Điểm 'sàn' và bản lĩnh của một trường đại học

29/07/2016 19:17 GMT+7

Có nhiều yếu tố để nhận ra bản lĩnh của một trường ĐH. Trong đó công bằng, sòng phẳng với thí sinh ngay từ khâu xét tuyển cũng là một yếu tố.

Còn nhớ năm ngoái thí sinh (TS) nào cũng ngỡ ngàng khi các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM công bố ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào là 15 - bằng điểm “sàn” theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ở Việt Nam thì ai cũng biết đây là trường ĐH công danh tiếng, cửa vào những trường thành viên của ĐH này thường chỉ dành cho TS có học lực từ khá giỏi trở lên, nên việc trường định ra điểm xét tuyển chỉ bằng điểm của hầu hết trường ngoài công lập hay trường công lập tốp cuối là điều đáng ngạc nhiên. Đúng như quy luật, năm vừa qua điểm chuẩn vào các trường thành viên của ĐH này (bậc ĐH) mức thấp nhất cũng cao hơn điểm xét tuyển từ 3 trở lên.
Nếu cho rằng năm ngoái lần đầu tiên tuyển sinh theo kỳ thi THPT quốc gia còn nhiều bỡ ngỡ thì với dữ liệu TS đăng ký xét tuyển vào trường cũng như điểm chuẩn trúng tuyển thật sự thì năm nay ĐH này đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để công bố điểm “sàn” của trường gần với thực tế hơn và đúng với bản chất hơn. Vậy mà ĐH này cũng như nhiều trường ĐH thuộc tầng lớp “quý tộc” không làm như vậy!  Năm nay vẫn chọn cách công bố an toàn nhất: Điểm xét tuyển bằng điểm “sàn”.
Trong khi đó khá nhiều trường công lập tuy không thuộc đẳng cấp hạng nhất vẫn sẵn sàng tính toán, cân nhắc đưa ra điểm xét tuyển phù hợp với thực tế nhất để TS có đầy đủ thông tin mà đưa ra quyết định. Thậm chí có không ít trường ngoài công lập vẫn mạnh dạn công bố những ngành thu hút TS với mức điểm xét tuyển cao hơn “sàn” từ 2-3 điểm.
Đặt câu hỏi thì đại diện nhiều trường lớn cho biết đã có thêm những quy định sơ tuyển về học bạ TS phải có điểm trung bình 3 năm THPT từ 6,5 trở lên và TS phải tìm hiểu thông tin, điểm chuẩn các năm trước rồi cân nhắc. Về điểm học bạ thì ai cũng biết, đâu phải nơi nào, người nào cũng là điểm thực. Còn phía TS, tất nhiên là phải tìm hiểu thông tin rồi nhưng hãy đặt mình vào vị trí của TS để thấy trong một biển thông tin cộng với tâm lý và áp lực từ nhiều phía sẽ rất dễ bối rối. Đó là chưa kể không phải TS nào cũng tỉnh táo và thông minh như nhau nên sẽ không đánh giá đúng tình hình.
Chỉ cần cung cấp cho TS thông tin xác thực, đúng với thực tế nhất, phần còn lại là quyết định của TS. Việc này đâu có gì khó, sao nhiều trường không làm được? Chẳng lẽ các trường ngại khó, sợ mất thời gian, sợ tốn công để tính toán điểm xét tuyển phù hợp với tình hình thực tế? Không thể như thế được vì một trường lớn thì đâu ngại những điều nhỏ nhặt này! Trường lớn lại càng không thể xem thường người học ngay từ khâu xét tuyển như thế này vì suy cho cùng uy tín của trường tăng cao đâu chỉ bởi một phía các giáo sư của trường mà còn chính từ nguồn đầu vào giỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.