Võ Bẩm - Vị tư lệnh đầu tiên mở đường huyền thoại Trường Sơn

Điểm xuất phát con đường huyền thoại Hồ Chí Minh tại đâu?

28/05/2024 06:31 GMT+7

Đầu tháng 6.1959, ông Võ Bẩm trực tiếp vào Hồ Xá - Vĩnh Linh chủ trì cuộc họp cụ thể việc mở đường vào Nam với đại diện Khu 5 và Trị - Thiên. Nhưng khi bàn đến nhiệm vụ, mọi người đều bức xúc vì sao Đoàn 559 chỉ dừng lại bờ bắc mà không vượt qua bờ nam sông Bến Hải?

Cuối cùng tất cả biểu quyết đề đạt nguyện vọng lên Bộ Chính trị cho đoàn chuyển hàng vào sâu hơn nữa. Ý kiến này đã được chấp thuận. Cuộc họp quan trọng này, dù diễn ra bí mật nhưng biệt kích địch vẫn phát hiện, đài Sài Gòn có đưa tin nhưng chúng không nắm rõ nội dung. Bộ Công an lập tức tìm biện pháp đối phó, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân nên đã phát hiện ra tên gián điệp của Tàu Tưởng nằm vùng nấp trong vỏ bọc thợ sửa radio...

Sau đó, Đoàn 559 tổ chức ngay đội khảo sát mở tuyến do Đoàn trưởng Võ Bẩm trực tiếp chỉ huy.

Lâu nay đã có nhiều ý kiến tranh luận, trao đổi nhằm làm sáng tỏ một sự kiện của lịch sử là vị trí đầu tiên mà Đoàn 559 đã chọn để làm điểm xuất phát của đường huyền thoại Hồ Chí Minh tại đâu.

Điểm xuất phát con đường huyền thoại Hồ Chí Minh tại đâu?- Ảnh 1.

Ông Võ Bẩm, người đi đầu trong một chuyến khảo sát đường Trường Sơn

Gia đình cung cấp

Trong hồi ký Những nẻo đường kháng chiến, ông Võ Bẩm cho biết: Qua tìm hiểu địa hình tây nam Quảng Bình, miền tây Vĩnh Linh và Trị - Thiên, để đảm bảo bí mật lại tránh được những nơi núi non quá hiểm trở, kết hợp nghiên cứu con đường do Lữ đoàn 270 của Quân khu 4 mở để cơ động lực lượng phòng thủ khu vực giới tuyến, chúng tôi quyết định chọn Khe Hó làm điểm xuất phát cho tuyến giao liên vận tải Trường Sơn.

Khe Hó là một lạch nước sâu, nhỏ, ở dưới chân dãy núi Động Nóc, gần thượng nguồn rào Thanh, tây nam Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị); cách nông trường Bãi Hà non 1 cây số về phía tây nam; cách giới tuyến quân sự tạm thời không xa. Từ Khe Hó, theo bước chân của người đồng chí Vân Kiều, chúng tôi phát triển theo hướng tây nam, qua làng Mít, vượt đỉnh 1001, đỉnh 1600, vượt sông Bến Hải, qua đỉnh 1701 còn gọi là động Voi Mẹp - động Hàm Nghi. Địa danh này là chứng tích của một thời đất nước đang cơn bĩ cực…

Từ động Hàm Nghi, chúng tôi chủ trương vạch một lối sang Chăng Hin, động Cà Lư, Cát Sứ, Rào Quán, vượt đường số 9, qua Đá Bàn, vào Tà Riệp, Pa Lin (tây nam Thừa Thiên)...

Về điều kiện tự nhiên, địa hình Trường Sơn nói chung và khu vực nam - bắc sông Bến Hải nói riêng đa phần hiểm trở; rừng nguyên sinh che phủ hoạt động vận chuyển trên mặt đất, giúp ta giành thế chủ động đối phó với kiểu chiến tranh ngăn chặn của địch. Nhưng địa bàn nơi đây chia cắt mạnh, gây nhiều khó khăn cho hoạt động vận chuyển của ta.

Địa hình bắc - nam sông Bến Hải sông suối dày đặc. Đỉnh Trường Sơn như nóc nhà. Sông suối phát nguồn từ đỉnh núi hoặc đổ về phía đông, chảy ra biển; hoặc trườn qua triền tây, đổ vào sông Mê Kông. Từ thượng nguồn, sông suối nơi đây có độ chênh rất lớn, lắm thác ghềnh. Mùa khô, đa phần sông suối cạn kiệt, nhưng vào mùa mưa, chỉ cần vài trận mưa rào, bỗng chốc chúng trở nên hung hãn, có thể cuốn phăng mọi thứ. Dưới chân các dãy núi thường là những thung lũng hẹp.

Vào mùa mưa, gặp những cơn mưa to rất dễ biến thành những "túi nước" khổng lồ, chia cắt núi đồi thành những khu biệt lập. "Túi nước" là hiểm họa, nỗi kinh hoàng của những ai qua đây. Cộng vào đó, sự nghiệt ngã của khí hậu vùng rừng nhiệt đới gió mùa hoang sơ là môi trường lý tưởng cho các loại ký sinh trùng gây bệnh, đặc biệt là bệnh sốt rét. Rồi muông thú, cọp beo rình rập...

Vì nguyên tắc tuyệt mật, tuyến giao liên ban đầu phải tránh xa các bản làng... và vì yêu cầu bảo đảm sự bí mật tuyệt đối, khi khảo sát xoi đường, chúng tôi không đi theo những lối mòn, mặc dù điều đó rất thuận lợi, mà tìm lối đi mới ở bình độ cao hơn. Điều chúng tôi đúc kết thành một nguyên tắc cho mọi hành động lúc này là "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" (tr.118 - 122).

Điểm xuất phát con đường huyền thoại Hồ Chí Minh tại đâu?- Ảnh 2.

Bộ đội mở đường Trường Sơn

Gia đình cung cấp

Sau khi khảo sát xong, việc vận chuyển vũ khí được tiến hành gấp rút. Có một chi tiết không mấy người biết là 20 tấn vũ khí chiến lợi phẩm thu được trong kháng chiến chống Pháp thì loại súng như súng trường Mat, súng tiểu liên Tuyn của Pháp, Mỹ sản xuất đều phải hiệu chỉnh, sửa chữa lại; còn súng của Liên Xô, Trung Quốc, Hungary... sản xuất đều phải tẩy xóa hết dấu vết nhãn mác, ký hiệu.

Không những thế, ông Võ Bẩm cho biết thêm: Đề phòng trong quá trình vận chuyển gặp mưa gió, thậm chí gặp địch phải giấu xuống nước mà không bị hư hỏng, chúng tôi dùng vải có nhúng paraphin bọc kín súng sau khi bôi mỡ khắp lượt; ngoài cùng quấn 3 lớp vải chống ẩm; sau đó vùi xuống sông Tô Lịch mấy ngày đêm. Khi vớt lên, tháo bọc vải, súng vẫn khô nguyên.

Các chiến sĩ tham gia vận tải vũ khí đợt đầu tiên trên danh nghĩa họ là công nhân khai thác gỗ hoặc công nhân của công trường chăn nuôi bò. Để tự vệ, cán bộ được trang bị súng ngắn, còn chiến sĩ mỗi tiểu đội chỉ phát 3 khẩu tiểu liên. Tất cả đều mặc áo bà ba đen, đội mũ lá, chân mang dép cao su, không dùng ba lô mà đeo gùi mây như đồng bào Vân Kiều; chỉ được nấu cơm vào ban ngày, ban đêm hạn chế tối đa việc sử dụng đèn pin; và nếu trên đường đi chẳng may bị địch phục kích bắt thì tự nhận là cán bộ nằm vùng để giữ bí mật tuyến giao liên.

Qua kết quả tuyến đường đã khảo sát, từ Khe Hó vào Tà Rụt, bắc A Lưới (tây Thừa Thiên) được chia thành cung đường, và mọi hoạt động vận tải vũ khí chỉ diễn ra vào ban đêm. Ngày 13.8.1959, chuyến hàng đầu tiên của Đoàn 301, Đoàn 559 chính thức vượt Trường Sơn. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.