'“Điểm nóng' Sơn La và Hòa Bình sau gian lận thi cử: Vừa chuẩn bị thi vừa động viên nhau

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
15/06/2019 09:17 GMT+7

Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia trong điều kiện thiếu nhân lực và áp lực tâm lý bởi các sai phạm trong kỳ thi trước, những người tham gia kỳ thi ở Sơn La và Hòa Bình năm nay phải cố gắng hơn 100% khả năng, vừa lo tổ chức thi, vừa động viên nhau để ổn định tư tưởng.

Ôn tập đến sát ngày thi
Nhiều HS lớp 12 cũng tâm tư. Trong đó, những em học khá mặc cảm nếu đỗ ĐH mà về Hà Nội học có thể bị để ý là HS Sơn La. Do vậy, chúng tôi cũng phải động viên để các em quyết tâm, thể hiện bằng kết quả thi và học thật của mình
Một lãnh đạo Trường THPT Mộc Châu (Sơn La)
Đó là chia sẻ của một lãnh đạo Hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh Hòa Bình. Ông cho biết việc giải quyết sai phạm của kỳ thi năm trước kéo dài gần đến kỳ thi năm nay nên tâm lý của giáo viên (GV), học sinh (HS) vẫn còn lo lắng, buồn phiền. Nhân lực “làm thi” năm nay quá mới mẻ nên việc tập huấn đã vất vả lại phải kèm thêm công tác tư tưởng cho cả cán bộ, GV và HS. “Việc này rất quan trọng vì nếu cán bộ, thầy trò mà buồn chán, thiếu tự tin sẽ không thể làm tốt”, vị này chia sẻ.
Cũng vì vậy, năm nay nhiều trường của Hòa Bình ôn tập cho HS đến sát ngày thi. Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, còn cho biết ngoài tăng số buổi ôn tập, từ tháng 4 đến nay, sở này còn điều 15 GV vững chuyên môn từ các trường có điều kiện lên tăng cường ôn thi cho các vùng khó khăn, thiếu GV.
Theo ông Phạm Công Tác, Hiệu trưởng Trường THPT Mai Châu (Hòa Bình), việc ôn tập cho HS lớp 12 của trường sẽ diễn ra đến 22.6, trước kỳ thi chỉ 1 ngày. Việc lên kế hoạch ôn tập năm nay cũng sớm hơn khi tổ chức ngay từ đầu năm học, với GV có chuyên môn vững, nhiều kinh nghiệm.
Một lãnh đạo Trường THPT Mộc Châu (Sơn La) cho hay: “Nhiều HS lớp 12 cũng tâm tư. Trong đó, những em học khá mặc cảm nếu đỗ ĐH mà về Hà Nội học có thể bị để ý là HS Sơn La. Do vậy, chúng tôi cũng phải động viên để các em quyết tâm, thể hiện bằng kết quả thi và học thật của mình”.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó chủ tịch UBND H.Mộc Châu (Sơn La), cho biết toàn huyện có 4 điểm thi cách xa nhau nhưng cá nhân bà đã kiểm tra không sót phòng thi nào, từng cái bóng đèn, quạt trần, cánh cửa sổ... để đảm bảo một kỳ thi an toàn về mọi mặt. Đến thời điểm này, với những thí sinh ở xa phải trọ thi, huyện đã nắm chắc thí sinh nào sẽ ở đâu, số điện thoại của các em và người nhà ra sao, em nào có hoàn cảnh khó khăn phải giúp đỡ về ăn nghỉ, đi lại... đều đã có phương án cụ thể.

Coi thi là khâu đáng lo ngại nhất

Chặn mọi tình huống có thể xảy ra lộ, lọt đề thi

Phát biểu tại buổi làm việc với ban chỉ đạo thi THPT 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng năm nay bộ đã có nhiều đổi mới ở kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt là quy trình chấm thi giao cho các trường ĐH chủ trì nên áp lực hiện nay tập trung ở khâu tổ chức thi và coi thi. Điều quan trọng nhất là tránh mọi tình huống có thể xảy ra lộ, lọt đề thi từ khâu in sao, vận chuyển đến bảo quản đề thi. “Chúng ta cảnh giác với thiết bị gian lận công nghệ cao nhưng cũng hết sức cẩn thận với gian lận “công nghệ thấp” vì chỉ cần một dây cao su cũng có thể khiến đề thi lọt ra ngoài”, ông Độ nêu ví dụ.
Theo ông Bùi Trọng Đắc, nhân lực mới và chưa có kinh nghiệm nên năm nay Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình đã đề nghị Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD-ĐT cùng các chuyên gia về trực tiếp hỗ trợ công tác nghiệp vụ, kỹ thuật tổ chức kỳ thi cho lãnh đạo, chuyên viên của sở. Ngày 4.6 vừa qua, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình cũng cùng công an tỉnh tổ chức tập huấn việc bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi...
Đáng chú ý, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT khi kiểm tra một số điểm thi thuộc diện khó khăn của Hòa Bình và Sơn La đã phát hiện có điểm thi chỉ có hơn chục phòng thi nhưng diện tích quá rộng, nhiều khoảng trống, tường rào thấp, sát nhà dân; có điểm thi nằm xen trong công trường xây dựng...
Với những điểm này, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã yêu cầu tăng cường cán bộ an ninh, giám sát, tạm dừng mọi hoạt động xây dựng, sửa chữa trước kỳ thi ít nhất 5 ngày để giữ vệ sinh, an toàn. Ông Độ cũng cho biết đại diện Bộ GD-ĐT sẽ quay lại kiểm tra với những điểm thi kể trên.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng nhân lực mỏng là một thách thức rất lớn đối với công tác chuẩn bị kỳ thi. Do vậy, cần phải rất rõ người, rõ việc đối với từng thành viên trong tất cả các khâu của kỳ thi. Trước mỗi quy trình như sao in đề thi, coi thi, chấm thi đều phải tập huấn kỹ một lần nữa về quy chế thi trong từng nhiệm vụ có liên quan.
Ông Đỗ Xuân Giang, đại diện A83 Bộ Công an, thành viên Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, nhấn mạnh đến việc đảm bảo an toàn cho giám thị ở nơi khác đến coi thi, đặc biệt là cán bộ, giảng viên các trường ĐH về. Đã có những tình huống cán bộ coi thi phản ánh bị thí sinh đe dọa khi xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là những điểm thi có thí sinh tự do, là chiến sĩ nghĩa vụ.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, cho biết rút kinh nghiệm của năm 2018, năm nay Hòa Bình sẽ tăng cường lực lượng an ninh để đảm bảo tính nghiêm túc, an toàn của kỳ thi. Tuy nhiên, ông Đức băn khoăn về quy định lắp camera, do các camera này không được phép kết nối với máy tính, hệ thống này sau đó cũng được niêm phong để nếu có sự cố sẽ xem lại hình ảnh. “Tuy nhiên, do không kết nối nên sẽ không thể biết được hệ thống camera đó có hoạt động thông suốt hay không. Nếu sự cố xảy ra mà xem lại camera không hoạt động thì rất khó quy trách nhiệm”, ông Đức nêu tình huống.

Sơn La xin mượn máy quét bài thi trắc nghiệm

Do toàn bộ hệ thống máy móc phục vụ công tác chấm thi năm 2018 đã bị niêm phong để phục vụ công tác điều tra nên năm nay Sơn La phải mua mới toàn bộ máy tính, máy quét, máy in phục vụ thi và chấm thi. Tuy nhiên, theo quy định phải có máy dự phòng, trong khi đó, đến thời điểm này ban chỉ đạo thi tỉnh Sơn La chỉ có thể trang bị được 1 máy quét bài trắc nghiệm nên sở đã lên phương án mượn máy của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 - đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Sơn La. Việc này cũng phải được sự đồng ý của ban chỉ đạo thi quốc gia vì quy chế thi quy định không được sử dụng máy chấm thi không phải của địa phương.
Ông Trịnh Đình Vinh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, cho biết cán bộ của trường đã quen với việc chấm thi trắc nghiệm nhưng không chủ quan. Giám đốc trung tâm khảo thí của trường đã được yêu cầu tập huấn, chạy thử máy móc, làm các quy trình cho thành thạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.