Mẹ mù chữ và 5 con đại học

11/05/2014 09:00 GMT+7

Tiếng Bru-Vân Kiều 'smiêng' có nghĩa là con trai. Đối với những bản làng xa xôi nơi người Vân Kiều sinh sống, cho đến tận bây giờ chỉ cần một thằng 'smiêng' được đi học đại học đã là niềm tự hào cho nóc nhà nơi nó sinh ra, thậm chí cho cả bản. Vậy mà Pỉ Chịu (53 tuổi, thôn Làng Cát, xã Đakrông, H.Đakrông, Quảng Trị) có tới 5 niềm tự hào. Lạ thay, bà là người mù chữ.

Tiếng Bru-Vân Kiều “smiêng” có nghĩa là con trai. Đối với những bản làng xa xôi nơi người Vân Kiều sinh sống, cho đến tận bây giờ chỉ cần một thằng “smiêng” được đi học đại học đã là niềm tự hào cho nóc nhà nơi nó sinh ra, thậm chí cho cả bản. Vậy mà Pỉ Chịu (53 tuổi, thôn Làng Cát, xã Đakrông, H.Đakrông, Quảng Trị) có tới 5 niềm tự hào. Lạ thay, bà là người mù chữ.

Mẹ mù chữ và 5 con đại học 2
Dù đã lớn nhưng anh em Hồ Văn Toàn, Hồ Văn Tân vẫn chỉ bảo nhau trong việc học tập, nghiên cứu - Ảnh: Nguyễn Phúc

Ai từng một lần lên H.Đakrông, miền tây Quảng Trị mới thấm thía cái cực, cái khổ nơi đây. Con chữ vì vậy cũng ít ỏi và thiếu thốn như dòng Đakrông những ngày hè cạn nước. Người ta bảo, trẻ con vùng cao, có nơi, có chỗ, khát chữ hơn khát... sữa mẹ. Nhưng cũng vì cái ăn, cái mặc trước mắt, cơn khát ấy dễ dàng bị khỏa lấp bởi những tháng ngày quăng quật trên nương...

Nói dông dài vậy để biết, câu chuyện về sự học của một gia đình người Vân Kiều mà tôi sắp kể ra đây ở chốn rẻo cao này thực sự... quý và hiếm. Ngay bản thân tôi khi chưa gặp, thấy cũng có đôi chút hoài nghi... 

“Đệ nhất danh gia”

 

Bò dê nhà mẹ để lại chắc cũng không nhiều nhất làng nhưng đổi bò dê đi thì giờ nhà mẹ... nhiều chữ nhất. Rứa chắc cũng có lãi con hè?

Bà Hồ Thị Hai

Vui vẻ dẫn đường từ UBND xã Đakrông về nhà mình, Hồ Văn Tân (28 tuổi, cán bộ Hội Nông dân xã Đakrông, con thứ 2 của Pỉ Chịu) đã làm tôi hết sức bất ngờ với câu nói dí dỏm: “Đi học ở miền xuôi, tôi có nghe lỏm được câu “tam nam bất phú, tứ nữ bất bần”. Vậy còn nhà tôi 5 anh em trai tức là “ngũ nam” thì chưa biết thế nào”.

Cá nhân tôi không dám đánh giá nhà Pỉ Chịu “bần” hay “phú”, chỉ thấy đó là một gian nhà lọt thỏm giữa thung lũng Làng Cát. Nó càng nhỏ bé hơn nếu đem so với ngọn Pra Côi và Pu án ngữ 2 hướng bắc nam và khe Cu Zăng mát rượi vây quanh làng. Dù vậy, đó là một gian nhà mà trước nay dân bản thường phải lui tới. “Dòng dõi của tôi sống ở đây từ rất lâu. Ông  nội tôi lúc còn sống là già làng nên mọi việc lớn nhỏ gì của từng gia đình hay của cả bản, ông đều đứng ra lo liệu. Cha tôi cũng được dân bản nể trọng vì ông theo nghề y, từng làm trạm trưởng trạm xá xã, cứu người cho đến lúc qua đời vào năm 1996...”, Tân nói giọng đầy vẻ tự hào.

Nhưng gốc tích “dòng dõi” của gia đình đã không giải thích được sự “thừa mứa” sách, vở trong gian nhà sàn đó. Đảo mắt một vòng, dường như đâu cũng có sách, chúng được xếp ngăn nắp trên kệ, trên bàn, thậm chí ngay trên đầu giường. Chưa hết, bên hông nhà còn treo một tấm bảng to, trên đó lưu những công thức và hình vẽ toán học nguệch ngoạc...

Tiếp chuyện tôi ở gian chính, ngoài Tân còn có anh cả Hồ Văn Toàn (30 tuổi, đang học năm cuối Đại học Y Dược Huế). Bên ly nước chè đặc quánh, Toàn tỉ mẩn lấy sổ hộ khẩu, liệt kê “thành tích học tập” của các anh em: “Ngoài Tân và tôi, còn có em thứ 3 là Hồ Kana Vily, 27 tuổi, đã tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Hà Nội, đang làm cán bộ xã Pa Nang. Hai em út là Hồ Văn Tú (24 tuổi) và Hồ Văn Phú (21 tuổi) đều đang học tại Đại học Vinh, một đứa học kinh tế, một đứa học sư phạm toán”. Cái “bảng vàng” này, đến những gia đình khá giả, học thức ở miền xuôi còn mơ ước huống hồ nơi chốn này - vốn chỉ việc nuôi một lúc 5 đứa con cho chúng sống, khỏe mạnh, không bị “Giàng bắt đi” đã là điều... vĩ đại.

 Mẹ mù chữ và 5 con đại học 1
Pỉ Chịu vuốt lại những tờ tiền lẻ nhàu nhĩ chuẩn bị lộ phí cho con trai cả vào Huế thi tốt nghiệp

Đổi bò dê lấy cái chữ cho con

Pỉ Chịu có tên khai sinh là Hồ Thị Hai. Bà không biết chữ vì lúc còn nhỏ những bậc sinh thành không cho bà tới trường và thường đe rằng: “Học để làm gì. Lo mà lên rẫy trồng sắn, xuống suối tát cá, may còn có cái ăn”.

 

Độc nhất vô nhị

Ông Trần Văn Chạy, Chủ tịch UBND xã Đakrông, nói gần 1 năm trước, khi mới lên nhận công tác, nghe qua về gia đình Pỉ Chịu, từ ý nghĩ không tin ông đã quay sang phục sát đất. “Ở địa phương nói riêng và huyện vùng cao Đakrông nói chung, gia đình có 5 con học đại học như Pỉ Chịu là... độc nhất vô nhị”, ông Chạy tấm tắc.

Bà nên duyên với ông Hồ An và lần lượt cho ra đời 5 con trai. “Hồi nớ ông làm cán bộ, ông đi hoài, ít khi về nhà lắm. Lúc về chỉ đưa cho vài cân gạo nuôi con rồi lại đi, có biết gì việc trong nhà đâu”, bà Hai kể.

“Có thời nhà tôi rách nát đến độ hễ trời mưa là mẹ và mấy anh em không có chỗ ráo để nằm. Chưa hết, vì được dựng dưới thung lũng nên những hôm mưa to, cả nhà còn phải lóp ngóp chạy lụt rất cơ khổ. Đến giờ nghĩ lại không biết có phải vì thương mẹ hay vì lý do gì khác mà mấy anh em tôi đã không bỏ học như bạn bè cùng trang lứa”, Toàn chêm vào.

Góa chồng gần chục năm, để lo cái ăn cái mặc cho đàn con, bà một mình khai hoang cả nửa ngọn đồi lấy đất trồng sắn, trồng chuối, trồng đu đủ... Khi cây cho củ, cho quả, cũng một mình bà gùi ra chợ huyện đổi gạo muối và dăm tập vở trắng mang về trong niềm vui khôn tả của các con. Bà cũng từng “kinh doanh” khi mua 1 cái ti vi cũ, tối tối lại sáng đèn rồi bán vé (người lớn 1.000 đồng, trẻ em 500 đồng) cho những ai muốn vào xem. Chịu khó làm lụng, tích cóp, có lúc trong tay bà từng có dăm con bò, một đàn dê. “Nhưng gia sản của mẹ bây giờ chỉ còn 2 con heo nái và 2 con heo con. Bò, dê mẹ phải bán hết để lấy tiền cho chúng nó đi học. Mẹ ăn sắn ăn khoai cũng được chứ chúng nó đi ra khỏi nhà, không có tiền là không được mô”, nói chuyện tiền nong, giọng Pỉ Chịu như chùng xuống. Khóe mắt đầy vết chân chim như đang “tố cáo” rằng người mẹ ấy đã có nhiều đêm mất ngủ vì những lo toan cơm áo cho con nơi đất khách.

Không lo sao được, khi vào thời gian “cao điểm”, mỗi tháng bà phải xoay xở gần 10 triệu đồng, chia cho mỗi đứa mỗi ít. Để có tiền, ngoài làm việc tận lực rồi ky cóp từng đồng, bà mượn tất cả những nơi có thể mượn, bán tất cả những gì có thể bán. Đến bây giờ khi chỉ còn... 3 đứa đang đi học, bà vẫn lo cái “gia sản” còn lại cũng khó giữ và khoản nợ ngân hàng đã ngót nghét 30 triệu đồng.

“Mẹ vui đó rồi lo đó rứa con nờ. Con cái đi học ai chả mừng nhưng nhiều lúc mẹ cũng đọa về tiền bạc, cũng tủi vì cứ lủi thủi một mình. Là mẹ, ai chẳng muốn có con cái ở bên mình lúc ốm đau, già cả nhưng nếu chúng ở với mẹ cả đàn mà không lo học hành chắc mẹ càng buồn hơn...”, Pỉ Chịu trải lòng.

Cực vậy, lo vậy nhưng bà cấm con bỏ ngang giữa chừng. “Có lúc thấy mẹ cực khổ quá, tôi định bảo lưu kết quả về nhà giúp mẹ nuôi em một thời gian nhưng mẹ không chịu. Mẹ còn dọa độc rằng tôi về là bà... chết. Sợ quá, tôi đành lụy mẹ thêm 1 năm nữa”, giọng Toàn run run. 

Giống như anh cả, thương mẹ, 4 người em còn lại cũng bảo ban nhau học hành. Dẫu có lúc, nơi gác trọ xa xứ, chúng ứa cả nước mắt khi nghĩ rằng tương lai của mình đang đánh đổi bằng những giọt mồ hôi, sự chịu đựng đến tột cùng trên đôi vai gầy của mẹ.

Lúc tôi từ biệt ra về, vẫn thấy Pỉ Chịu ngồi bên bậu cửa, lấy tay vuốt những tờ giấy bạc nhàu nhĩ như những nếp nhăn hằn trên khuôn mặt bà sau suốt một đời vì con. Số tiền ấy là khoản “lộ phí” bà chuẩn bị cho Toàn cuối tháng này vào Huế tiếp tục đèn sách... Bất chợt, người mẹ Vân Kiều mỉm cười nhìn tôi, hỏi một câu tưởng như rất ngô nghê mà làm tôi nhớ mãi: “Bò dê nhà mẹ để lại chắc cũng không nhiều nhất làng nhưng đổi bò dê đi thì giờ nhà mẹ... nhiều chữ nhất. Rứa chắc cũng có lãi con hè?”. Tôi gật đầu chia sẻ cho sự tự hào dễ hiểu của bà, một người mẹ mù chữ.

Nguyễn Phúc

>> Mù chữ vẫn lên lớp 7
>> 12 giáo viên ở Kon Tum còn... mù chữ
>> Chuyện ghi ở xóm mù chữ
>> Học xong lớp 5 vẫn... mù chữ
>> Đông Nam Bộ: 3,7% người trên 15 tuổi mù chữ  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.