Điểm đặc biệt về tội danh mà ông Trần Phương Bình bị truy tố

02/02/2023 19:42 GMT+7

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) Trần Phương Bình theo điều 206 bộ luật Hình sự 2015, nhưng Viện KSND tối cao lại truy tố bị can này theo điều 179 bộ luật Hình sự 1999.

Như Thanh Niên đưa tin, Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra tại DAB.

8 bị can cùng bị truy tố về tội danh trên, trong đó có ông Trần Phương Bình. Đây cũng là vụ án thứ 4 ông Bình bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì sai phạm ở lĩnh vực ngân hàng.

Ông Trần Phương Bình tiếp tục hầu tòa dù đã thụ án chung thân

Điểm đặc biệt về tội danh mà ông Trần Phương Bình bị truy tố - Ảnh 1.

Cựu Tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Ông Bình và thuộc cấp tại DAB bị cáo buộc có nhiều sai phạm trong việc phê duyệt các khoản vay đối với Công ty CP M&C và các công ty liên quan, gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng.

Ngoài hành vi phạm tội của cựu Tổng giám đốc DAB và đồng phạm, một chi tiết đáng chú ý trong vụ án này, đó là tội danh mà các bị can bị truy tố.

Theo đó, ở giai đoạn khởi tố và đề nghị truy tố, ông Bình cùng 7 bị can bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an cáo buộc phạm tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng, theo khoản 4 điều 206 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đến giai đoạn truy tố, Viện KSND tối cao lại cáo buộc cả 8 người phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo khoản 3 điều 179 bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Vì sao lại có sự khác nhau trong quan điểm về tội danh của các bị can giữa 2 cơ quan tiến hành tố tụng như đã nêu?

Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2018.

Điều 7 bộ luật này và Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội quy định, nếu hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1.1.2018 nhưng sau ngày 1.1.2018 mới bị phát hiện, thì áp dụng điều luật có lợi hơn (giữa bộ luật Hình sự năm 2015 và bộ luật Hình sự năm 1999) cho bị can/bị cáo.

Đối chiếu vụ án, hành vi phạm tội của ông Trần Phương Bình cùng đồng phạm được xác định xảy ra từ giai đoạn 2009 - 2012. Đến tháng 5.2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an mới ra quyết định khởi tố vụ án rồi khởi tố bị can.

Thực tế trên cho thấy, tại thời điểm các bị can thực hiện tội phạm thì bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) vẫn đang có hiệu lực.

Bên cạnh đó, điều 179 bộ luật Hình sự năm 1999 và điều 206 bộ luật Hình sự năm 2015 đều có phạm vi điều chỉnh là các hành vi sai phạm liên quan đến hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng. Điểm khác nhau là, khung hình phạt cao nhất của điều 206 tại khoản 4, từ 12 - 20 năm tù; còn khung hình phạt cao nhất của điều 179 tại khoản 3, từ 10 - 20 năm tù, rộng hơn.

Như vậy, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can/bị cáo, việc Viện KSND tối cao truy tố ông Bình cùng các đồng phạm theo điều 179 bộ luật Hình sự năm 1999 là phù hợp và có căn cứ.

"Tôi cho rằng ngay từ giai đoạn khởi tố và đề nghị truy tố, cơ quan điều tra có thể áp dụng nguyên tắc trên để tiến hành các biện pháp tố tụng đối với các bị can theo điều 179 bộ luật Hình sự năm 1999 thay vì điều 206 bộ luật Hình sự năm 2015", luật sư Tâm nêu quan điểm.

Xem nhanh 12h ngày 14.3: Bẫy lừa 'con đang cấp cứu’ lan ra Hà Nội | Xôn xao vụ xô xát CSGT

Trong bản cáo trạng, sau khi mô tả hành vi của các bị can, Viện KSND tối cao cho rằng, ông Bình cùng đồng phạm đã phạm vào tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng, quy định tại điều 206 bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, căn cứ điều 7 bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội, viện kiểm sát quyết định truy tố hành vi của các bị can về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, quy định tại điều 179 bộ luật Hình sự năm 1999.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.