|
Luật Điện ảnh nên quy định rõ ràng, cụ thể
Không thể nói “kích động bạo lực” nghĩa là trong phim có nhiều/quá nhiều cảnh bạo lực. Hay “truyền bá lối sống đồi trụy” nghĩa là trong phim có nhiều cảnh sex. Hiểu như vậy là hoàn toàn sai, khiên cưỡng và thậm chí là phản khoa học. Điện ảnh là một nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo rất cao và thậm chí là không giới hạn. Các tác phẩm điện ảnh nói chung trên thế giới đang ngày càng hoành tráng hơn. Cảnh đánh nhau, chém giết ngày càng thật hơn, gây ấn tượng hơn. Nhưng trong nhiều trường hợp chính những điều đó làm cho bộ phim hay hơn, hấp dẫn, nhân văn và tình cảm hơn.
|
Nếu như trước đây, Việt Nam từng cấm phim kiếm hiệp, có cảnh chỉ hơi hở hang là cắt thì ngày nay đã khác rất nhiều. Muốn điện ảnh hội nhập và đạt tới trình độ, đẳng cấp thế giới, đòi hỏi tư duy, nhận thức của những nhà làm phim và cả những nhà quản lý phải thay đổi, bổ sung rất nhiều.
Thật vô lý khi truyện ma, phù thủy, sex, bạo lực… bán đầy nhà sách, hay tràn lan trên internet. Thế mà khi được làm thành phim thì lại bị cấm, bị cản, quy chụp đủ thứ. Những người làm điện ảnh cần phải nhanh chóng xây dựng hệ thống phân loại phim một cách khoa học như ở nước ngoài. Về phương diện pháp luật, tôi không nghĩ là chúng ta cần phải bỏ những quy định cấm như trong luật Điện ảnh nhưng nên được giải thích rõ ràng, cụ thể hơn.
Luật sư Trần Hồng Phong
Công ty luật hợp danh Ecolaw, TP.HCM
Luật cần đổi mới theo xu thế
Theo tôi, những quy định lạc hậu trong luật Điện ảnh, không phù hợp với thời điểm hiện nay cần sửa, bỏ ngay. Luật pháp cũng cần đổi mới theo xu thế, không nên đóng khung cứng nhắc suốt một giai đoạn dài. Phải xác định chúng ta đang muốn hướng tới một nền điện ảnh ra sao? Tôi lo ngại nếu giữ nguyên những quy định cũ trong luật Điện ảnh thì các sản phẩm làm ra đều lờ nhờ, không có đặc trưng riêng. Nền điện ảnh Việt sẽ trở nên mơ hồ, chung chung, thiếu cá tính trong sáng tạo.
Luật Điện ảnh cần chú trọng phân loại kiểm duyệt theo thể loại phim và theo lứa tuổi khán giả, đồng thời các nhà quản lý nên học hỏi, tham khảo những quy định tiên tiến ở các nước khác. Không nên duy ý chí và áp đặt trong khâu kiểm duyệt”.
Luật sư Nguyễn Minh Thuận
Công ty luật Sài Gòn Việt Nam
Định nghĩa cụ thể các khái niệm
Luật sư Lê Quang Vy
Tổng giám đốc Công ty VLT Lawyers
Xem lại luật để tìm ra những quy định mới phù hợp
“Thực ra những vấn đề mà các nhà làm phim nước ta vấp phải trong quá trình kiểm duyệt điện ảnh cũng có thể thấy được ở nhiều lĩnh vực khác mà gần gũi nhất là quảng cáo. Việc chỉ quy định chung chung: “không xâm phạm và trái với thuần phong mỹ tục” thực sự gây khó khăn cho những người thực hiện. Bởi chỉ riêng việc định nghĩa thế nào là thuần phong mỹ tục cũng là cả một vấn đề.
Với điện ảnh Việt Nam, cả ba tiêu chí minh bạch, hợp lý và khả thi cho tới nay hiện vẫn mơ hồ. Tuy nhiên, để có thể đưa ra những quy định rõ ràng trong lĩnh vực văn hóa cũng không phải là điều dễ dàng. Cần có thời gian nghiên cứu kỹ, xem lại luật để tìm ra những quy định mới phù hợp nhất. Các nhà làm phim Việt Nam hiện nay chỉ có cách là sử dụng kinh nghiệm từ trường hợp các phim trước, chỗ nào bị cắt, hoặc yêu cầu sửa thì tránh đi mà thôi”.
Luật sư - nhà văn Phan An
Công ty luật Indochine Counsel
Kích thích nghệ sĩ sáng tạo
“Điều tôi muốn nói là chúng ta cùng góp sức, góp ý để HĐDPQG tổng hợp các kiến nghị này trình lên Cục Điện ảnh xem xét. Không nên quy chụp trách nhiệm duyệt phim cho riêng HĐDPQG. Theo tôi, bản thân bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh hay bà Hồng Ngát - Phó chủ tịch HĐDPQG cũng như tất cả những nhà quản lý, những người yêu điện ảnh đều chung mong muốn: làm thế nào để điện ảnh nước nhà phát triển trong tương lai? Không nên kết luận chuyện đúng sai trong kiểm duyệt phim vì cơ chế là như thế. Quan trọng nhất vẫn là làm sao để thay đổi cơ chế, xác định thay đổi cơ chế duyệt phim là cần thiết, từ đó tạo điều kiện dễ dàng cho nhà quản lý cũng như kích thích nghệ sĩ sáng tạo”.
Diễn viên Trương Ngọc Ánh
Nên phân loại phim theo thế giới
“Cần theo thông lệ của thế giới: phân loại phim chiếu rạp. Dĩ nhiên phim chống lại nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng là phải cấm. Việc phân loại phim tạo điều kiện dễ dàng cho những nhà quản lý điện ảnh cũng như kích thích sự sáng tạo của nghệ sĩ. Luật Điện ảnh cần được bổ sung, chi tiết hóa từng điều khoản, tạo hành lang pháp lý rõ ràng theo hướng ủng hộ những nhà làm phim. Tránh chuyện duyệt phim theo cảm tính của HĐDPQG”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM
Đỗ Tuấn - Ngọc Bi (thực hiện)
>> Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt - Kỳ 5: “Luật như thế nên phải tuân thủ thôi”
>> Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt - Kỳ 4: Thoáng ngoài, siết trong
Bình luận (0)