“Điểm đen” xe lửa

09/02/2011 00:40 GMT+7

Vụ xe lửa đâm vào 6 ô tô trên cầu Ghềnh một lần nữa cảnh báo về tình trạng mất an toàn giao thông đến mức báo động tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt.

Tính từ ga Sài Gòn đến ga Bình Triệu (TP.HCM) có đến 14 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt (ĐS). Trong những ngày cao điểm, đặc biệt là những dịp lễ, tết, hè,... hằng ngày có đến hàng chục chuyến tàu qua lại các điểm giao cắt này. Mật độ tàu chạy tăng cao đồng nghĩa với gia tăng số lần các phương tiện giao thông đường bộ phải dừng lại để ưu tiên cho ĐS. Vì thế, đã thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông trên các tuyến đường chính cắt ngang với ĐS như Lê Văn Sỹ, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm và đặc biệt là trên quốc lộ 13 ngay tại ngã tư Bình Triệu.

 
Riêng khu vực Hà Nội, điểm đen cực kỳ nhiều, từ ga Hà Nội đến ga Phú Xuyên, Thường Tín được xem là điểm đen vì các đường ngang dân sinh dày đặc
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông Tổng công ty Đường sắt VN

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Công ty quản lý ĐS Sài Gòn, cho biết, trong 14 điểm giao cắt với đường bộ ở khu vực nội thành TP.HCM, điểm giao với quốc lộ 13 tại ngã tư Bình Triệu là phức tạp nhất. “Chúng tôi đã nhờ sự hỗ trợ từ CSGT, tăng cường lực lượng túc trực, nhờ vậy tình hình giao thông tại đây đã đỡ hơn rất nhiều”, ông Hòa chia sẻ.

Chủ yếu là dựa vào con người

Ông Hòa cho biết: Khu vực TP.HCM có mật độ đường ngang dày đặc và đây cũng là tuyến có nhiều đường ngang giao cắt qua ĐS nhất trong toàn mạng ĐS VN. Trong khi đó, các trang thiết bị phục vụ tại các vị trí đường ngang hiện chưa được đầy đủ, hệ thống thông tin, tín hiệu phụ thuộc vào yếu tố con người là chính, chứ chưa hiện đại hóa, tự động hóa như các nước.

Quy định khi lưu thông qua đường sắt

Theo quy định hiện hành, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang giao cắt với ĐS phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên ĐS, đồng thời phải chấp hành hướng dẫn của người gác đường ngang hoặc tín hiệu phòng vệ đường ngang. Khi có báo hiệu dừng (hiệu lệnh của người gác chắn, đèn đỏ, cờ đỏ, biển đỏ, còi, chuông kêu, chắn đã đóng), người và tất cả các phương tiện tham giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước báo hiệu dừng (trước vạch dừng)...

Quy định hiện hành cũng nêu rõ khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với ĐS hoặc trong phạm vi an toàn ĐS thì người điều khiển phương tiện phải bằng mọi cách nhanh nhất đặt báo hiệu trên ĐS cách tối thiểu 500m về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện ĐS biết và tìm cách báo cho người quản lý ĐS, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện đó ra khỏi phạm vi an toàn ĐS.

M.V

Ông Hòa nêu ví dụ khi xảy ra ùn tắc giao thông trên đoạn đường ngang, thì nhân viên trực gác chắn tại đó phải ngăn chặn đoàn tàu chạy đến, bằng cách gọi điện báo đến các ga ở hai đầu và đặt pháo (tín hiệu khẩn cấp, tất cả các điểm gác chắn đều có) để đoàn tàu nhận biết và dừng lại. Trong điều kiện trang thiết bị chưa hiện đại, yếu tố quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của người trực gác đường tàu và ý thức của những người tham gia giao thông trên đường. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng người đi đường tự ý giở rào chắn chui qua, thậm chí có trường hợp quá khích, gây sự với nhân viên trực gác đường tàu, phải nhờ công an địa phương đến giải quyết.

Mỗi năm số lượng phương tiện giao thông đường bộ tại TP.HCM lại tăng thêm, mật độ xe lưu thông trên đường cũng tăng lên. Phương tiện đường bộ tại TP.HCM tính đến cuối năm 2010 lên đến gần 4,9 triệu phương tiện các loại, trong đó có hơn 500.000 ô tô. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 xe mô tô, gắn máy và 100 ô tô được đăng ký mới. Áp lực giao thông lên các trục đường bộ đi ngang qua ĐS càng lớn, nguy cơ mất an toàn ở các điểm giao cắt vì vậy càng tăng cao.

Tàu đang chạy trên vỉa hè, dưới mái hiên...

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông Tổng công ty ĐS VN, cũng thừa nhận một khó khăn tồn đọng trong công tác an toàn ĐS hiện nay là tàu đang chạy trên vỉa hè, dưới mái hiên, chung cầu với đường bộ. Ước tính trên toàn tuyến ĐS Bắc - Nam, trung bình trên 500m có một đường ngang dân sinh.

Ngoài “điểm đen” ĐS chung cầu với đường bộ tại cầu Ghềnh (Đồng Nai), trên toàn tuyến còn nhiều “điểm đen” khác như cầu chung Đồng Nai lớn, Đồng Nai nhỏ, cầu chung tại Tháp Chàm, cầu Tam Bạc ở Hải Phòng, Thị Cầu ở Bắc Ninh, cầu sông Thương ở Bắc Giang, cầu Phố Lu ở Lào Cai...

“Riêng khu vực Hà Nội, “điểm đen” cực kỳ nhiều, từ ga Hà Nội đến ga Phú Xuyên, Thường Tín được xem là điểm đen vì các đường ngang dân sinh dày đặc”, ông Bình nói.

Trong một diễn tiến khác, hôm qua nguồn tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết Bộ vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về nguyên nhân vụ tai nạn ĐS tại khu vực cầu Ghềnh. Theo đó, tại thời điểm xảy ra tai nạn, ở đầu cầu phía nam cầu Ghềnh đang bị ùn tắc giao thông. Trên cầu phần đường chung đường bộ và ĐS còn 3 xe ô tô đi tới từ hướng phía Bắc chưa ra khỏi cầu bị tàu khách SE2 từ hướng TP.HCM đi tới đâm vào...

Kết quả kiểm tra hộp đen đầu máy tàu SE2

Triệu tập một tài xế taxi Vinasun

Hôm qua, Công an tỉnh Đồng Nai công bố kết quả kiểm tra hộp đen của đầu máy tàu SE2, đồng thời triệu tập một tài xế taxi Vinasun để làm rõ vụ án.

Kết quả kiểm tra hộp đen do Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn lưu lại cho thấy thời điểm xảy ra tai nạn vào 19 giờ 34 phút 8 giây ngày 6.2, tàu SE2 và đầu kéo 951 do lái tàu Nguyễn Văn Túy (SN 1968, ngụ tỉnh Bình Phước) điều khiển hành trình hướng TP.HCM đi Hà Nội đã chạy với tốc độ 63 km/giờ. Sau khi va chạm, tàu tiếp tục thắng trượt kéo dài khoảng 250m rồi dừng lại. Khu vực ngoài cầu Ghềnh, tốc độ cho phép tối đa của tàu SE2 là 80 km/giờ, khi vào cầu Ghềnh, lái tàu đã chủ động giảm tốc độ. Theo một cán bộ điều tra, với kết quả kiểm tra tốc độ, thì tàu SE2 vận hành trong giới hạn vận tốc cho phép.

Liên quan đến chi tiết nhân viên gác tàu cho rằng đèn tín hiệu bị trục trặc, cơ quan điều tra xác định hệ thống thông tin tín hiệu giữa các chốt để báo tàu hỏa đều hoạt động bình thường. Riêng thông tin điện báo cho tàu SE2 thông báo đang kẹt xe thì cơ quan điều tra đang tiến hành làm rõ.

Cũng trong ngày hôm qua, cơ quan điều tra đã triệu tập Nguyễn Hùng Quốc (SN 1979), tài xế taxi Vinasun biển số 56K-9697, cùng một số nhân chứng để làm rõ trách nhiệm trong việc gây ùn tắc giao thông khu vực cầu Ghềnh. Theo Công an Đồng Nai, khi 5 ô tô lưu thông vào giữa cầu thì xe của Quốc không chịu nhường đường mà tiếp tục đi theo chiều ngược lại, làm cho thời gian tắc nghẽn kéo dài, dẫn đến hậu quả nặng nề.

Kim Cương

Mai Vọng - Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.