Ông Sarea còn tuyên bố Houthi nhằm mục tiêu vào “một số tàu khu trục Mỹ ở biển Đỏ và vịnh Aden bằng 37 máy bay không người lái”, theo Reuters. Cuộc tấn công lần này của Houthi là một trong những đợt oanh tạc lớn nhất kể từ khi nhóm tấn công tàu thuyền qua biển Đỏ, khu vực quan trọng đối với thương mại thế giới.
Vài ngày trước đã xảy ra những trường hợp có nạn nhân thiệt mạng đầu tiên vì những vụ tấn công này, trong đó có cả người Việt Nam.
Và ngay sau tuyên bố của Houthi, lực lượng Mỹ, Pháp và Anh cho biết đã bắn hạ các UAV do lực lượng này phóng đi ở khu vực biển Đỏ trong đêm và ngày 9.3.
Tại Gaza, nơi Israel đang tiến hành chiến dịch quân sự chống lực lượng Hamas, trong hôm 9.3 Israel tuyên bố diệt thêm hàng chục thành viên Hamas. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Hamas tuyên bố nhóm này sẽ không nhượng bộ đối với đòi hỏi lực lượng Israel phải rút hết quân khỏi Gaza để đổi lấy việc trao trả con tin.
Phát ngôn viên này cũng cho biết Hamas mong muốn người dân Gaza được cứu trợ và những người bị buộc di dời được trở về nhà.
Ai Cập, Mỹ và Qatar đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán ngừng bắn kể từ tháng 1. Thỏa thuận cuối cùng đạt được là tạm dừng giao tranh kéo dài một tuần vào tháng 11, trong đó Hamas thả hơn 100 con tin và Israel trả tự do cho số tù nhân Palestine nhiều gấp ba lần.
Reuters dẫn một nguồn tin từ Ai Cập cho hay cuộc đàm phán sẽ nối lại trong ngày 10.3.
Cơ quan tình báo Mossad của Israel cùng ngày nói rằng những nỗ lực nhằm đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza vẫn đang được tiến hành, bất chấp hy vọng về một lệnh ngừng bắn trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo đang mờ dần.
Giám đốc Mossad David Barnea đã gặp người đồng cấp Mỹ, Giám đốc CIA William Burns, để thúc đẩy thỏa thuận sẽ thả các con tin. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông Burns vẫn ở lại khu vực.
Chuyển sang tình hình xung đột Nga-Ukraine. Trang tin Politico ngày 9.3 khi bình luận về chuyến thăm của Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne tới Lithuania đã nhận định Pháp đang xây dựng một liên minh gồm các quốc gia sẵn sàng gửi quân phương Tây đến Ukraine.
Tại cuộc họp báo với những người đồng cấp Lithuania và Ukraine vào ngày 8.3, Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh khả năng gửi quân NATO đến Ukraine để giải quyết vấn đề rà phá bom mìn và sẽ không tham gia vào các hoạt động tấn công.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó đã đề cập đến khả năng quân đội NATO có thể được điều tới Ukraine. Politico cho biết phần lớn các nước châu Âu, bao gồm Đức, Ba Lan và CH Czech, đã bác bỏ ý tưởng của Pháp, trong khi các nước vùng Baltic “cởi mở hơn nhiều” với khả năng này.
Tổng thống Macron cho biết, các lãnh đạo phương Tây đã thảo luận về phương án đưa quân vào Ukraine. Dù chưa đạt được đồng thuận, song phương Tây không loại trừ kịch bản đưa quân đến Ukraine và họ sẽ làm mọi việc có thể để ngăn Nga giành chiến thắng ở Ukraine.
Trong khi đó, nỗ lực tìm cách chấm dứt xung đột vừa được Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra. Tổng thống Tayyip Erdogan hôm 9.3 cho biết nước này sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Ukraine và Nga để chấm dứt xung đột.
Thông báo này được đưa ra sau khi ông Erdogan có cuộc cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ở Istanbul. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những diễn biến trong cuộc chiến Ukraine-Nga, an ninh vận chuyển ở biển Đe và hợp tác công nghiệp quốc phòng.
Tuy nhiên Tổng thống Zelensky đã bác bỏ ý tưởng của Tổng thống Erdogan về việc tổ chức một hội nghị hòa bình có sự tham gia của Nga.
Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 10.3.2024 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)