(TNO) Năm âm lịch đánh dấu sự có mặt của 2 phim Việt Nam tại 2 trong 3 liên hoan phim lớn nhất thế giới là Berlin và Venice. Dù không có phim tới Cannes, điện ảnh vẫn đang trong những ngày đại hỷ.
Cùng phóng viên Thanh Niên Online trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - tác giả của Đập cánh giữa không trung, bộ phim đã “đập cánh” ở Venice.
Cảm giác của chị khi mang phim sang Venice như thế nào. Có chút nào tự ti vì mình đến từ một nền điện ảnh nhỏ không?
Tôi vốn là người hay dùng tự ti như một phép an toàn cho cảm giác. Tôi thấy tài mình nhỏ, suy nghĩ của mình cũng nhỏ, phim mình thì rõ là 1 phim nhỏ rồi... nên tôi cũng có tự ti thật. Nhưng chỉ tự ti vì bản thân mình thôi, nghĩa là tài của mình, suy nghĩ của mình... chứ chả có liên quan gì đến nền điện ảnh nhỏ hay to cả đâu.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tại Liên hoan phim Venice
|
Chị nghĩ sao về việc Phan Đăng Di cũng đã tới Berlin?
Một tin vui trên cả tuyệt vời! Nhưng thực ra thì tôi cũng chả bất ngờ gì cả vì tôi và Di khi làm phim thì đều hiểu phim sẽ phải có mặt ở liên hoan phim như thế. Nếu Cha và Con hoàn thành muộn hơn chắc sẽ tới Cannes mùa tới, nếu Đập cánh không kịp Venice thì Berline cũng là nơi đã được lên kế hoạch rồi... do thời điểm hoàn thành và cơ duyên mà bộ phim có. Còn ngay từ lúc triển khai, các nhà sản xuất đều đã có kế hoạch rất rõ ràng cho phim rồi.
Tôi thấy tuyệt vời với phim của Di tại Berlin còn vì một lẽ nữa: phim Việt Nam dự tranh chính thức và được chuẩn bị rất hùng hậu - chu đáo - được sự ủng hộ của bạn bè, truyền thông... Nhìn thấy rõ mọi sự đang tốt lên.
Hồi tôi đưa Đập cánh đi Venice, vẫn còn khá lôi thôi, chứ đến phim của Di, tôi ngưỡng mộ lắm...
Berlin là liên hoan phim lớn, việc xuất hiện rất chính thức và chuyên nghiệp như vậy thực sự cực kỳ ý nghĩa.
Một năm vui của điện ảnh Việt Nam với 2 phim tới 2 liên hoan phim lớn nhất thế giới. Nhưng liệu có điều gì đáng tiếc không?
À, nếu có tiếc thì là tiếc rằng đã chả có phim nào đến Cannes mùa tới, hoặc ít nhất là dự án thôi cũng được, hoặc là phim ngắn thôi cũng tốt. Tôi vẫn cho rằng nếu có sự tiếp nối liên tục tại các liên hoan phim thì là tốt nhất. Nhưng giờ cũng đúng là chúng ta giãn cách quá lâu, mất quá nhiều thời gian để có thể hoàn thành được 1 phim, số người làm phim không ít nhưng số người có cờ trong tay mà phất... đúng là ít thật. Nên có phim gối đầu, có nhà làm phim tiếp nối... nghe hơi viển vông. Nhưng tôi cũng chả bi quan lắm về chuyện đó. Berlin, Cannes, Venice không phải tất cả đích đến của một nhà làm phim. Có nhiều cái đích khác, ý nghĩa cũng rất mạnh mẽ. Và có vẻ tôi hơi chú trọng vào điện ảnh độc lập thì phải, các nhánh khác cũng có nhiều dự án rất hay, có dự án tôi biết, có dự án tôi chưa được biết.
Những bộ phim độc lập, tới liên hoan phim không theo con đường nhà nước, rồi phát hành cũng độc lập. Tôi nhớ tới việc nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn nói rằng phim Việt Nam nên đi theo con đường “nhỏ, xinh” của điện ảnh Iran. Có phải chúng ta đang đi như thế không?
Tôi chả biết tại sao anh Nguyễn Thanh Sơn lại nói vậy nữa? Chắc anh ấy có những nghiên cứu chuyên sâu riêng của anh ấy về điện ảnh Iran mà tôi không rõ nên tôi chỉ nghe để mình suy nghĩ thêm. Cũng lạ thật, sao mọi người toàn lấy các nền điện ảnh thành công theo kiểu Iran hay Philippines ra để làm ví dụ cho các nhà làm phim Việt nhỉ? Chắc ý là, đấy, đất nước cũng nghèo nhé, nhân lực vật lực cũng thiếu nhé... mà người ta vẫn làm được phim đi đây đi đó, giải rất to tại liên hoan phim rất lớn. Kiểu các anh cứ ca thán các anh thiếu này thiếu nọ chỉ để che giấu cái sự thiếu tài của các anh thôi, nhìn Iran kìa, nhìn Philippines kìa...
Thật ra nghe cho mình thêm thấu hiểu kỳ vọng của những người xung quanh và biết đâu nó cũng là cái tốt thật. Chứ tầm mình, lo làm phim cho thật tốt thôi. Nghĩ chuyện tìm đường cho phim Việt, tôi chắc sẽ có người giỏi hơn mình, hiệu quả hơn mình. Hiện tại, tôi thấy con đường của phim Đập cánh có vẻ tốt, tôi kể lại với các nhà làm phim khác, trực tiếp thuyết phục họ được thì tốt, hợp tác sản xuất dự án của họ được thì quá hay, còn không thì cũng nói với nhau như là một cách trong nhiều cách để họ chọn lựa. Chừng nào có được dăm người đi cùng, chừng đó tôi sẽ nói, đấy đi mãi thì cũng thành đường thôi, và là đường tạo ra bởi ngã, bởi sai, bởi đúng, bởi kinh nghiệm của mấy phim độc lập Việt Nam. Chứ còn đường của phim Việt mà theo công thức Iran... tôi nghĩ cũng hay, nhưng chắc sẽ là một con đường cần những người đi khác.
Còn một bộ phim nữa là Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Liệu có phải chúng ta đang “vào mùa” gặt mới của điện ảnh hay không, vì sao thưa chị?
Cái này hình như ta hơn Iran. Chắc Iran chưa có phim tài liệu nào bán được vé và thu hút công chúng một cách thực sự như chị Phụng đâu! Tôi đoán thế.
Còn vì sao thì như tôi đã từng trả lời 1 lần rồi, cái mùa gặt chúng ta đang nhìn thấy nó là sự đột nhiên sôi động và vô tình xuất hiện cùng lúc của vài bộ phim sau một quãng lặng quá dài. Mãi không có phim nào, giờ đột nhiên có nhiều hơn 1, thì chúng ta thấy lạc quan... chứ nói chuyện vào mùa... tôi e hơi sớm. Nhưng tôi cũng thích nói theo hướng lạc quan như vậy, nó có ích cho những đứa bi quan như tôi.
Dự định tới đây của chị là gì. Nếu có điều gì mong ước cho điện ảnh Việt Nam năm mới, chị ước gì?
Tôi cầu mong các nhà làm phim ở các hãng nhà nước được tự mình đặt hàng đề tài cho mình khi làm phim, các nhà làm phim độc lập thì được bao cấp về kinh phí sản xuất, các nhà làm phim thương mại luôn đạt doanh thu thật tốt, khán giả có nhiều phim hay để xem, hệ thống rạp trở thành điểm đến ưa thích của mọi người - xem phim đi vào nếp! Nói tóm lại, những người làm phim, họ ao ước điều gì nhất, tôi mong họ sẽ có được.
Bình luận (0)