|
Lien Foundation, tổ chức từ thiện có tiếng ở Singapore, vừa công bố kết quả khảo sát trên 1.006 người được thực hiện trong năm 2013 cho thấy 77% số người được hỏi nói rằng họ muốn trải qua những ngày cuối đời ngay tại nhà.
Tuy nhiên, theo thống kê của Cơ quan đăng ký hộ tịch quốc gia, trong năm 2013, chỉ có 27% người chết được thỏa mãn ước nguyện này, báo Straits Times cho hay.
Trong khi chính phủ Singapore ra sức vận động người dân vui sống tuổi già và ra đi bên cạnh con cháu, làng xóm, thì thực tế nói trên là điều khiến nhiều người suy nghĩ.
Bác sĩ R. Akhileswaran, Chủ tịch Hội đồng chăm sóc bệnh nhân ngoại trú, cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên có thể là vì sức khỏe của bệnh nhân có những diễn biến bất thường, buộc họ phải nhập viện để được điều trị những biến chứng, kể cả đối với những trường hợp “bác sĩ bó tay”.
Tuy vậy, theo Lien Foundation, trong số những bệnh nhân “chết không toại nguyện”, có rất nhiều người lẽ ra nên được chăm sóc, dùng thuốc giảm đau lẫn hỗ trợ tinh thần tại nhà khi bệnh đã vào giai đoạn cuối (gọi ngắn gọn là home palliative care - HPC), thay vì nằm bệnh viện hay vào trung tâm bệnh nhân ngoại trú (Hospice).
Thiếu thông tin
Theo báo Straits Times, đối với bệnh nhân giai đoạn cuối, chi phí nằm viện có thể lên đến 500 SGD/ngày (8,5 triệu đồng/ngày), còn chi phí ở Hospice là 300 SGD/ngày, trong khi HPC là hoàn toàn miễn phí.
Sở dĩ HPC miễn phí là do chính phủ Singapore khuyến khích những bệnh nhân giai đoạn cuối về nhà nghỉ dưỡng cho đến khi qua đời để giảm bớt tình trạng quá tải ở các bệnh viện công.
Tuy vậy, nhiều người Singapore không nắm được thông tin nên lo sợ rằng việc các cơ sở y tế cử người đến tận nhà chăm sóc bệnh nhân sẽ rất đắt đỏ.
Trên thực tế, theo Trung tâm bệnh nhân ngoại trú HCA Hospice Care, để chăm sóc một bệnh nhân tại nhà trong vòng 1 năm, cơ sở này chỉ chi khoảng 1.500 SGD.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, do quy mô gia đình ngày nay bị thu hẹp với số người ít ỏi, thân nhân cũng lo lắng bệnh nhân nằm nhà không được chăm sóc đầy đủ bởi người thân.
Tuy nhiên, theo bà Ann Lee, 37 tuổi, có chồng chết vì bệnh ung thư cách đây 3 năm, việc đội ngũ gồm bác sĩ, y tá và nhân viên hoạt động xã hội đến nhà chăm sóc chồng bà ít nhất mỗi tuần một lần vào giai đoạn cuối đã “tạo ra sự khác biệt”.
“Chúng tôi thật sự biết ơn sự hỗ trợ y tế lẫn tinh thần mà họ đem lại. Điều đó giúp chồng tôi có những ngày tháng cuối đời thật sự chất lượng nhờ sự gần gũi với 2 đứa con thơ”, bà Ann Lee nói.
Giám đốc Lien Foundation, ông Lee Poh Wah, nói: “Chúng ta cần phải thay đổi thực trạng nhiều người chết trong các cơ sở y tế một cách không cần thiết”.
Theo ông này, cần có một điều phối viên có nhiệm vụ kết nối giữa bệnh viện với các cơ sở cung cấp dịch vụ HPC để sắp xếp cho bệnh nhân giai đoạn cuối sớm xuất viện và được chăm sóc tại nhà.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Phố đèn đỏ Geylang, Singapore - Kỳ 1: Nỗi ám ảnh của cảnh sát đảo sư tử
>> Phố đèn đỏ Geylang, Singapore - Kỳ 2: Tràn lan gái đứng đường, thuốc kích dục
>> Phố đèn đỏ Geylang, Singapore - Kỳ 3: Nghịch lý phố đèn đỏ
>> Phố đèn đỏ Geylang, Singapore - Kỳ 4: Sáng, tối góc người Việt
>> Singapore không nhận danh hiệu 'đắt đỏ nhất thế giới
>> Singapore nhờ công ty 'săn đầu người' kéo 'Sing kiều' về nước
>> Chấn động vụ bắt cóc, tống tiền mẹ của tỉ phú ở Singapore
Bình luận (0)