* Nhu cầu vàng trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam tăng mạnh trong quý đầu năm, đẩy giá kim loại quý này lên cao. Theo ông, những nhân tố nào sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ tới giá vàng thời gian tới?
- Ông Shaokai Fan: Nhân tố đầu tiên là chính sách tiền tệ của ngân hàng T.Ư, cụ thể là từ Mỹ. Điều này liên quan đến các động thái về cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tới đây, sớm hay muộn họ cũng sẽ phải cắt giảm lãi suất, vấn đề là họ cắt giảm đến đâu. Đây sẽ là một trong những nhân tố chính tác động đến giá vàng.
Nhân tố thứ hai là những diễn biến về mặt chính trị. Năm nay sẽ có rất nhiều cuộc bầu cử quan trọng diễn ra. Dĩ nhiên, quan trọng nhất là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Giả sử, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà có thay đổi về mặt chính quyền, rõ ràng chính sách tiếp theo của Mỹ thế nào sẽ kém rõ ràng hơn. Rất nhiều nhà đầu tư hiện nay đã gia tăng mua vàng để dự phòng, phòng ngừa rủi ro trước những sự không rõ ràng về mặt chính sách trong thời gian tới.
Nhân tố thứ ba là bối cảnh chung về các rủi ro trên thế giới. Hiện nay, có một số cuộc chiến đang diễn ra, đầu tiên là Nga - Ukraine; ở Trung Đông thì giữa Israel và Hamas. Câu hỏi đặt ra là liệu các cuộc chiến tranh vũ trang này có trở nên tồi tệ hơn không. Nó có thể sẽ "leo thang", dẫn đến bất ổn định chính trị ở nhiều nơi trên thế giới.
Hội đồng Vàng thế giới không dự báo về giá vàng. Tuy nhiên, theo xu hướng hiện nay, khi nhu cầu về vàng tiếp tục mạnh, đó cũng là nhân tố ảnh hưởng đến giá vàng trong thời gian tới.
* Thời gian qua, giá vàng Việt Nam biến động mạnh, có thời điểm liên tục lập đỉnh. Có những quan ngại về tình trạng buôn lậu vàng, thao túng giá vàng, đẩy giá lên cao tại Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào?
- Tôi chưa trực tiếp nghe bất kỳ thông tin nào về thao túng giá vàng tại Việt Nam. Qua chuyến công tác của tôi tới Việt Nam làm việc với doanh nghiệp vàng cũng như với Chính phủ, tôi biết các bên liên quan đều đang cố gắng để cải thiện thị trường vàng.
Việt Nam không phải là nước duy nhất đang đứng trước tình trạng khó khăn như hiện nay. Làm thế nào để có thể cân bằng giữa một bên là nhu cầu vàng trong nước rất cao, một bên là có hay không nhập khẩu để đáp ứng được nhu cầu đó mà không gây ra những tác động tiêu cực.
Các quy định hiện hành về nhập khẩu vàng tại Việt Nam rất chặt chẽ. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, vàng vẫn vào Việt Nam qua các kênh khác nhau và ai đó vẫn phải trả tiền cho việc nhập khẩu này.
Điều đó có nghĩa là, vàng vẫn vào Việt Nam nhưng không phải thông qua con đường chính ngạch, thông qua các hạn ngạch nhập khẩu mà qua các con đường khác. Nếu Chính phủ nới rộng chỉ tiêu nhập khẩu, rõ ràng vàng có thể được nhập qua kênh chính thức nhiều hơn.
* Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tiến hành đấu thầu vàng miếng SJC nhằm tiến tới giảm chênh lệch giá và trong nước và giá vàng thế giới. Trên thế giới, có nhiều quốc gia sử dụng cách tương tự để "hạ nhiệt" giá vàng không, thưa ông?
- Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế có xảy ra ở các nước khác, Trung Quốc là một ví dụ. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch không cao như ở Việt Nam nên chính phủ các nước không can thiệp nhiều như ở Việt Nam.
Khi nói tới đấu thầu, tôi hiểu là Ngân hàng Nhà nước đấu thầu để cung cấp vàng trực tiếp ra thị trường. Trên thế giới không có nhiều quốc gia hoặc ngân hàng T.Ư tổ chức đấu thầu vàng như vậy.
Giai đoạn lịch sử gần đây, ngân hàng T.Ư có can thiệp chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 3, tháng 4 năm trước. Thường khi vào chu kỳ bầu cử tổng thống, người dân Thổ Nhĩ Kỳ rất lo lắng đồng nội tệ mất giá. Họ gia tăng mua vàng và một số ngoại tệ khác để phòng ngừa rủi ro.
Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu về vàng tăng đột biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, thanh khoản bị bóp nghẹt trên thị trường. Đó là lý do vì sao ngân hàng T.Ư Thổ Nhĩ Kỳ dùng vàng dự trữ tung ra để "hạ nhiệt".
* Ngoài đấu thầu, theo ông, đâu là giải pháp khả thi mà Việt Nam cần chú trọng thời gian tới nhằm "hạ nhiệt" giá vàng, thu hẹp khoảng cách về giá?
- Đấu thầu vàng là một giải pháp mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang triển khai để có thể thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới. Không thể đánh giá chi tiết mức độ hiệu quả của chính sách này, song tôi cho rằng việc đấu thầu sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường vàng trong nước.
Việc đấu giá chỉ mới bắt đầu. Tôi kỳ vọng thời gian tới có một số thay đổi về chính sách để có thể thu hẹp khoảng cách về giá vàng trong nước và thế giới. Thứ nhất, có thể nới rộng các biên độ hoặc hạn ngạch nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung vàng trên thị trường, qua đó có thể giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Thứ hai là mở rộng khả năng cung cấp sản phẩm vàng từ các nhà sản xuất để có thể tăng nguồn cung trong nước.
* Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)