Ảnh báo chí Việt Nam: Yếu ở thông tin và cách kể chuyện

25/05/2012 09:14 GMT+7

Có may mắn được tham gia hai năm liền vào Hội đồng sơ khảo chấm giải báo chí quốc gia, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác nhận thấy chất lượng ảnh báo chí VN, nếu chỉ căn cứ vào số lượng ảnh dự thi thì thật đáng buồn, trong khi đó quá thiếu những tác phẩm ảnh báo chí thực sự giàu tính thông tin, được thể hiện sáng tạo trong bố cục, tạo hình...

Ngày 21.6 tới đây, lễ trao giải báo chí quốc gia mới diễn ra, nhưng với loại hình ảnh báo chí quốc gia thì cụm từ “không có giải A” nhiều khả năng sẽ thành hiện thực. Nói vậy, bởi Hội đồng sơ khảo chỉ đóng vai trò chọn ảnh vào chung kết và đề cử ra các giải thưởng, còn Hội đồng chung khảo sẽ quyết định.

Đã nhiều năm, giải ảnh báo chí quốc gia không có giải A. Và thực tế đó hoàn toàn là chính xác nếu căn cứ trên mặt bằng ảnh dự thi. Năm ngoái có trên 70 ảnh và bộ ảnh gửi dự thi, năm nay có 80 ảnh và bộ ảnh dự thi, tức là về số lượng có nhỉnh hơn năm ngoái. Và so với trên 700 đầu báo, tạp chí  trong cả nước, thì con số 80 là quá nhỏ nhoi, dù thể lệ ảnh gửi dự thi đã nới rộng rất nhiều, chấp nhận cho các cá nhân tự gửi đến...

Nhưng dẫu vậy, giải ảnh báo chí quốc gia vẫn chưa thu hút được nhiều tay máy tự do tham dự, phải chăng sự dè dặt có phần ở các tay máy tự do cảm thấy không phù hợp với “thị hiếu” chọn ảnh của ban giám khảo?

Trong số 80 ảnh và bộ ảnh lần này, dễ thấy một nhược điểm chung của ảnh dự thi là tính toàn vẹn thống nhất trong kết cấu 1 bộ ảnh chưa được chú ý đúng mức.

Phần text (thông tin) đi kèm ảnh và bộ ảnh vẫn thiếu thông tin,  có khi vẫn chung chung, hoàn toàn không đủ những điều kiện cơ bản của ảnh báo chí. Thậm chí có ảnh đặt tên như một bức ảnh nghệ thuật, chứ không phải là ảnh báo chí. Với ảnh báo chí, tính thông tin phải được thể hiện ngay từ tít ảnh.

Có tác giả là phóng viên ảnh dày dạn kinh nghiệm nhiều năm, gửi thông tin đi kèm lại là thông tin về tấm ảnh dự thi đã từng đoạt giải ở đâu đó, chứ không phải là thông tin về con người, sự kiện trong ảnh.

Có ảnh đủ thông tin, nhưng đó không phải là thông tin nóng, mà là thông tin nguội, nghĩa là năm nay có chuyện đó, năm sau cũng có chuyện đó. Tác giả không khai thác được sự mới mẻ của thông tin.

Có phóng viên ảnh vẫn dùng photoshop để kích màu ảnh lên, tạo cho bức ảnh quá rực rỡ và tạo cảm giác giả ngay cho người xem.

Lẽ dĩ nhiên, các sự kiện trong năm sẽ phải là tâm điểm của ảnh báo chí quốc gia. Nhưng tiếc là không nhiều ảnh gửi đến tập trung vào các sự kiện nóng, mà vẫn rải rác sa đà ở những sự vụ mang tính “vi mô” nhiều hơn.

Với các bộ ảnh (phóng sự ảnh và nhóm ảnh), một căn bệnh kéo dài nhiều năm là cách kể chuyện không hấp dẫn. Thường các tác giả nộp đủ tối đa số ảnh cho phép (12) nên nhiều ảnh bị thừa ra, lặp lại về ý, lặp cả góc độ chụp và làm yếu đi câu chuyện. Đáng ra 1 bộ ảnh, tất cả các ảnh đều phải tốt, trong đó có 1 ảnh “đinh” chứ không phải 1 bộ ảnh đưa cả ảnh xấu vào để tôn thêm một vài ảnh tốt lên.

Bức ảnh mở đầu cũng chưa được coi trọng đúng mức, đáng ra phải mang tính dẫn dắt câu chuyện, thì nhiều khi lại là bức ảnh tệ nhất. Chưa nói những sáng tạo về mặt tạo hình, như kỹ thuật bức ảnh (sử dụng ống kính, chọn góc độ chụp, ánh sáng, tạo hình...) đã đắc dụng chưa, là phương pháp tối ưu nhất chưa, có thêm một yếu tố mất trật tự vào trong các yếu tố trật tự chưa.

Tôi chợt nhớ lại câu nói của một phóng viên ảnh AP (Mỹ) - trong khóa học IMMF (Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương) cho các phóng viên ảnh VN - từng nói: “Trong một sự kiện, hầu như các phóng viên ảnh VN đều chụp giống nhau, không có sự sáng tạo cá nhân riêng biệt!”.

Ảnh báo chí VN dự thi năm nay cũng thiếu những bức anh mang tính khoảnh khắc quyết định, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ cho ban giám khảo. 

Việc nhóm tác giả đứng chung vào những nhóm ảnh, phóng sự ảnh, có lẽ cũng nên quy định chỉ nên 2 tác giả là tối đa, bởi lẽ một nhóm có tới 4 tác giả cùng thực hiện đề tài theo kiểu “đánh đồng đội” thì vừa không công bằng,vừa khó tạo ra sự nhất quán về tư duy cho 1 bộ ảnh.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.