Điểm sàn không thấp hơn năm trước

10/07/2011 23:34 GMT+7

Hôm qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo và thông tin về kỳ thi ĐH đợt 2 vừa kết thúc. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga và Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Ngô Kim Khôi đã trả lời báo chí về một số vấn đề liên quan đến kỳ thi.

Với đề thi như năm nay dự kiến điểm sàn như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm nay chủ trương của Bộ là ra đề thi không quá khó, không phức tạp, phân hóa cao để có phổ điểm hợp lý. Số điểm thấp và điểm 10 ít đi nhưng điểm trung bình có thể cao hơn. Đề thi đã đạt được mục tiêu đó. Vì vậy dự báo điểm sàn sẽ không thấp hơn mọi năm.


TS vừa kết thúc đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trước kỳ thi, Bộ GD dự kiến đổi mới tuyển sinh (để một số trường tự chủ trong tuyển sinh - NV) nhưng sau đó chưa được thực hiện. Vậy chủ trương sắp tới sẽ như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Chủ trương của Bộ vẫn tiếp tục đổi mới kỳ thi ĐH và đã yêu cầu một số trường ĐH tham gia xây dựng phương án. Tuy nhiên, việc đổi mới thi cử phải đổi mới đồng bộ bậc phổ thông. Từ nay, đến năm 2015 sẽ có lộ trình đổi mới cụ thể. Hiện chúng ta có 1,5 triệu thí sinh (TS) dự thi ĐH, trong khi chỉ có hơn 500.000 chỉ tiêu. Vì số người học có nhu cầu cao, trong khi khả năng đáp ứng chỉ được 1/3 nên vẫn phải duy trì kỳ thi ĐH. Đến năm 2020 với mục tiêu có 400 sinh viên/vạn dân thì chúng ta sẽ đáp ứng được 1 triệu sinh viên học một năm. Lúc đó sẽ không còn áp lực thi ĐH và sẽ giải quyết dứt điểm việc thi cử như bây giờ. Còn hiện nay, khi cầu còn lớn hơn cung thì vẫn phải duy trì kỳ thi ĐH.

Trong công điện của Bộ GD-ĐT gửi các hội đồng thi có quy định: Cán bộ chấm thi không được tiết lộ thông tin về bài thi của TS vậy đây có phải là biện pháp nhằm hạn chế thông tin với công luận về việc chấm thi hay không?

Ông Ngô Kim Khôi: Sau đợt 1 của kỳ thi, Bộ GD-ĐT có công điện yêu cầu về công tác chấm thi, đảm bảo an toàn, bí mật tuyệt đối. Cán bộ chấm thi không được tiết lộ thông tin liên quan đến bài thi của TS để đảm bảo kết quả bài thi chính xác, khách quan, công bằng. Hy vọng quy định này không nhằm hạn chế thông tin cho báo chí.

Khi TS rút hồ sơ NV2, NV3 để nộp vào trường khác thì TS phải chỉnh sửa nội dung trong giấy chứng nhận kết quả thi như thế nào? TS có được xóa đi viết lại hay không? Có được rút lệ phí đăng ký xét tuyển không?

Ông Ngô Kim Khôi: Năm nay để tạo điều kiện cho TS, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải thông báo công khai thông tin hồ sơ xét tuyển NV2, 3 của TS. Nếu thấy khả năng trúng tuyển không cao thì TS có thể rút hồ sơ. Lệ phí có được rút không thì do nhà trường quyết định. Năm nay, để việc điền hồ sơ được thuận tiện, trong giấy chứng nhận kết quả thi của TS, sẽ thiết kế có 2 dòng để TS có thể ghi 2 lần, nếu TS vẫn rút ra tới lần thứ 3 thì sẽ phải nộp đơn kèm theo.

Thí sinh vi phạm quy chế tăng

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm nay, tổng số TS đăng ký dự thi 2 đợt là 1.6696.960, số TS đến dự thi 1.333.428 đạt 78,58 %, so với năm 2010 tăng 1,58%. Cả hai đợt đã có 326 TS vi phạm quy chế bị xử lý, trong đó khiển trách 69, cảnh cáo 17, đình chỉ 240 . So với năm 2010 số TS vi phạm tăng lên 70 TS. Toàn đợt có 6 cán bộ tham gia công tác thi bị xử lý kỷ luật, trong đó cảnh cáo 1, đình chỉ 5. Chỉ riêng trong đợt thi thứ hai, cả nước có 203 TS vi phạm quy chế, trong đó có 160 trường hợp bị đình chỉ, tăng gấp đôi đợt 1 (86 TS). Trong số này có 56 lỗi do mang điện thoại di động vào phòng thi, hơn 100 trường hợp do mang tài liệu vào phòng thi.

V.Thơ - H.Ánh

30 thí sinh khuyết tật được tuyển thẳng vào ĐH

Năm nay, thực hiện Luật Người khuyết tật và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường đã xét tuyển thẳng vào ĐH 30 TS khuyết tật. Cụ thể, 4 TS tại trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), 1 TS vào trường ĐH Luật Hà Nội, 1 TS vào trường ĐH Vinh, 10 TS vào ĐH Huế, 10 TS vào trường ĐH Sư phạm TP.HCM và 4 TS vào trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM).

V.Thơ - H.Ánh

Vũ Thơ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.