Điện ảnh Úc đang trên đà tuột dốc

16/12/2003 19:28 GMT+7

Mặc dù các diễn viên ngôi sao người Úc Nicole Kidman và Russell Crowe đang đạt tới đỉnh cao vinh quang trên trường quốc tế, mặc dù các nền điện ảnh lớn trên thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, điện ảnh Úc lại lâm vào giai đoạn khủng hoảng lớn nhất trong vòng 8 năm qua.

Một năm về trước, ngôi sao điện ảnh Gabriel Byrne từng băn khoăn về bản sắc điện ảnh Úc. “Nói đến phim Úc người ta hay nhắc đến Moulin Rouge. Moulin Rouge là phim của Hollywood được quay ở Úc, do đạo diễn Úc thực hiện, diễn viên chính là người Úc nhưng có phải là một bộ phim Úc không? Tôi không biết! Có cái gọi là “phim Úc” không? Đó là một câu hỏi lớn”. Và anh cũng bày tỏ sự lo ngại rằng, Úc, với rất nhiều phim Mỹ được thực hiện tại đây mỗi năm, sẽ trở thành một “studio rẻ tiền” của Hollywood. Năm nay, nhà sản xuất kiêm đạo diễn George Miller, người đã thực hiện các phim Mad MaxBabe được quốc tế đánh giá cao, thậm chí còn đưa ra tiên đoán bi quan hơn: “Nếu không có biện pháp bảo vệ, điện ảnh Úc sẽ bị hòa tan và biến mất trong vòng một thập kỷ nữa”.

2003 là năm tồi tệ nhất đối với điện ảnh Úc trong đà xuống dốc về nhiều

Japanese Story, một trong số ít phim Úc đạt doanh thu cao (1,5 triệu đô-la Úc)
mặt kéo dài suốt 8 năm qua. Nếu như trước đây, Úc vẫn nổi tiếng là mảnh đất thuận lợi cho các đoàn phim nước ngoài vào quay với chi phí rẻ, bối cảnh đẹp, nhân viên có tay nghề cao thì những năm gần đây, do bị cạnh tranh bởi những nước khác như Canada, Trung Quốc và một số nước châu Á, số lượng phim được quay ở tại đây đã giảm xuống đáng kể. Không còn nữa những phim kinh phí lớn của Hollywood như Moulin Rouge, The Crocodile Hunter: Collision Course, Swimming Upstream, Babe: Pig in the City ..; tổng số tiền đầu tư cho các phim nước ngoài năm nay đã giảm từ 185 triệu USD xuống còn 169 triệu USD.

Mỗi năm thường có từ 25 đến 40 phim Úc được sản xuất với sự đầu tư vốn của chính phủ, tư nhân hoặc các nguồn từ bên ngoài. Năm nay có thể coi là năm ế ẩm “kỷ lục” đối vối việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện ảnh: chỉ có 19 phim (năm trước là 33 phim), số tiền đầu tư giảm từ 131 triệu đô-la Úc của năm trước xuống còn 49 triệu. Cũng không có phim nào của Úc được thực hiện với kinh phí lớn hơn 10 triệu USD (năm trước vẫn có tới 3 phim), phần lớn là những phim từ 1-6 triệu USD. Sydney Morning Herald nhận xét: “Các phim nội này không có đủ sự hấp dẫn về quy mô và tên tuổi diễn viên để cạnh tranh với phim Mỹ ngoài rạp chiếu bóng. Điều này đã dẫn đến sự thất bại về doanh thu của điện ảnh trong nước ”.

Theo tổng kết, doanh thu phim nội trong năm 2002 chỉ đạt 41,8 triệu đô-la (4,9% trong tổng doanh thu điện ảnh). Không chỉ phim điện ảnh, lần đầu tiên trong 8 năm nay, đầu tư cho sản xuất phim truyện truyền hình cũng đã giảm 23% so với năm trước (còn 513 triệu đô-la Úc).  
Sự xuống dốc của điện ảnh đã nghiêm trọng đến mức ông Kim Dalton, đại diện của Uỷ ban điện ảnh Úc đã phải yêu cầu chính phủ cần có “sự quan tâm lớn” đối với ngành công nghiệp điện ảnh của nước này. Còn ông Geoff Brown, giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất điện ảnh Úc đã phải kêu gọi hãy nhanh chóng đưa ra quy định về việc giảm bớt phim nước ngoài trên truyền hình để giúp phim ảnh trong nước có cơ hội đến với người xem nhiều hơn. Tờ The Age dẫn lời cảnh báo của nam diễn viên Russell Crowe rằng, “công nghiệp điện ảnh Úc không nên biến thành một “nơi trợ cấp xã hội” cho những nhà làm phim thiếu tính cạnh tranh”. Và anh cũng cho rằng, Úc cần phải tập trung vào làm những phim có thể cạnh tranh quốc tế hơn là nghĩ tới việc cắt giảm ngân sách cho điện ảnh.

Phạm Thu Nga
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.