Điểm xung đột: Israel dùng nhiều bom 'ngu' ở Gaza; EU quyết định lịch sử về Ukraine

Điểm xung đột: Israel dùng nhiều bom 'ngu' ở Gaza; EU quyết định lịch sử về Ukraine

15/12/2023 23:46 GMT+7

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc thảo luận về cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích Israel về cuộc tấn công tàn khốc ở Gaza và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Nước này cũng chỉ trích sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Israel, cụ thể là từ Mỹ.

Mỹ là đồng minh thân cận nhất của Israel, và đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ quyền tự vệ của Israel sau khi lực lượng Hồi giáo Hamas tấn công bất ngờ miền nam Israel vào ngày 7.10. Tuy nhiên Washinton đã tăng cường kêu gọi Tel Aviv hành động kiềm chế hơn, khi xung đột hai bên đã khiến gần 19.000 người thiệt mạng và biến phần lớn Dải Gaza thành đống đổ nát.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết ông đã nói với ông Biden rằng Mỹ có trách nhiệm lịch sử trong việc đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza, điều này có thể được đảm bảo nếu họ cắt giảm sự hỗ trợ vô điều kiện cho Israel.

Nhà Trắng cho biết ông Biden “nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với quyền tự vệ của Israel” nhưng cũng nhấn mạnh mong muốn của người Palestine về một nhà nước trên lãnh thổ do Israel chiếm đóng.

Israel đang hứng chịu sức ép quốc tế ngày càng lớn trong bối cảnh điều kiện sống của dân thường Palestine ở Gaza mỗi phút giây trôi qua lại càng tệ hơn. Những trận mưa mùa đông đã làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo ở nơi phần nhiều cư dân đã phải chạy loạn và sống tạm bợ trong lều trại, trong khi nguồn cung cấp thực phẩm, nước uống, thuốc men và nhiên liệu sắp cạn kiệt.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ nhận định Gaza giờ đang đối mặt một thảm họa y tế công cộng do hệ thống y tế sụp đổ và dịch bệnh lây lan.

Trong khi đó, lãnh đạo cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine của LHQ Philippe Lazzarini cho rằng người dân Gaza đang “đối mặt chương đen tối nhất trong lịch sử của họ”, đồng thời cảnh báo cơ quan này sắp mất khả năng hoạt động tại đây sau khi hơn 130 nhân viên thiệt mạng.

Chuyển sang tình hình cuộc xung đột ở Ukraine. Một diễn biến đáng lưu ý là việc Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa bội siêu âm Kinzhal về phía thành phố Starokostiantyniv vào tối 14.12. Phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat không tiết lộ hậu quả của vụ tấn công.

Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng tên lửa bội siêu âm Kinzhal để tập kích Ukraine sau nhiều tháng. Starokostiantyniv là nơi có căn cứ không quân quan trọng của Ukraine, và là điểm đóng quân của phi đội cường kích Su-24M trang bị tên lửa dẫn đường Storm Shadow/SCALP-EG được Anh và Pháp viện trợ.

Truyền thông Ukraine sau đó thông báo ít nhất ba tiếng nổ lớn đã vang lên gần sân bay quốc tế Zhulyany ở thủ đô Kyiv, nơi triển khai trận địa tên lửa phòng không Patriot. Cơ quan quân sự thủ đô Ukraine cho hay tiêm kích MiG-31K Nga đã phóng tên lửa Kinzhal về phía thành phố và kêu gọi người dân tìm nơi trú ẩn.

Phát ngôn viên Ignat thì cho biết phòng không Ukraine đã bắn rơi một tên lửa Nga.

Ở hướng ngược lại, giới chức “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng cho biết quân đội Ukraine rạng sáng 15.12 phóng ba quả tên lửa vào thành phố Mariupol ở tỉnh Donetsk. Thông báo không đề cập mục tiêu bị tấn công, thiệt hại liên quan hay loại tên lửa mà phía Ukraine sử dụng.

Tuy nhiên, một tài khoản Telegram của Nga chuyên đưa tin về Mariupol cho hay vụ tập kích dường như được tiến hành bằng Tên lửa Lục quân Chiến thuật, loại vũ khí tấn công có tầm bắn xa nhất trong biên chế quân đội Ukraine hiện nay.

Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 15.12.2023 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.