Thông báo được đưa ra khi ông Austin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov tại Lầu Năm Góc. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cung cấp hơn 50 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine từ năm 2022. Tuần trước, Nhà Trắng thông báo sẽ gửi 150 triệu USD vũ khí và đạn dược cho Kyiv, gồm các tên lửa phòng không HAWK và đạn pháo 155 mm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren trong lá thư gửi quốc hội được công bố ngày 1.7 cho biết chính phủ đã hoàn tất khâu chuẩn bị và sẽ sớm chuyển chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine. Hà Lan là một trong những nước hứa cung cấp loại máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Theo bà Ollongren, đợt đầu tiên trong số 24 chiếc F-16 mà Hà Lan hứa sẽ sớm được chuyển đến Ukraine.
Giữa lúc nhiều đồng minh phương Tây tiếp tục ồ ạt viện trợ cho Ukraine thì trong chuyến thăm Kyiv, thủ tướng Hungary, nước hiện là thành viên NATO, lại thẳng thắn tuyên bố rằng cuộc xung đột đang xảy ra “không phải cuộc chiến của chúng tôi”.
Một quan chức cấp cao của Ukraine hôm 2.7 cho biết Kyiv hiện không đồng ý thỏa hiệp với Nga và cũng không muốn nhượng bộ lãnh thổ để chấm dứt xung đột.
Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky Andriy Yermak đã đưa ra câu trả lời trên khi được hỏi về tuyên bố của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông có thể nhanh chóng chấm dứt xung đột.
Ông Yermak nói nói với các phóng viên trong chuyến thăm Washington rằng Kyiv sẽ lắng nghe bất kỳ lời khuyên nào về cách đạt được "hòa bình công bằng" trong xung đột. Nhưng ông nhấn mạnh Ukraine “chưa sẵn sàng thỏa hiệp vì những điều và giá trị rất quan trọng… độc lập, tự do, dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền”.
Bình luận của ông Yermak được đưa ra trong bối cảnh Kyiv không có bước tiến nào đáng kể trên chiến trường mà lại đang trên bờ vực vỡ nợ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vedant Patel cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak hôm 2.7 đã thảo luận về ý định của các thành viên NATO nhằm đưa Ukraine đến gần hơn với liên minh.
Cuộc gặp của họ ở Washington diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần tới. Tại đây, Ukraine hy vọng sẽ nhận được nhiều đảm bảo hơn từ liên minh về tấm vé thành viên.
Ông Blinken cho biết Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO và hội nghị thượng đỉnh sẽ "giúp xây cầu" để Kyiv đạt được điều đó.
Ông Patel nói: "Họ đã nói về một số vấn đề, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Washington và ý định của các đồng minh nhằm đưa Ukraine đến gần hơn với tư cách thành viên NATO và giúp tăng cường khả năng của Ukraine để chống lại sự xâm lược của Nga".
Cũng tại cuộc gặp, ông Blinken và ông Yermak đã thảo luận về những nỗ lực của G7 nhằm tăng cường khả năng phục hồi của mạng lưới năng lượng của Ukraine.
Chuyển sang một thông tin khác, thưa quý vị, lực lượng Houthi mới đây tuyên bố đã tấn công một địa điểm ở Israel. Điều đáng lưu ý là Houthi tuyên bố đang phối hợp với các nhóm vũ trang ở Iraq để tấn công Israel nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine ở Gaza.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, phó thủ lĩnh Hezbollah Sheikh Naim Qassem nói rằng con đường chắc chắn duy nhất dẫn đến ngừng bắn ở biên giới Israel - Li Băng là lệnh ngừng bắn hoàn toàn cho cuộc xung đột Hamas - Israel ở Dải Gaza. Ông Qassem nhấn mạnh: "Nếu có lệnh ngừng bắn ở Gaza, chúng tôi sẽ dừng lại mà không có bất kỳ cuộc thảo luận nào".
Ông Qassem nói rằng sự tham gia của Hezbollah trong cuộc xung đột Hamas - Israel có thể xem như một "mặt trận hỗ trợ" cho đồng minh của họ là Hamas, và "nếu xung đột dừng lại, sự hỗ trợ quân sự này sẽ không còn tồn tại".
Tuy nhiên, ông Qassem nhấn mạnh nếu Israel chỉ thu hẹp lại các hoạt động quân sự mà không có thỏa thuận ngừng bắn chính thức và không rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, thì những tác động đối với xung đột biên giới Israel - Li Băng sẽ ít rõ ràng hơn.
Như quý vị cũng biết, các bên hòa giải quốc tế đang cố gắng đạt được một thỏa thuận nhằm đảm bảo các con tin bị Hamas bắt giữ ở Gaza được thả và đạt được một số hình thức ngừng bắn. Tuy nhiên, giữa Israel và Hamas còn bất đồng về mức độ tạm dừng trong giao tranh.
Hamas đã yêu cầu kết thúc xung đột chứ không chỉ là tạm dừng giao tranh. Ngược lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã từ chối cam kết chấm dứt vĩnh viễn xung đột cho đến khi Israel thực hiện được mục tiêu tiêu diệt khả năng quản lý và quân sự của Hamas, đồng thời đưa 120 con tin vẫn còn bị Hamas giam giữ về nước.
Trong hôm qua 2.7, lực lượng Israel tiếp tục ném bom một số khu vực ở phía nam Dải Gaza, buộc hàng nghìn người Palestine đã phải rời bỏ nhà cửa.
Một quan chức Nhà Trắng hôm 2.7 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến sẽ gặp nhau tại Washington vào cuối tháng 7.
Ông Netanyahu dự kiến sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 24.7 trong chuyến thăm Washington. Ông sẽ phát biểu trong một phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện.
Trong khi Mỹ duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel cả về mặt ngoại giao và cung cấp vũ khí trong bối cảnh cuộc chiến ở Gaza, ông Biden đôi khi bày tỏ lo ngại về hành vi của Israel. Tổng thống Mỹ từng gọi chiến dịch ném bom của Israel ở Gaza là bừa bãi. Trong cuộc gọi với Thủ tướng Netanyahu vào tháng 4 sau vụ sát hại các nhân viên cứu trợ, ông Biden kêu gọi Israel thực hiện thêm nhiều biện pháp để bảo vệ dân thường ở Gaza, đồng thời cho biết chính sách của Mỹ có thể thay đổi theo cách khác.
Đảng Cộng hòa đã chỉ trích ông Biden về điều này và cho biết đã kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho Israel. Ngược lại, nhiều thành viên thuộc đảng Dân chủ của ông Biden lại chỉ trích chính quyền đương kim tổng thống đang đồng lõa với các hành động giết hại dân thường của Israel.
Bình luận (0)