Trận ném bom này đã làm thiệt mạng Muhsin Abu Zina, một chỉ huy đơn vị chế tạo vũ khí của Hamas. Theo IDF và Cơ quan An ninh Israel, ông Abu Zina phụ trách sản xuất “vũ khí chiến lược và rốc ket”, cũng như “đứng đầu đơn vị công nghiệp và chế tạo vũ khí” của Hamas.
Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên quân đội Israel, ngày 7.11 tuyên bố sẽ không có lệnh ngừng bắn nào với Hamas. Ông Hagari nói IDF đã tấn công hơn 14.000 mục tiêu tại Dải Gaza, phá hủy 100 cửa đường hầm và thu 4.000 đơn vị vũ khí, trong đó có rocket, được cất giấu trong khu vực.
Truyền thông Palestine cũng đưa tin về các cuộc đụng độ giữa phiến quân và lực lượng Israel gần trại tị nạn al-Shati ở Thành phố Gaza. Reuters không thể xác minh tuyên bố của cả hai bên.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào cuối ngày 7.11 thông báo IDF đang tiến sâu vào Dải Gaza hơn những gì Hamas tưởng tượng. “Thành phố Gaza đang bị bao vây. Lực lượng chúng ta đang hoạt động tại đó và gây áp lực cho Hamas mỗi giờ, mỗi ngày", ông Netanyahu nói.
Trong một phát biểu khác, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant thông báo binh lính Israel đã tiến vào trung tâm thành phố Gaza và “đang thắt chặt thòng lọng”.
Israel đến nay vẫn chưa hình dung rõ ràng về kế hoạch dài hạn của mình đối với Gaza, một trong các khu vực mà người Palestine cư trú và coi là lãnh thổ “nhà nước tương lai”. Song Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ chịu trách nhiệm tổng thể về an ninh ở Gaza “trong một thời gian không xác định” sau chiến sự.
Ngay sau đó, Mỹ đã lên tiếng thể hiện không ủng hộ khả năng lực lượng Israel chiếm đóng lâu dài ở Gaza.
Chuyển sang các thông tin về tình hình chiến sự Nga-Ukraine. Hà Lan hôm 7.11 thông báo đang chuyển 5 tiêm kích F-16 đầu tiên tới căn cứ của Romania để huấn luyện phi công Ukraine.
Hà Lan dự kiến cung cấp 12-16 tiêm kích để huấn luyện phi công Romania và Ukraine. Bộ Quốc phòng Hà Lan tuyên bố số tiêm kích này “sẽ chỉ bay trong không phận NATO”.
Giới chức Ukraine cho rằng tiêm kích F-16 “sẽ tăng cường năng lực phòng không cho Ukraine”, hỗ trợ họ trong chiến dịch phản công nhằm đẩy lùi lực lượng Nga.
Tuy nhiên, Ukraine không chờ đến khi có F-16 mà trong thời gian qua đã sử dụng rất tốt tất cả các loại vũ khí mà phương Tây cung cấp. Một ví dụ mới nhất là việc lực lượng Kyiv bắn tên lửa hành trình vào Crimea, gây hư hỏng một chiến hạm tên lửa hoàn toàn mới của Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi người Ukraine tiếp tục đoàn kết, vài ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu rạn nứt giữa Phủ tông thống và Tổng tư lệnh quân đội Valery Zaluzhnyi.
Theo hãng tin Reuters ngày 7.11, Tổng thống Zelensky kêu gọi người Ukraine củng cố đất nước và không bị lôi kéo vào cuộc đấu đá nội bộ nguy hiểm có thể gây nguy hiểm cho nỗ lực chống lại Nga. Ông nói: “Mọi người nên nghĩ đến việc bảo vệ đất nước… Cần phải đoàn kết lại, tránh căng thẳng và chia rẽ vì các tranh chấp hoặc các ưu tiên khác. Nếu không có chiến thắng thì sẽ không có đất nước”.
Tổng thống Zelensky đưa ra lời kêu gọi trên sau khi có rạn nứt xuất hiện giữa giữa quan chức chính quyền và tướng Zaluzhnyi vào cuối tuần trước.
Ông Zaluzhnyi trong một bài trả lời phỏng vấn đã so sánh tình trạng cuộc xung đột hiện nay giống như tình trạng bế tắc trong Thế chiến I. Vài ngày sau, Tổng thống Zelensky tuyên bố không có bế tắc trong cuộc phản công chống lại Nga, còn một cố vấn đối ngoại của nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng những nhận xét của tướng Zaluzhnyi về cuộc xung đột là “rất kỳ lạ” và có thể có lợi cho Nga.
Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 8.11.2023 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)