A. Acrylamide
- Tìm thấy ở đâu? Các đồ ăn chiên, nướng hoặc nướng lại.
- Là chất gì? Acrylamide, phân tử tạo màu nâu cho thức ăn như bánh mì nướng, khoai tây chiên, cà phê rang là một hợp chất có khả năng gây ung thư mà bạn cần đề phòng. Chất này đã được chứng minh gây ung thư ở chuột và nguy cơ đối với người có thể tương tự. Ngành công nghiệp thực phẩm đang cố gắng giảm số lượng chất này có trong thức ăn chế biến sẵn bằng cách hạ nhiệt độ khi chế biến.
- Đề phòng như thế nào? Để tránh acrylamide, bạn nên tăng cường ăn thức ăn hấp và sống, hạn chế nướng, quay, chiên và thức ăn chế biến sẵn. Một số mẹo giúp bạn giảm số lượng chất này đưa vào cơ thể như chỉnh lò nướng bánh ở nhiệt độ thấp, tránh nướng lại thức ăn, uống ít cà phê hơn mỗi ngày. Nếu mua thức ăn chế biến sẵn như khoai tây chiên, bánh ngũ cốc ăn sáng, bạn nên chọn loại có màu nhạt.
B. Bisphenol a (bpa)
- Tìm thấy ở đâu? Chai và vật dụng bằng nhựa.
- Là chất gì? Chất bảo quản với “tiếng tăm” không được tốt lắm này có thể gây rối sự điều hòa hormone, liên quan đến nguy cơ béo phì và ung thư ở người. Cơ quan An toàn Vệ sinh Thực phẩm của Liên minh châu Âu cho biết nên hạ thấp mức BPA có trong đồ nhựa, thậm chí là cấm chất này có trong đồ dùng em bé.
- Đề phòng như thế nào? Sẽ rất nguy hiểm nếu bạn dùng đồ nhựa để đựng thức ăn nóng hoặc dùng trong lò vi sóng, vì nhiệt độ cao sẽ làm BPA trong nhựa tiết ra nhiều hơn. Tốt nhất bạn nên mua vật dụng bằng nhựa không chứa BPA, hoặc an toàn nhất là thay thế bằng đồ thủy tinh.
C. Cồn
- Tìm thấy ở đâu? Nước súc miệng.
- Là chất gì? Cồn giúp làm sạch răng và miệng, đem lại cho bạn hơi thở thơm tho. Tuy nhiên, nếu nồng độ chất này trong nước súc miệng bằng hoặc cao hơn 25% có thể dẫn đến nguy cơ ung thư miệng, lưỡi và cổ họng.
- Đề phòng như thế nào? Chọn loại có nồng độ cồn thấp nhất có thể hoặc mua những sản phẩm chăm sóc răng miệng có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên.
D. Dioxane hay 1,4 dioxane
- Tìm thấy ở đâu? Các sản phẩm có tác dụng tẩy rửa như dầu gội, sữa rửa mặt, sữa tắm, xà phòng, nước giặt quần áo.
- Là chất gì? 1,4 Dioxane được dùng như hoạt chất hòa tan, nếu tiếp xúc với chất này ở liều lượng cao bạn có thể mắc các triệu chứng như chóng mặt, uể oải, đau đầu, cảm giác khó chịu ở mắt, mũi, cổ họng và phổi. Lo ngại hơn nhiều nghiên cứu cho biết chất này có thể gây ung thư ở động vật, nếu con người tiếp xúc với chất này trong thời gian dài cũng có nguy cơ ung thư.
- Đề phòng như thế nào? Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, chất này trong các sản phẩm tẩy rửa và mỹ phẩm rất thấp, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu muốn tránh chất này, bạn nên xem thành phần sản phẩm cẩn thận. Nếu sản phẩm có các thành phần như polyethylene, polyethylene glycol (PEG), polyoxyethylene, thành phần có chữ cuối là–eth,–oxynol… đều có khả năng chứa dioxane.
F. Formaldehyde
- Tìm thấy ở đâu? Các vật dụng trong nhà làm bằng ván ép như gỗ dán, thảm hay túi nhựa đựng rác, sơn móng tay, nước sơn tường.
- Là chất gì? Là khí không màu, mùi hơi hăng. Hít quá nhiều khí này gây hại cho sức khỏe như khó chịu cổ họng, mắt mũi, buồn nôn, dị ứng da và cả ung thư. Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ xếp formaldehyde vào nhóm các chất gây ung thư ở người.
- Đề phòng như thế nào? Không nên mua đồ vật bằng ván ép, là nguồn chứa formaldehyde nhiều nhất trong nhà bạn. Bạn nên mua nội thất bằng gỗ thật, chắc chắn. Để hạn chế chất độc này tồn tại trong nhà, bạn nên thường xuyên mở cửa sổ để không khí thông thoáng. Chất formaldehyde sẽ tăng trong môi trường nhiệt độ và độ ẩm cao, do đó giữ nhiệt độ trong nhà không nên quá nóng. Trồng cây xanh trong nhà là cách tốt nhất để lọc không khí.
N. Nitrosamine
- Tìm thấy ở đâu? Có trong thuốc lá, thịt xông khói
- Là chất gì? Hợp chất nitrosamine có nhiều trong thuốc lá có thể gây ung thư. Ngoài ra, muối nitrit trong xúc xích, thịt xông khói, lạp sườn có thể phản ứng với axit dạ dày, sinh ra chất nitrosamine.
Đề phòng như thế nào? Để đề phòng ung thư, bạn nên bỏ thuốc lá và hạn chế ăn các loại thịt chế biến sẵn.
P. Pfcs
- Tìm thấy ở đâu? Bất cứ vật dùng nào không dính.
- Là chất gì? Perfluorinated chemicals hay PFCs thường được dùng để chống dính ở những vật dụng như chảo chống dính hay áo chống nước. Các cuộc nghiên cứu cho biết PFCs có thể gây ra các tác hại như giảm khả năng sinh sản, béo phì, đái tháo thường và các vấn đề ở gan, thận. Những phân tử PFCs càng dài càng có hại, do đó các nhà sản xuất đang nghiên cứu dùng các phân tử ngắn để an toàn với sức khỏe hơn.
- Đề phòng như thế nào? Chế biến thức ăn trong những vật dụng này là cách phổ biến nhất để PFCs đi vào cơ thể. Đó là lý do tại sao bạn không nên dùng những chiếc chảo chống dính, nên thay các đồ dùng nhà bếp bằng inox hoặc sắt. Nếu không thể từ bỏ những chiếc chảo tiện dụng, khi chế biến bạn nên để ở mức nhiệt độ thấp nhất có thể. Ngoài ra, nếu không muốn quần áo chứa PFCs, bạn nên kiểm tra trước khi mua xem thương hiệu đó có dùng chất này không. Hãng H&M đã cấm dùng PFCs trong sản phẩm của mình từ năm 2013.
T. Triclosan
- Tìm thấy ở đâu? Các sản phẩm vệ sinh cá nhân và chăm sóc thân thể.
- Là chất gì? Là chất chống vi khuẩn chứa trong nước rửa tay, sản phẩm khử mùi, kem đánh răng… Liều cao nhất này có thể gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở người, thậm chí là các vấn đề tuyến giáp ở động vật, tuy nhiên những tác hại này vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu thêm. Tốt nhất bạn nên cẩn thận và khôn ngoan khi sử dụng các sản phẩm có chứa triclosan.
- Đề phòng như thế nào? Lợi ích của số lượng ít chất này trong kem đánh răng như giết vi khuẩn gây ra các bệnh về nấm, đáng để bạn quan tâm hơn là những tác hại vẫn đang nghiên cứu đó. Tuy nhiên đối với nước và xà phòng rửa tay, bạn nên kiểm tra kỹ thành phần vì Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phát hiện triclosan không có tác dụng gì trong các sản phẩm này. Các ủy ban khoa học về sự an toàn của người tiêu dùng, SCCS cũng cho biết bạn không nên dùng sản phẩm dưỡng thể, chăm sóc da có chứa chất này trong thời gian dài.
S. Sodium laureth sulfate hay sls
- Tìm thấy ở đâu? Các sản phẩm chăm sóc cá nhân như sữa tắm, xà phòng, dầu gội, kem đánh răng và chất giặt giũ.
- Là chất gì? Là chất phụ gia phổ biến trong các sản phẩm tẩy rửa, có tác dụng tạo bọt hiệu quả. SLS được xếp vào dạng chất độc vừa phải, liên quan đến các triệu chứng kích ứng da như khô, rụng tóc, nguy cơ ung thư và mất cân bằng nội tiết. SLS nếu dùng chung với 1,4 dioxane sẽ trở thành chất gây ung thư nguy hiểm, gây các hậu quả tai hại đến gan, thận và hệ thống thần kinh trung ương.
- Đề phòng như thế nào? Nồng độ SLS nhiều hơn 2% sẽ có nguy cơ gây dị ứng, các sản phẩm làm đẹp không nên chứa hơn 1% chất này. Bạn có thể dùng dầu gội, kem đánh răng và những sản phẩm khác có ghi “Không chứa SLS”, hoặc “Không chứa sulfate”, hay sulfate-free products. Các sản phẩm sulfate-free nghĩa là không chứa ba thành phần sau: sodium lauryl sulfate (SLS), sodium laureth sulfate (SLES), và ammonium laureth sulfate (ALS). Hoặc để yên tâm hơn, bạn nên dùng sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.