Báo cáo tối 7.11 của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết đã có 140 cuộc đụng độ đã diễn ra dọc theo chiến tuyến. Quân đội Nga đang tập trung nỗ lực chính vào hướng Kurakhove, đồng thời cũng đang tích cực tiến công ở Pokrovsk và Lyman.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine nói quân đội nước này đã đẩy lùi hầu hết các đợt xung phong của Nga trên hướng Kharkiv, Kupyansk, Liman, Siversk, Kramatorsk, Toretsk, Vremovsky, Orikhiv. Lực lượng Ukraine cũng tiếp tục hoạt động trên mặt trận Kursk.
Nhưng rạng sáng 8.11, các nhà phân tích thuộc trang theo dõi DeepState của Ukraine đưa tin đối phương đã giành được Novoalekseevka. Ngoài ra, Nga còn phát triển ở gần Novodmitrovka, Novoaleksandrovka và Maksimovka thuộc vùng Donetsk.
Khi nước Mỹ sắp có tổng thống mới, dù là một gương mặt quen thuộc, thì cả Nga và Ukraine đều đang chuẩn bị cho các kịch bản tiếp theo của cuộc xung đột hiện sắp bước sang năm thứ 4. Trong khi Moscow cho rằng phương Tây nên thừa nhận Nga đang thắng và đàm phán, thì Ukraine lại kêu gọi cả châu Âu đồng lòng trong việc đối phó Nga.
Cùng lúc đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu phải khẳng định sự độc lập về an ninh của mình trước Mỹ và bảo vệ lợi ích của khối trước các đối thủ địa chính trị.
Hãng AFP ngày 7.11 dẫn lời Tổng thống Pháp phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu tại Budapest (Hungary) rằng “Chúng ta không nên giao phó mãi vấn đề an ninh của mình cho nước Mỹ”.
Ông lập luận rằng nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump sẽ chính đáng bảo vệ lợi ích của người dân Mỹ, đồng thời đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta đã sẵn sàng bảo vệ lợi ích của người dân châu Âu chưa?”.
Đây không phải là lần đầu tiên vị tổng thống Pháp đưa ra bình luận như vậy. Hồi tháng 4, ông Macron cũng kêu gọi châu Âu cần phải sản xuất lá chắn tên lửa, tên lửa đất đối không tầm xa và các mặt hàng khác để xây dựng một hệ thống phòng thủ đủ mạnh mẽ.
Hội nghị thượng đỉnh tại châu Âu diễn ra trong bối cảnh ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ lần thứ 47. Các nhà lãnh đạo khác tại hội nghị cũng có thông điệp tương tự về việc tự tăng cường quốc phòng và an ninh chung châu Âu. Theo Reuters, đây được cho là một tín hiệu rõ ràng gửi tới Tổng thống đắc cử Mỹ, người đã nhiều lần chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Mối quan hệ giữa ông Trump và NATO có được cải thiện không? Tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ ra sao? Kính mời quý vị cùng đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 8.11.2024 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)