Điểm qua 5 tác phẩm Nhật Bản ẵm giải Cành cọ vàng

21/05/2018 15:16 GMT+7

Nhật Bản được xem là 'ông lớn' của điện ảnh châu Á với 5 lần được vinh danh tại LHP (liên hoan phim) Cannes.

Lần đầu tiên Nhật Bản đoạt được giải thưởng Cành cọ vàng vào năm 1954. Jigokumon (Gate of Hell/Địa ngục môn) của Teinosuke Kinugasa là phim điện ảnh màu đầu tiên và cũng là tác phẩm màu đầu tiên được trình chiếu ở nước ngoài.
Phim còn đoạt giải Oscar cho hai hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất và Thiết kế phục trang đẹp nhất. Câu chuyện kể về một vị samurai muốn cưới một mỹ nhân xinh đẹp, nhưng tiếc rằng nàng đã có chồng. Và vì tình yêu, người phụ nữ sẵn sàng đánh đổi bằng cái chết. Một nội dung đậm đà truyền thống Nhật Bản, nhưng lại chạm vào trái tim của khán giả nhiều nước trên thế giới.
Đằng sau sự thu hút của phim jidaigeki (phim cổ trang) này chính là khả năng hòa quyện những cơn sóng cảm xúc dữ dội trong nội tâm nhân vật với vẻ bề ngoài vô cùng bình tĩnh. Sự căng thẳng và đau đớn đến từ những đam mê đầy bạo lực luôn sục sôi bên dưới lớp vỏ hào nhoáng của một con người nghiêm khắc, có địa vị, kỷ luật và tính thẩm mỹ tinh tế. Tinh thần văn hóa truyền thống của Nhật Bản được khắc họa uyển chuyển qua bộ phim này.
Kagemusha cũng nhận được Oscar cho hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất
Kagemusha (Shadow Warrior/Người đóng thế) của “ông hoàng điện ảnh Nhật Bản” Akira Kurosawa chính là tác phẩm được vinh danh ở Cannes năm 1980. Masato Ide và Akira Kurosawa đã chấp bút viết nên kịch bản của Kagemusha với câu chuyện về một kẻ vô danh giả làm lãnh chúa Takeda Shingen, nhưng đi chào khắp nước Nhật cũng không nhà sản xuất nào muốn làm, bởi lẽ phim có đề tài lịch sử vốn kén người xem lúc bấy giờ.
Cho đến khi ông tìm nguồn đầu tư từ Mỹ, Kagemusha mới từ giấy chuyển thành những thước phim hoành tráng mà vô cùng huyền ảo. Những bộ phục trang kỳ công, hàng trăm ngựa chiến được sử dụng, cách dàn dựng khái quát mà cũng rất chi tiết, những góc quay đậm đặc nghệ thuật, âm thanh sống động và diễn xuất tinh tế của các diễn viên hoàn toàn thất bại khi công chiếu lần đầu tiên tại quê nhà. Chỉ đến khi người Pháp và người Mỹ nhận ra những giá trị tuyệt vời của Kagemusha, từ cốt truyện mượn cái nền lịch sử để phá cách trong nhân vật, cho đến những hình ảnh mang tính thẩm mỹ cao, người Nhật mới kiên nhẫn ngồi xem hết phim và rồi bừng tỉnh trước những tầng ý nghĩa ẩn dụ vượt ngoài phạm vi đất nước mà vươn ra toàn cầu.
Narayama Bushiko là tác phẩm làm lại sau nguyên tác 1958
Năm 1983, Cành cọ vàng gọi tên Narayama Bushiko (The ballad of Narayama/Bài ca núi Narayama) của Shohei Imamura. Được sáng tạo dựa trên ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, gợi mở, kể về đứa con trai phải cõng mẹ già lên núi bỏ khi bà đến tuổi không thể lao động được nữa, theo đúng tập tục của làng. Bộ phim lột tả sâu sắc văn hóa bản địa đặc trưng Nhật Bản trong cách tạo khuôn hình, dựng phim, hình tượng nhân vật, âm thanh… nhưng vẫn mang đề tài sinh tồn, nhân loại mà bất cứ quốc gia nào cũng có thể khai thác.
Với Unagi, Shohei Imamura lần thứ 2 được vinh danh và là đạo diễn châu Á duy nhất nhận được được 2 Cành cọ vàng tính đến nay
Bẵng đi một thời gian dài, đến năm 1997, Nhật Bản mới lần nữa được xướng tên lên nhận giải Cành cọ vàng. Bộ phim có tựa Unagi (The Eal/Con lươn) xoay quanh người đàn ông từng đi tù vì giết vợ ngoại tình. Sau khi mãn hạn tù, ông mở một hiệu cắt tóc, nhưng không trò chuyện cùng ai, kể cả khách hàng. Ông chỉ nói chuyện với “bạn tù”, và đó là một con lươn! Ngoài những thủ pháp điện ảnh đặc sắc, nguyên nhân giúp Unagi nhận được nhiều lời khen có cánh từ giới phê bình và chiến thắng Cannes 1997 là bởi tác phẩm vượt qua sự bó hẹp của khuôn khổ văn hóa quốc gia, câu chuyện mang tinh thần rộng mở, một không khí ấm áp với dàn nhân vật nhiều màu sắc.
Bốn lần dự Cannes, Kore-eda mới giành được Cành cọ vàng nhờ Shoplifters
21 năm sau chiến thắng vang dội ấy, điện ảnh Nhật Bản mới lần nữa reo hò trong niềm hân hoan, khi đạo diễn 55 tuổi Hirokazu Kore-eda nhận Cành cọ vàng của Cannes 2018 với tác phẩm mang đề tài gia đình Shoplifters (Manbiki Kazoku/Gia đình ăn cắp).
Shoplifters là câu chuyện về một gia đình chuyên “hành nghề” ăn cắp vặt trong các siêu thị. Đây là một hiện trạng của Nhật Bản, không chỉ vì mưu sinh mà là vấn đề tâm lý, tuy nhiên, cả gia đình đều trộm cắp thì có lẽ chỉ có ở Shoplifters. Câu chuyện rẽ hướng khi người cha bắt gặp một cô bé con lang thang trong đêm đông lạnh giá và mang bé về nuôi. Đứa bé được truyền cho “ngón nghề” tinh vi, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được tình thương của gia đình. Nhịp phim chậm rãi đúng phong cách Nhật, những chi tiết lắt léo thu hút khán giả khiến tim họ như ngưng lại, và một đoạn kết bất ngờ như vỡ òa tất cả.
Đạo diễn kỳ cựu Hirokazu Kore-eda bên giải thưởng Cành cọ vàng
Không khó bắt gặp quan điểm làm phim của Kore-eda trong Shoplifters. Ông thích “dùng lại” một số diễn viên mình đã cộng tác. Cho dù họ không phải sự lựa chọn tốt nhất khi Nhật Bản có hàng ngàn diễn viên tài năng, nhưng đó là người thể hiện trọn vẹn nhất những gì ông muốn truyền tải. Bộ phim vạch trần một xã hội Nhật Bản không chỉ có sự phát triển vượt bậc, mà cũng còn lẩn khuất đâu đó những mái nhà nghèo đói.
Tuy nhiên, từ sâu thẳm những gì thấp kém nhất, lại bừng lên ánh sáng của hạnh phúc. Shoplifters cũng là một xã hội thu nhỏ, nơi khán giả có thể bắt gặp chính mình, những người xung quanh và cả một nền kinh tế vững mạnh nhưng không cách nào đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội hoàn hảo được. Và chính con người, mới là nhân tố quyết định hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Mà hạnh phúc, tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.