Beate Karlsson là một nhà thiết kế người Thụy Điển. Cô được xem như một người nghệ sĩ thực sự trong giới thời trang khi cô luôn nỗ lực biến những “giấc mơ” và “cơn ác mộng” trở nên hữu hình, không chỉ mặc mà còn… đeo được gồm các tác phẩm cả thời trang lẫn phụ kiện. Sự kết hợp thực tiễn của nghệ thuật và thiết kế của Beate Karlsson tuy tạo ra những xu hướng được xem là “thời trang kỳ dị” nhưng lại rất được lòng giới trẻ hiện nay - Gen Z.
Được đào tạo bài bản (Beate Karlsson tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang tại Central Saint Martins vs Parsons School of Design) nên Beate Karlsson rất xuất sắc khi tạo ra những sản phẩm “có tính triết lý” cao và có kỹ thuật tốt. Sản phẩm của Karlsson đa dạng từ các vật liệu dễ uốn, dễ định hình như silicon đến đất sét... Cô thậm chí còn làm nên những đôi giày hoặc trang phục từ các vật liệu thừa (vải vụn…). Nói về điều này, cô cho biết các bộ sưu tập mới nhất của cô đều chú trọng việc sử dụng các vật liệu bền vững (thân thiện với môi trường).
Beate Karlsson là nhà thiết kế tiên phong trong việc tạo ra những sản phẩm thời trang bền vững với các thiết kế kì dị nhưng đặc biệt cuốn hút giới trẻ. |
Beate Karlsson nổi tiếng với những đôi giày hình bàn tay, bàn chân. |
Kết hợp những đôi boots quái dị với các loại quần jeans ống rộng, quần “công nghệ” hoặc những chiếc váy body “đục lỗ”, Beate Karlsson không làm người ta “sợ” bởi sự khác lạ, “khó nhìn” mà lại gây thích thú bởi sự khác biệt tới mức độc đáo, lạ mắt tới mức thu hút.
“Tôi thích vượt qua ranh giới của thời trang. Đó là nguồn cảm hứng và cũng là động lực mãnh liệt nhất của tôi. Ví dụ, ý tưởng cho đôi giày Bloody Feet đến với tôi khá đơn giản. Tôi làm chúng như hình dạng của những ngón tay và cách xử lý thách thức nhất là khiến chúng có thể mang được một cách dễ dàng, thuận tiện mà thôi. Tuy nhiên, phải có thách thức, phải vượt qua ranh giới mới thú vị. Và, nhiều nhà thiết kế trẻ hiện nay đang cố gắng kết hợp giữa nghệ thuật và thời trang như thế”…
Không chỉ kỳ dị, những bộ sưu tập thời trang của Karlsson còn có một điểm lạ lùng, khác biệt. Đó là cô sử dụng vải vụn, đồ thừa từ các hãng thời trang lớn. Cô bày tỏ tình yêu và đam mê thời trang của mình bằng cách tạo ra những sản phẩm thời trang bền vững.
Cô đắp - vá những “biểu tượng” của các hãng (từ màu sắc, họa tiết đến thiết kế biểu trưng) để tạo nên các sản phẩm của mình. Cô làm điều này vì mục tiêu “biến thùng rác thành kho báu”. Tức từ những vải vụn sản xuất của hãng tên tuổi như: Burberry, Jacquemus, Fendi… Karlsson tạo ra những sản phẩm thời trang mới có giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật cao - những sản phẩm thời trang kỳ dị nhưng đặc biệt cuốn hút.
Theo: Avavav, Metalmagazine