Điểm sáng ấn tượng của ngành ngoại giao Việt Nam

25/03/2024 08:52 GMT+7

Thời gian qua, công tác đối ngoại của Việt Nam đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong thành tựu chung của đất nước.

Đột phá trong nâng tầm quan hệ với các nước

Nhắc tới trường phái đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam, cụm từ "cây tre Việt Nam" từ lâu không còn xa lạ. Đây là trường phái đối ngoại đặc sắc, độc đáo thể hiện vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nhờ kiên định bản sắc đối ngoại "cây tre Việt Nam", thời gian qua, ngành đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng.

Điểm sáng ấn tượng của ngành ngoại giao Việt Nam- Ảnh 1.

Thời gian ngắn gần đây, Việt Nam đã có đột phá trong việc mở rộng và nâng tầm quan hệ với các nước

Phát biểu tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18.3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: "Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới trải qua nhiều biến động. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội và Chính phủ, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam"; triển khai đồng bộ, sáng tạo trên cả 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, trong đó có cả ngoại giao chính trị".

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao thông tin thêm: hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193/193 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước, đối tác chiến lược với 4 nước.

"Trong các đối tác chiến lược, vừa rồi khi chúng ta triển khai nâng cấp quan hệ, mấy nội hàm chúng ta rất quan tâm với các đối tác quan trọng. Một là, chúng ta tạo dựng được sự tin cậy chính trị cao hơn với các nước khác. Hai là, từ những thế mạnh của từng đối tác, chúng ta thiết lập khuôn khổ để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, KH-CN, GD-ĐT với các đối tác sâu sắc, toàn diện hơn. Ba là, chúng ta tìm ra những đột phá trong quan hệ với các đối tác", ông Sơn nói.

Nhắc tới thành tựu của ngành đối ngoại, ngoại giao, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm thời gian gần đây là Việt Nam dồn dập nâng cấp quan hệ ngoại giao với các nước.

Ngay ngày 7.3, trong chuyến thăm chính thức Úc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, nâng số quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam lên con số 7. Trước đó, vào tháng 9.2023 và tháng 11.2023, Việt Nam cũng đã lần lượt nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản.

Đáng chú ý, kể từ khi có đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên tháng 5.2008 cho đến trước tháng 9.2023, Việt Nam chỉ có 4 đối tác chiến lược toàn diện thì trong hơn 6 tháng qua đã nâng lên con số 7 đối tác. Cụ thể, 7 đối tác là: Trung Quốc (thiết lập vào tháng 5.2008), Nga (7.2012), Ấn Độ (9.2016), Hàn Quốc (12.2022), Mỹ (9.2023), Nhật Bản (11.2023) và Úc (3.2024). Điều đó chứng minh trong thời gian ngắn gần đây, Việt Nam đã có đột phá trong việc mở rộng và nâng tầm quan hệ với các nước.

Phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam"

Ông Nguyễn Hồng Huệ, Ủy viên Ủy ban T.Ư Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), cho rằng năm 2023 và đầu năm 2024 để lại nhiều dấu ấn sôi động về đối ngoại với nhiều sự kiện nổi bật.

Quan hệ đối ngoại trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên với những bước phát triển mạnh mẽ.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam đã có nhiều đóng góp hiệu quả tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc, ASEAN. Uy tín của Việt Nam liên tục tăng lên, bằng chứng là Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng, nhất là trong ASEAN và Liên Hiệp Quốc. Đến nay, Việt Nam là thành viên của 70 diễn đàn và các cơ chế hợp tác quốc tế, ký kết 16 hiệp định thương mại tự do.

"Các nước đang nhìn Việt Nam với một vị thế khác, với một cái nhìn thân thiện và mến mộ. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện…. Điều này cho thấy sự thành công của chính sách đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là đường lối đối ngoại, ngoại giao cây tre đặc sắc", ông Huệ nhấn mạnh.

Theo Bộ Ngoại giao, năm 2024, công tác ngoại giao của Việt Nam tiếp tục được tổ chức thực hiện theo đường lối đối ngoại Đại hội XIII và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại mà T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam".

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nhìn nhận, trong những năm tới, đường lối đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" sẽ phát triển và tạo ra sức ảnh hưởng lớn đối với các nước trên thế giới. Đường lối ngoại giao "cây tre Việt Nam" là một hình mẫu mới, đặc sắc để các nước học hỏi, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đang phải trả giá đắt về xương máu, môi trường, tiền của… chìm đắm trong các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.