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực, điều khoản nào của bộ luật này quy định hình phạt nhẹ hơn hoặc các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1.1.2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử.
Trong vụ án ông Lê Thanh Thản, việc vi phạm quy hoạch xảy ra từ năm 2010 - thời điểm bắt đầu tổ chức thi công. Đến tháng 7.2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Thản về tội lừa dối khách hàng.
Đối chiếu các quy định đã viện dẫn, sai phạm của ông Thản xảy ra trước ngày 1.1.2018, nhưng sau thời điểm này mới bị phát hiện, nên được áp dụng theo nguyên tắc có lợi nêu trong Nghị quyết 41/2017 của Quốc hội, bằng việc truy tố theo luật mới với khung hình phạt nhẹ hơn.
6 cựu cán bộ bị truy tố theo luật cũ
Cũng trong vụ án, ngoài ông Lê Thanh Thản, 6 cựu cán bộ thuộc UBND P.Kiến Hưng và Thanh tra xây dựng Q.Hà Đông cùng bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 2 điều 285 bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), khung hình phạt từ 3 - 12 năm tù.
Vì sao nhóm cựu cán bộ này không bị truy tố theo quy định tại bộ luật Hình sự năm 2015, giống như Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh?
Luật sư Tâm cho hay, cáo trạng của Viện KSND TP.Hà Nội xác định hành vi thiếu trách nhiệm của 6 bị can gây thiệt hại cho 488 khách hàng mua 488 căn hộ với tổng số tiền 481 tỉ đồng (bao gồm giá trị quyền sử dụng đất là 56,6 tỉ đồng).
Theo quy định tại khoản 2 điều 285 bộ luật Hình sự năm 1999, người nào thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặt biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 3 - 12 năm.
Trong khi đó, điểm c khoản 3 điều 360 bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỉ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 7 - 12 năm.
Như vậy, khung hình phạt cho cùng tội danh của 6 bị can ở bộ luật Hình sự năm 1999 rộng hơn, nên việc áp dụng theo bộ luật này thay vì luật mới để truy tố sẽ có lợi hơn cho người phạm tội.
Bình luận (0)