Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 2: Đạo diễn ở phim trường và trên... mây xanh

26/07/2012 03:00 GMT+7

Có thể hình dung rõ nét công việc bận rộn của một đạo diễn trên phim trường Sài Gòn cách đây hơn 40 năm theo lời kể của Lê Hoàng Hoa trong bút ký của ông về những ngày quay phim Chân trời tím từ cuối năm 1969.

>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở

Vứt cả xe hơi vào sọt rác

Cuối năm ấy ở Sài Gòn “có tất cả 21 hãng phim”, trong đó 7 hãng liên kết và hợp nhất thành hãng phim lớn lấy tên Liên Ảnh Công ty thực hiện tác phẩm điện ảnh đầu tiên của hãng: Chân trời tím, với kịch bản dựa vào tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Quang. Một trong 7 “cột trụ” của Liên Ảnh Công ty là ông Lưu Trạch Hưng - nguyên Giám đốc Hãng phim Mỹ Vân - người mà đạo diễn Lê Hoàng Hoa không bao giờ quên “câu nói vô cùng dễ thương” của ông ấy: “Nhớ nghe Hoa, mỗi thước phim là một miếng bít tết đó!”.

 Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Đạo diễn ở phim trường và trên... mây xanh
Lê Hoàng Hoa (thứ hai từ phải qua) trên trường quay phim Vết thù trên lưng ngựa hoang - Ảnh: đạo diễn cung cấp

Nói thế vì có nhiều thước phim đã quay nhưng không đúng ý đạo diễn, hoặc bị hỏng kỹ thuật phải bỏ đi làm lại, lắm lúc bỏ cả chục lần tốn kém lắm, tiếc lắm, vì như ông Mỹ Vân ví von mỗi thước phim (trắng) nhập khẩu ngang ngửa với giá của một đĩa thịt bò bít tết ở nhà hàng Caravelle. Mà “vô số” miếng bít tết như vậy đã bị vứt vào sọt rác! Song, muốn có những thước phim hay cũng đành chịu đánh đổi. Như cảnh Kim Vui đóng vai Liên hát playback đã “phải quay đi quay lại đến take thứ 4 tôi mới vừa ý”. Hoặc khi quay phân đoạn “tiền đồn” nằm trên ngọn đồi nhỏ cách Nha Trang 17 km về phía bắc, Lê Hoàng Hoa nhìn vào cái viewer nhỏ và “thấy như ở dưới (đồi) có một cái gì vương vướng”, hỏi ra biết là nhà để xe, liền nói với ông Mỹ Vân “cần phải phá bỏ nhà để xe ấy vì nó lọt vào khung hình chính của phân đoạn”. Ông Mỹ Vân đi tiếp xúc ban chỉ huy khu vực, 15 phút sau trở về lắc đầu bảo nếu phá bỏ nhà để xe kia hãng phim phải bồi thường 300.000 đồng. Số tiền ấy “đủ để mua một chiếc xe hơi” nên ông Mỹ Vân muốn đạo diễn đặt máy chỗ khác. Lê Hoàng Hoa không chịu, lẳng lặng bỏ về. Ra khỏi cổng một đoạn ngắn, ông Mỹ Vân bảo phụ tá đạo diễn là Bùi Nhật Quang rượt theo nói: “Đang phá nhà để xe”. Nghĩa là hãng phim đồng ý chi phí theo yêu cầu đạo diễn và lần đó không phải  “những miếng bít tết bị vứt vào sọt rác” mà là cả một chiếc xe hơi.

 

Sáng 25.7.2012, chúng tôi đến nhà riêng của đạo diễn Lê Hoàng Hoa ở  Q.3, TP.HCM, thấy cửa đóng (ông về thăm Việt Nam và ở một mình). Hàng xóm cho biết đêm 24.7 ông bị té ngã bất ngờ và sáng ra được xe cấp cứu chở vào bệnh viện. Chúng tôi liên hệ và biết thêm ông bị chấn thương xương chậu, phải qua cuộc phẫu thuật chỉnh hình và hiện đang nằm điều trị tại BV Phương Đông số 79  Thành Thái (Nguyễn Tri Phương nối dài), Q.10 - phòng 406.

Vào giai đoạn thu hình cuối cùng có mặt Hùng Cường (vai Phi), Bảo n, Hà Huyền Chi, Hoàng Cầm, tất cả phải làm việc “dưới cái nắng gay gắt không một bóng cây (...) có những cảnh phải quay đi quay lại cả chục lần vẫn chưa được”. Riêng một cảnh “quay từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng mới lấy được một “good take” - đó là cảnh Phi ngồi sau hàng rào bao cát. Tiền cảnh (foreground) là Phi, hậu cảnh (background) là vùng trời trước mặt Phi với rặng núi xa xa. Hiệu quả mà tôi muốn là một trái hỏa châu từ máy bay thả xuống rơi lơ lửng, tỏa ánh sáng lung linh trước mặt Phi”. Phải nhờ đến 3 máy bay cất cánh từ sân bay Biên Hòa ra Nha Trang thả hỏa châu lúc trời tối đến 10 giờ đêm nhưng vẫn không có trái nào “rơi đúng trước mặt Phi” như đã viết trong bản phân cảnh kỹ thuật, nên cần chờ đợt bay thứ hai thực hiện lại lần nữa lúc 1 giờ sáng. Thế là đoàn làm phim phải đợi ngoài trời suốt 3 tiếng đồng hồ dưới sương đêm và giữa hai cây spotlights 2.000 watts bật lên quét những luồng sáng trắng vào khung hình đã định sẵn trên một ngọn đồi khuya khoắt gần Nha Trang... 

Hình bóng Diệu Linh: “mỏng như một làn mây”

Trên chuyến bay từ Nha Trang về Sài Gòn “xen kẽ những ý nghĩ đan vào nhau trong đầu tôi (Lê Hoàng Hoa) là hình ảnh của Diệu Linh - hình ảnh nhẹ nhàng và mỏng như một làn mây. Không biết tôi bắt đầu thấy nhớ Linh từ lúc nào. Có lẽ từ hôm ăn sáng ở quán Tre trong passage Eden”. Ấy là buổi sáng sau đêm bấm máy phim Chân trời tím ở Continental, ông đã chở Diệu Linh đến quán Tre nói trên. Họ gọi hai phần ăn sáng với món nem chiên hột gà nổi danh ở quán đó, một tách cà phê đen cho ông và một ly cam vắt cho cô bé. Song, cái ngon ngọt của lần gặp ấy có sức sống vượt hẳn các món ăn trước mặt chính là những “câu hỏi không lời đáp” của họ:

- Em gọi ông là anh Hoa có được không?

- Tôi nhớ hình như cô nói cô 17 tuổi, vậy là tôi lớn hơn cô 19 tuổi, cô không thấy ngại khi gọi tôi bằng anh sao?

- Đây không phải là lần đầu một cô gái 17 tuổi (như em) gọi ông bằng anh phải không?

Phải. Có Hồng Hạnh 16 tuổi - một trong nhóm 7 nữ sinh học giỏi nhất trường Trưng Vương yêu ông, đã gọi ông bằng “anh” trước đó rồi.

Lần thứ nhất ngồi với nhau, ông chở Diệu Linh về nhà của cô, tại một biệt thự xinh xắn của dì ruột cô bé trên đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Lần thứ hai, họ gặp ở nhà hàng Thiên Nam đầu đường Lê Công Kiều, nơi có bán 6 món pizza rất ngon, cơm Rissotto, mì ống Alla Amatriciana, Aiglio Olio, với bánh tráng miệng tuyệt vời “Torta con frutti di bosco” - xong họ đến vũ trường Văn Cảnh cách đó không xa để lần đầu dìu nhau qua tiếng hát Lệ Thu. Và lần thứ ba này, khi chiếc DC6 chạm đất chầm chậm chạy trên đường băng Tân Sơn Nhất “tim tôi nhảy loạn lên không phải vì máy bay sốc mạnh mà vì tôi đang hồi hộp đợi chờ”:

Diệu Linh có đến không? (Còn tiếp)

Giao Hưởng

>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Chân trời tím và cuộc tình bất ngờ
>> Đạo diễn Lê Hoàng Hoa - Tình còn lai láng...
>> Đạo diễn Lê Hoàng Hoa: "Tôi đã làm phim theo đơn đặt hàng quá nhiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.