Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có mặt ở Israel vào ngày 14 và 15.12. Các quan chức Mỹ nói với báo chí rằng ông Sullivan chuyển thông điệp của Mỹ thúc giục Israel giảm quy mô chiến dịch quân sự trên diện rộng và chuyển sang các hoạt động có mục tiêu hẹp hơn để đối phó các tay súng Hamas.
Với việc giao tranh dữ dội trên bộ lan rộng ở Dải Gaza và các tổ chức viện trợ cảnh báo về thảm họa nhân đạo, Tổng thống Mỹ Joe Biden đầu tuần này nói rằng Israel có nguy cơ mất đi sự hỗ trợ của quốc tế vì các cuộc không kích "bừa bãi" giết chết dân thường Palestine.
Tờ The New York Times dẫn lời 4 quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn Israel sẽ giảm quy mô chiến tranh sau khoảng 3 tuần nữa. Tuy nhiên, trước các phóng viên, ông Sullivan đã né tránh trả lời trực tiếp về thời điểm Washington muốn việc này diễn ra.
Ông nói rằng: "Khi nào điều đó xảy ra và trong những điều kiện chính xác nào, sẽ có một cuộc thảo luận chuyên sâu giữa Mỹ và Israel".
Tuy nhiên, trong chuyến thăm của ông Sullivan, các quan chức Israel đã công khai nhấn mạnh rằng họ sẽ tiếp tục chiến tranh cho đến khi đạt được mục tiêu đã nêu là loại bỏ Hamas.
Dù vậy, chính quyền Israel dường như đã có một nhượng bộ lớn khi thông báo sẽ mở tuyến đường chính dẫn vào Gaza để vận chuyển hàng viện trợ, lần đầu tiên kể từ khi giao tranh nổ ra.
Trong hôm 15.12 đã xảy ra một diễn biến khiến dư luận Israel sôi sục. Đó là việc Lực lượng Phòng vệ Israel thừa nhận binh sĩ nước này đã bắn nhầm làm chết 3 con tin người Israel ở phía bắc Dải Gaza. Hàng trăm người đã tụ tập biểu tình ở Tel Aviv để kêu gọi chính phủ giải cứu con tin.
Họ tuần hành về phía trụ sở quân sự của Lực lượng Phòng vệ Israel, và kêu gọi chính phủ khởi động những nỗ lực giải cứu con tin đang bị Hamas giam ở Gaza.
Đám đông hô vang: "Thời gian của họ sắp hết! Hãy đưa họ về nhà ngay bây giờ!", và "Sẽ không có chiến thắng cho đến khi những con tin cuối cùng được thả".
Người biểu tình cũng mang theo những tấm biển có ảnh, tên của con tin để kêu gọi trả tự do cho họ.
Lực lượng Hamas được cho là vẫn còn cầm giữ khoảng hơn 100 con tin, và những người thân của các con tin đang ngày đêm mong họ trở về.
Theo hãng tin AP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã lệnh cho tàu sân bay USS Gerald R. Ford và 1 tàu chiến khác ở lại biển Địa Trung Hải trong vài tuần nữa để duy trì sự hiện diện gần Israel, trong bối cảnh xung đột ở Dải Gaza vẫn tiếp diễn.
Đây sẽ là lần thứ ba việc triển khai của tàu sân bay này được gia hạn, cho thấy Mỹ rất lo ngại về tình hình xung đột ở Trung Đông. Washington có 2 tàu sân bay trong khu vực, điều hiếm thấy trong những năm gần đây.
Lầu Năm Góc đã tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực sau ngày 7.10 (thời điểm chiến sự Hamas-Israel nổ ra) để ngăn Iran mở rộng cuộc chiến thành xung đột khu vực.
Washington cáo buộc các tay súng được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria đã lợi dụng cuộc chiến ở Gaza để tiến hành các cuộc tấn công thường xuyên bằng tên lửa, máy bay không người lái và tên lửa vào các cơ sở quân sự của Mỹ ở đó.
Trong lúc đó, các tàu chiến của Mỹ ở biển Đỏ đã chặn các tên lửa do các tay súng Houthi bắn từ Yemen nhắm vào các mục tiêu ở Israel. Trong ngày 15.12, Washington cho biết Houthi đã tấn công 2 tàu thương mại trên biển Đỏ, theo Reuters.
Tính đến ngày 15.12, 19 tàu chiến của Mỹ hiện diện ở Trung Đông, trong đó có 7 tàu ở phía đông Địa Trung Hải và 12 tàu khác trải dài dọc biển Đỏ, băng qua biển Ả Rập và tiến vào vịnh Ba Tư.
Chuyển sang tình hình xung đột tại Ukraine. Không quân Ukraine hôm nay thông báo đã bắn hạ 30 trong số 31 UAV do Nga phóng vào nhiều khu vực trên toàn quốc.
Thủ đô Kyiv cũng bị tấn công. Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết các đơn vị phòng không đã lập tức phản ứng khi các nhóm UAV Nga bay trên vùng ngoại ô thành phố, với mục tiêu có thể là các khu vực gần trung tâm thủ đô.
Theo lời kể từ các nhân chứng, họ nghe thấy một loạt vụ nổ vang dội khắp Kyiv sau nửa đêm, khi các đơn vị phòng không đối đầu với UAV.
Đây là cuộc tập kích đường không kích thứ sáu vào Kyiv kể từ đầu tháng 12.
Giới chức Ukraine cho biết Moscow đang nhắm mục tiêu và cơ sở hạ tầng năng lượng và điện nhằm gây khó khăn tối đa cho Ukraine khi mùa đông khắc nghiệt ập đến. Trong khi đó Nga luôn phủ nhận việc tấn công dân thường hay cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine.
Mùa đông lại đến, đồng nghĩa với việc cuộc xung đột ở Ukraine sắp bước sang năm thứ 3 mà triển vọng chấm dứt vẫn còn quá xa vời. Ukraine phải tiếp tục củng cố quân đội cho thêm một năm chiến sự phía trước.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc một số người đang phục vụ trong quân ngũ không có nhiều cơ hội được ra quân. Và đối với người thân của những quân nhân như vậy, sức chịu đựng của họ đã gần cạn.
Hôm 15.12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với các phóng viên rằng một số cường quốc phương Tây ngày càng quan tâm đến giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Cụ thể, ông Lavrov nói: "Tôi không muốn và không có quyền nêu tên, nhưng một số lãnh đạo cấp cao, nổi tiếng của các nước phương Tây… đã vài lần, ít nhất là thông qua ba kênh liên lạc khác nhau, gửi tín hiệu với câu hỏi tại sao lại không gặp nhau và nói về những việc cần làm với Ukraine và an ninh châu u".
Ông Lavrov khẳng định Nga "luôn sẵn sàng thảo luận nghiêm túc về những vấn đề này", nhưng Kyiv là bên không sẵn sàng đàm phán.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng, bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải tính đến "lợi ích hợp pháp của Nga" và phải "chấm dứt nỗ lực xây dựng an ninh của mình nhưng gây tổn hại cho người khác", ám chỉ nỗ lực của Ukraine nhằm gia nhập khối NATO.
Bình luận (0)