Điểm sáng trong phát triển sản phẩm OCOP

Gia Bách
Gia Bách
28/04/2023 09:27 GMT+7

Huyện Trần Văn Thời là “điểm sáng” của tỉnh Cà Mau trong việc triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Ðến nay, huyện đã có 11 sản phẩm OCOP 3 sao được thị trường ưa chuộng.

Sản phẩm chuối khô truyền thống cũng đang được các chủ thể đầu tư nâng chất lượng

Sản phẩm chuối khô truyền thống cũng đang được các chủ thể đầu tư nâng chất lượng

11 sản phẩm OCOP 3 sao

Thời gian qua, huyện Trần Văn Thời đã tích cực triển khai thực hiện chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị các loại sản phẩm, hàng hóa nông, thủy sản của người dân trên địa bàn và tạo sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển du lịch.

Đến nay, toàn huyện có 11 sản phẩm của 9 cơ sở và hợp tác xã đạt OCOP 3 sao; có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP được nhiều người quan tâm, từng bước mở rộng thị trường, là điều kiện kích thích phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Theo đó, bên cạnh những sản phẩm truyền thống đã khẳng định được thương hiệu như khô cá bổi, chuối khô, điều đáng mừng là sản phẩm đạt OCOP của huyện đã xuất hiện nhiều mặt hàng mới như trà xạ đen túi lọc, nước cốt nhàu… Điều này cho thấy phong trào xây dựng sản phẩm OCOP đã lan tỏa trong cộng đồng, tạo ra ý thức phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Anh Đỗ Quốc Khánh, chủ Cơ sở sản xuất trà xạ đen túi lọc Hùng Khánh, cho hay: "Từ khi đăng ký tham gia vào chương trình OCOP, tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ nhiều cơ quan chuyên môn các cấp, chính quyền địa phương về hồ sơ thủ tục, xúc tiến thương mại... Có thể nói, đây là động lực rất lớn để chủ thể OCOP như chúng tôi tiếp tục cố gắng hoàn thiện các tiêu chí của sản phẩm 3 sao lên 4 sao, hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường".

Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm, theo sát để hỗ trợ các chủ thể có điều kiện kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài việc phát triển mẫu mã, thì chất lượng của các sản phẩm OCOP truyền thống cũng được các chủ thể chú trọng nâng cao, sử dụng nhiều máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

Đơn cử như sản phẩm cá khô bổi Tám Oanh ở ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019 và được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Sản phẩm cá khô bổi tại đây được sản xuất kết hợp giữa thủ công với lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời. Cá khô bổi làm ra được bảo quản bằng hệ thống kho lạnh, nên chất lượng hàng hóa được đảm bảo và được tiêu thụ rộng rãi tại các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Chính điều này đã giúp cho các sản phẩm OCOP của huyện Trần Văn Thời có giá cả, chất lượng ổn định, đã tham gia nhiều cuộc triển lãm, hội chợ và xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm khô cá bổi Tám Oanh áp dụng sản xuất kết hợp giữa thủ công với lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời

Sản phẩm khô cá bổi Tám Oanh áp dụng sản xuất kết hợp giữa thủ công với lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời

Được sự quan tâm của các ngành, các cấp và UBND các xã, thị trấn trong việc triển khai chương trình OCOP, nên sản phẩm của huyện Trần Văn Thời ngày càng đa dạng, có tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm OCOP từng bước tạo được sự quan tâm của khách hàng, nhà phân phối, các đại lý trong và ngoài tỉnh. Trong khi đó, các chủ thể tham gia OCOP đã tích cực nghiên cứu thị trường, yêu cầu của nhà phân phối, đại lý để phát triển và không ngừng hoàn thiện sản phẩm.

Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết: Việc xây dựng sản phẩm OCOP không những đã giúp nông dân vươn lên làm giàu chính đáng, mà qua đó góp phần vào sự thành công của quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tạo ra những sản phẩm đặc trưng, mang sắc thái riêng biệt. Đây cũng là món quà không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến với quê hương Trần Văn Thời.

Trà xạ đen túi lọc là sản phẩm OCOP 3 sao được thị trường ưa chuộng Ảnh Gia Bách

Trà xạ đen túi lọc là sản phẩm OCOP 3 sao được thị trường ưa chuộng

Ảnh: Gia Bách

Bên cạnh những thế mạnh, thuận lợi, việc phát triển, nâng chất sản phẩm OCOP của huyện Trần Văn Thời vẫn tồn tại một số vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó, việc xây dựng sản phẩm, đưa nông sản địa phương ra thị trường vẫn còn lúng túng. Ngoài ra, một số chủ thể OCOP còn hạn chế trong năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường; vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức...

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế này, ông Công cho biết huyện sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, chú trọng phát huy lợi thế, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung; khuyến khích các chủ thể phát triển các sản phẩm theo quy trình sản xuất gắn chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu sẵn có. "Huyện cũng mong các đơn vị chuyên môn tích cực hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quản lý, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và hồ sơ đăng ký bảo hộ... Từ đó, giúp huyện đẩy mạnh việc liên kết tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giữa các địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ chủ thể có cơ hội quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm", ông Công thông tin thêm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cũng cho rằng ngoài sự hỗ trợ của ngành chức năng, các chủ thể cần thường xuyên duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. "Chúng ta hãy chăm chút, đào sâu nghiên cứu, sáng tạo, nâng chất sản phẩm, để làm sao khách hàng cảm thấy hài lòng khi cầm trên tay sản phẩm OCOP của huyện Trần Văn Thời", ông Trần Tấn Công nhấn mạnh.

 

 




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.