|
Được thành lập với mục tiêu bảo vệ trái đất khỏi sự tấn công của tiểu hành tinh, Tổ chức B612 đã rút ra kết luận trên sau khi phân tích dữ liệu thu thập được từ hệ thống theo dõi thế giới, tức mạng cảm biến quy mô toàn cầu được thiết lập dựa trên Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Theo IBT, các kết quả do cảm biến thu được cho thấy có đến 26 vụ nổ mạnh hơn 1 kiloton TNT được phát hiện từ năm 2001, “và tất cả những vụ này đều xuất phát từ tiểu hành tinh”, theo cựu phi hành gia Ed Lu, giờ là CEO của tổ chức trên. Peter Brown, nhà vật lý học của Đại học phương Tây ở Ontario, là người đã phân tích dữ liệu, và sẽ trình bày chi tiết phát hiện của mình tại sự kiện họp báo nhân Ngày trái đất 22.4 tại Bảo tàng Hàng không Seattle.
“Nghiên cứu cho thấy các vụ va chạm tiểu hành tinh không những chẳng hiếm mà trên thực tế còn phổ biến gấp 3 đến 10 lần so với dự đoán trước đây”, theo CEO Lu. “Việc chẳng có vụ va chạm nào được phát hiện trước khi chúng xảy ra là chứng cứ cho thấy, chỉ có sự may mắn mới giúp chúng ta thoát khỏi sự tấn công của một tiểu hành tinh đủ sức thổi bay cả thành phố”, ông nói tiếp. Tổ chức B612 đang bắt tay với Công ty Không gian cầu, nhà sản xuất phi thuyền, linh kiện và thiết bị quốc phòng, để chế tạo một kính viễn vọng không gian có thể phát hiện các tiểu hành tinh với quỹ đạo như sao Kim xung quanh hệ mặt trời. Sứ mệnh kính thiên văn không gian hồng ngoại Sentinal dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2018, với chi phí dự trù vào khoảng 400 triệu USD. “Mục tiêu của sứ mệnh B612 Sentinel là phát hiện và theo dõi các tiểu hành tinh nhiều thập niên trước khi chúng đâm vào trái đất”, ông Lu cho biết.
Hiện dự án chủ yếu dựa trên các nguồn ủng hộ tư nhân, chẳng hạn như băng nhạc rock Broken Bells tuyên bố ủng hộ 1 USD/vé bán trong chuyến biểu diễn dọc theo bờ Tây Mỹ, và một vài cựu phi hành gia như Bill Anders và Tom Jones cũng góp phần ủng hộ kế hoạch tuyên truyền của B612.
Hạo Nhiên
>> NASA treo giải về tiểu hành tinh
>> Hiểm họa tiểu hành tinh kép
>> NASA mở cuộc thi 'săn' tiểu hành tinh
>> Các tiểu hành tinh liên tục lướt sát trái đất
>> Tiểu hành tinh giẫy chết
Bình luận (0)