Ngành công nghiệp điện ảnh CHDCND Triều Tiên quá nhiều chuyện thú vị và mang đậm dấu ấn của các lãnh đạo nhà họ Kim.
Lãnh đạo Kim Jong-il đích thân chỉ đạo tại phim trường - Ảnh: Vice
|
Hồi giữa tuần, Hãng thông tấn KCNA dẫn tuyên bố từ Ủy ban Quốc phòng CHDCND Triều Tiên cảnh báo “sẽ có thảm họa chiến tranh” nếu Mỹ không rút lại lệnh trừng phạt mới nhằm vào nước này. Tuy nhiên, dù Bình Nhưỡng cương quyết phủ nhận nhưng Washington vẫn một mực khẳng định lực lượng tin tặc tinh nhuệ Triều Tiên đứng sau đợt tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào Hãng phim Sony Pictures để phản ứng bộ phim The Interview có nội dung nhạo báng lãnh đạo Kim Jong-un. Căng thẳng leo thang trong thời gian qua không những giúp The Interview, vốn chỉ có chất lượng trung bình khá, thu hút sự chú ý không kém bất cứ phim bom tấn nào mà còn làm nảy sinh nhiều tò mò về nền điện ảnh bí ẩn của Triều Tiên.
Theo Hoàn Cầu thời báo, tuy ít được khán giả nước ngoài biết đến nhưng các bộ phim Triều Tiên là “món ăn tinh thần” rất phổ biến của người dân nước này. Rạp chiếu ở Yanggakdo, một đảo nhỏ trên sông Taedong giữa thủ đô Bình Nhưỡng, được cho là có trang thiết bị tốt nhất nước với 6 màn ảnh rộng, các phòng chiếu 50 ghế và một đại sảnh 2.000 ghế, nhưng giá vé chỉ khoảng gần 44 won (chưa đến 7.000 đồng). Đây cũng là nơi diễn ra Liên hoan phim quốc tế Bình Nhưỡng, dịp hiếm hoi giới thiệu phim nước ngoài.
Ngoài ra, các buổi chiếu phim cũng thường xuyên được tổ chức tại các nhà máy, hợp tác xã và doanh trại quân đội. BBC dẫn lời chuyên gia Mark Morris thuộc Đại học Cambridge (Anh) nói rằng tại mỗi buổi chiếu thường có mặt một chính trị viên và người này sẽ yêu cầu khán giả đưa ra nhận định về giá trị tư tưởng của bộ phim.
Tâm huyết Kim Jong-il
Khung cảnh trong một rạp chiếu phim ở Triều Tiên năm 2008 - Ảnh: the New York Times
|
Bộ phim đầu tiên của CHDCND Triều Tiên ra mắt năm 1949 mang tên My home village (tạm dịch: Làng quê tôi) về sự nghiệp đấu tranh do Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) lãnh đạo giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của Nhật Bản, theo Hoàn Cầu thời báo. Tuy nhiên, người có công lớn nhất xây dựng nền điện ảnh Triều Tiên chính là nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
Trước khi qua đời vào năm 2011, ông Kim nổi tiếng là người hâm mộ nhiệt thành của điện ảnh. Ông được cho là sở hữu bộ sưu tập phim lớn nhất thế giới, bao gồm gần như trọn bộ James Bond 007, vô cùng yêu thích phim Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió) cũng như cô đào Elizabeth Taylor. Lãnh đạo Kim đã có ít nhất 600 chuyến làm việc chính thức đến hãng Korean Film Studio và đích thân sản xuất những bộ phim được ca ngợi là “kinh điển của kinh điển” như The Flower Girl (Cô gái bán hoa) hay Sea of blood (Bể máu). Năm 1973, ông còn viết cương lĩnh về nghệ thuật điện ảnh, trong đó nhấn mạnh: “Điện ảnh là một trong những công cụ quan trọng để giáo dục quần chúng”. Và khi cảm thấy các nhà làm phim trong nước không đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, ông Kim đã có một quyết định vô cùng táo bạo. Theo báo chí Hàn Quốc và phương Tây, vào cuối năm 1978, các điệp viên Triều Tiên đã dụ đạo diễn lừng danh của Hàn Quốc Shin Sang-ok và vợ là nữ diễn viên Choi Eun-hee sang Hồng Kông rồi “mời” họ đến Bình Nhưỡng để làm ra những bộ phim sao cho “vừa có giá trị tuyên truyền, vừa được công nhận giá trị nghệ thuật”.
Kết quả là dân Triều Tiên đã “sốc” khi được chứng kiến một con quái vật khổng lồ giúp nông dân đấu tranh lật đổ giai cấp bóc lột trong Pulsagari hay lần đầu tiên thấy nụ hôn môi được chiếu công khai trong Love, love, my love. Đến năm 1986, vợ chồng Shin Sang-ok bỏ trốn khi được cho phép đến thủ đô Vienna của Áo dự một liên hoan phim.
Bản sắc Triều Tiên
Theo cuốn North Korean Cinema: A History (tạm dịch: Lịch sử điện ảnh Triều Tiên) của chuyên gia Johannes Schonherr, trong thập niên 1970 - 1980, có 4 “diễn viên” người Mỹ rất nổi tiếng ở Triều Tiên, chuyên trị các vai “bọn tư bản độc ác tham lam”. Đây thực chất là những người đã “đổi phe” trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) hoặc trong thập niên 1960. Các ông Charles Jenkins, Larry
Abshier, Jerry Parish và James Dresnok được cả nước nhớ mặt nhớ tên, đặc biệt là qua các vai phản diện trong loạt phim điệp báo Nameless Heroes (Những anh hùng vô danh). Tuy nhiên, chuyên gia Schonherr nhận xét: “Mấy người Mỹ này đóng dở chưa từng thấy”. Đến nay, không rõ số phận của họ ra sao dù James Dresnok được cho là vẫn sống tại Triều Tiên. Khác với Mỹ, các nhân vật Hàn Quốc lại thường được mô tả với cái nhìn bao dung hơn. “Đối với “bọn tay sai” miền Nam thì luôn còn có chút hy vọng. Cuối phim, họ luôn được cảm hóa và nhận ra lý tưởng cao đẹp của miền Bắc”, ông Schonherr viết.
Mặt khác, một luật bất thành văn là các bộ phim không được khắc họa trực tiếp các lãnh tụ họ Kim nhưng vẫn phải thể hiện vai trò và tư tưởng của họ, theo BBC. Một ví dụ nổi bật là phim Marathon runner năm 2002. Trong đó, dù bị chấn thương nhưng vận động viên marathon Jong Song-ok vẫn cố sức chạy lên một ngọn đồi cao để có thể nhìn thấy đoàn xe chở lãnh đạo Kim Jong-il. Tuy không bắt kịp, nhưng chỉ cần sờ vào dấu bánh xe để lại trên đường là cô đã được truyền quyết tâm và sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, vươn tới chiến thắng.
Trái với niềm tin của thế giới bên ngoài, các nhà kiểm duyệt phim Triều Tiên không có nhiều việc để làm vì mọi bộ phim đều đã được chỉ đạo và giám sát kỹ lưỡng nên rất ít khi xảy ra vi phạm. Tuy nhiên, cơ quan kiểm duyệt rất chặt chẽ với quy định mọi cảnh quay có sự xuất hiện tranh ảnh hay tượng của các ông Kim Il-sung và Kim Jong-il đều phải được chỉnh khung đầy đủ, ngay ngắn, nhà làm phim Lynn Lee kể với BBC sau một thời gian đến Triều Tiên làm việc. “Điều này gây nhiều khó khăn vì đi đâu cũng thấy tranh ảnh và tượng của họ. Đôi khi, chúng chỉ vô tình lọt vào ống kính nhưng nhà làm phim vẫn phải sửa lại cho đúng quy định”, bà Lee nói.
Những tác phẩm nổi bật nhất
- The Flower Girl (Cô gái bán hoa, 1972): Tác phẩm kinh điển này do lãnh đạo Kim Jong-il chỉ đạo chuyển thể từ vở ca kịch lừng danh được Chủ tịch Kim Il-sung viết kịch bản. Phim kể về cuộc đời nhiều sóng gió của một cô gái nghèo dưới sự bóc lột của bọn địa chủ. Tuy nhiên, tất cả mâu thuẫn, khổ đau đều được giải quyết nhanh chóng trong 10 phút cuối phim khi quân giải phóng về làng. Phim này từng được chiếu ở miền Bắc VN.
- Pulsagari (Quái vật Pulsagari, 1985): Phim nổi tiếng nhất của đạo diễn Hàn Quốc Shin Sang-ok trong thời gian ở Triều Tiên. Được nước này xem là câu trả lời cho loạt phim quái vật Godzilla của Nhật Bản, Pulsagari có kỹ xảo hoành tráng vượt bậc so với thời đó nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền về cuộc đấu tranh chống áp bức của người dân.
- Hong Kil Dong (Anh hùng Hong Kil-dong, 1986): Tính giải trí và tuyên truyền được cân bằng với những pha võ thuật ngoạn mục không kém phim Hồng Kông cùng thời. Nội dung phim nói về người anh hùng dân gian Hong Kil-dong chuyên cướp của nhà giàu để giúp người nghèo và là nhân vật được ưa thích tại cả CHDCND Triều Tiên lẫn Hàn Quốc.
- Comrade Kim goes flying (Đồng chí Kim bay cao, 2013): Là tác phẩm gây bất ngờ nhất từ Triều Tiên từ trước đến nay. Lần đầu tiên nước này hợp tác với phương Tây làm phim nên Comrade Kim goes flying có tới 3 đạo diễn: 1 người Anh, 1 Bỉ và 1 Triều Tiên; nói về một cô thợ mỏ xinh đẹp quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành ước mơ trở thành diễn viên xiếc đu bay. Bộ phim hài lãng mạn này được khán giả trong nước cũng như giới phê bình nước ngoài đánh giá cao, được trình chiếu tại nhiều liên hoan phim quốc tế lẫn Hàn Quốc. Comrade Kim goes llying được ca ngợi là “bước đột phá lớn” khi nhân vật chính đấu tranh cho ước vọng của cá nhân. Trong phim cũng hiếm thấy dáng dấp “mang màu sắc huyền thoại” của các vị lãnh tụ.
(Theo The Guardian)
|
Bình luận (0)