Điểm xung đột: Thực hư thông tin Ukraine có F-16; Gaza trong cơn đói

Điểm xung đột: Thực hư thông tin Ukraine có F-16; Gaza trong cơn đói

28/12/2023 23:47 GMT+7

Theo một báo cáo cập nhật từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ vào cuối ngày hôm qua 27.12, quân đội Nga đang chủ động tiến công ở mặt trận Zaporizhzhia, và thậm chí đã giành lại kiểm soát một số vị trí chiến lược mà Ukraine từng giành được trong đợt phản công mùa hè.

Theo ISW, đây là các vị trí có "ý nghĩa chiến lược" với Ukraine, cho phép lực lượng nước này phát động tấn công từ phía sau các bãi mìn dày đặc nhất của Nga.

Tuy nhiên, ISW cũng đánh giá việc Nga tái kiểm soát các vị trị này này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở thời điểm hiện tại

Giới chức Nga, Ukraine chưa bình luận về thông tin.

Những chiến công bắn rơi liên tiếp nhiều máy bay chiến đấu Nga trong tháng này, cùng với vụ phóng tên lửa gây hư hỏng nặng một tàu đổ bộ Nga ở Crimea ngay đêm Giáng sinh, đã làm dậy lên những lời đồn đoán rằng có lẽ Ukraine đã bí mật tiếp nhận và sử dụng chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. Báo Mỹ Newsweek thậm chí còn dẫn một nguồn tin ẩn danh để úp mở xác nhận thông tin rất giật gân này. Tuy nhiên, không quân Ukraine đã lên tiếng bác bỏ.

Trang The Kyiv Independent ngày 28.12 dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay nước này sẽ cung cấp thiết bị và vũ khí cho Ukraine trong gói viện trợ cuối thuộc các khoản ngân sách đã được phê duyệt.

Gói viện trợ mới trị giá 250 triệu USD gồm đạn và các bộ phận khác của hệ thống phòng không, đạn bổ sung cho hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 155mm và 105mm, đạn chống thiết giáp và hơn 15 triệu viên đạn.

Gói viện trợ này được cung cấp theo thẩm quyền của tổng thống, lấy vũ khí trực tiếp từ kho của Mỹ. Sáng kiến Hỗ trợ an ninh Ukraine cho phép Bộ Quốc phòng Mỹ mua từ các nhà sản xuất vũ khí đã được sử dụng hết.

Suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Joe Biden đã hối thúc các nhà lập pháp thông qua gói viện trợ bổ sung để cung cấp 61,4 tỉ USD viện trợ cho ngân sách quân sự của Ukraine.

Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Cộng hòa từ chối ủng hộ viện trợ bổ sung cho Ukraine và dùng điều này làm áp lực nhằm thông qua dự luật yêu cầu tăng cường chính sách biên giới với Mexico.

Thượng viện Mỹ đã cố gắng đạt thỏa thuận về gói viện trợ trước kỳ nghỉ cuối năm nhưng vẫn chưa đạt kết quả. Dự kiến thượng viện sẽ bỏ phiếu về việc viện trợ thêm cho Ukraine vào đầu năm 2024.

Kể từ đầu chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Washington đã viện trợ quân sự cho Kyiv 46,2 tỉ USD. Sự phụ thuộc của Ukraine vào viện trợ, đặc biệt là từ Mỹ, lớn đến mức các quan chức tình báo phương Tây cho rằng nếu không còn viện trợ, khả năng cầm cự của lực lượng Kyiv chỉ còn tính bằng tháng.

Về tình hình ở Dải Gaza thì trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo ngày càng trở nên nghiêm trọng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 27.12, trong đó ông đã yêu cầu "lệnh ngừng bắn lâu dài" ở Gaza.

Tổng thống Macron đã bày tỏ với Thủ tướng Israel về "mối quan ngại sâu sắc nhất" của ông liên quan cái chết của dân thường và tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.

Ông Macron cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp nhằm chấm dứt bạo lực của những người định cư Israel chống lại dân thường Palestine và ngăn chặn các khu định cư mới theo kế hoạch.

Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu cho hay trong cuộc gọi, ông Netanyahu đã cảm ơn ông Macron vì "sự tham gia của Pháp trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và sự sẵn sàng giúp khôi phục an ninh dọc biên giới Israel-Li Băng".

Và những cuộc đấu pháo diễn ra liên tục tại vùng biên giới Israel-Li Băng đang làm tăng nguy cơ cuộc xung đột sẽ lan dần ra bên ngoài Dải Gaza.

Những gì đang xảy ra ở Dải Gaza đã trở thành đề tài cho một cuộc đấu khẩu quyết liệt giữa lãnh đạo hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Trong một sự kiện ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ Ankara hôm 27.12, Tổng thống Tayyip Erdogan ví các cuộc tấn công của Israel vào Gaza giống như cách Đức Quốc xã đối xử với người Do Thái trong Thế chiến II, Reuters đưa tin.

Ông nói: "Israel chỉ trích Hitler. Họ có gì khác biệt với Hitler đâu?".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói: "Israel nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây. Mọi loại hỗ trợ đều đến từ Mỹ. Và họ đã làm gì với tất cả sự hỗ trợ này? Họ đã giết chết hơn 20.000 người Gaza".

Ông Erdogan nói thêm rằng các nước phương Tây ủng hộ Israel đã "đồng lõa" với cái mà ông gọi là "tội ác chiến tranh".

Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ giải pháp hai nhà nước và đã từng cho rằng chính phủ của ông Netanyahu phải bị xét xử tại các tòa án quốc tế.

Ông Netanyahu phản bác bằng cách nói rằng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không phải là người có quyền "lên lớp" Israel. Ông nhắc đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cuộc xung đột của nước này với nhóm vũ trang người Kurd.

Trong khi các lãnh đạo chỉ trích lẫn nhau, dân thường tại Dải Gaza vẫn tiếp tục sống trong những ngày tháng khốn cùng nhất. Đối với họ, nỗi lo lớn nhất mỗi ngày là giữ được tính mạng, và tìm được chút đồ ăn thức uống.

Khoảng 2,4 triệu người ở Gaza đã gặp phải tình trạng thiếu nước, thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men trầm trọng, trong khi rất ít hàng viện trợ được đưa vào lãnh thổ này, theo AFP. Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 1,9 triệu người dân Gaza đã phải rời bỏ nhà của họ kể từ khi xung đột bùng nổ.

Tổ chức Y tế Thế giới trong một tuyên bố hôm qua cho hay: "Những người đói lại chặn đoàn xe của chúng tôi... với hy vọng tìm được thức ăn". WHO cho biết thêm: "Khả năng của WHO cung cấp thuốc, vật tư y tế và nhiên liệu cho các bệnh viện đang ngày càng bị hạn chế vì nạn đói và sự tuyệt vọng của nhiều người dân trên đường đến và trong các bệnh viện mà chúng tôi tiếp cận".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.