Điện ảnh Việt và "canh bạc"... đồng tính

31/08/2012 15:45 GMT+7

(iHay) Lựa chọn chủ đề nhạy cảm như đồng tính để làm phim có thể ví như một canh bạc, vì thắng cũng lớn mà thua cũng lắm ê chề.

(iHay) Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước đã sẵn tư tưởng phóng khoáng thì đồng tính vẫn là dạng đề tài nhạy cảm khi đưa lên màn ảnh. Làm sao để khán giả có cái nhìn cảm thông, làm sao để đạt đến tính nhân văn không phải là điều đơn giản. Thế nên khi chưa nhận thức rõ vấn đề, nhiều đạo diễn Việt đã “liều mình” và “bơi” trên biển lớn để rồi bị “ném đá” không thương tiếc vì những màn kịch vụng mà chính mình dựng lên.

>> “Nàng men chàng bóng” đang "hứng rổ đá 
 
Đồng tính: đừng nhìn từ bên ngoài
 
Lựa chọn một đề tài thiên về tình cảm, miêu tả nội tâm, thế nhưng các nhà làm phim dường như vẫn đứng ngoài cuộc ngay trên chính kịch bản của mình. Đi mon men, miêu tả hời hợt và lý giải khá trẻ con, chẳng những bộ phim không chạm được vào thế giới của người đồng tính mà càng làm cho hình ảnh của họ trở nên méo mó trong mắt mọi người.
 
Ba phim điện ảnh Việt đình đám trong hai năm gần đây đề cập đến đề tài đồng tính là Hotboy nổi loạn, Cảm hứng hoàn hảo và bộ phim đang chuẩn bị ra rạp Nàng men chàng bóng. Trong đó, ngoài thành công của Hotboy nổi loạn thì hai bộ phim còn lại đã bị báo giới và khán giả "ném đá" ngay từ khi trailer được trình làng.


 Một cảnh quay khá nóng bỏng giữa Nam Thành và Thanh Duy trong “Cảm hứng hoàn hảo” - Ảnh: Đoàn phim cung cấp


Với Cảm hứng hoàn hảo, cái nhìn lệch lạc thể hiện qua từng mảnh chấp vá phi lý khiến khán giả xem xong chỉ biết phì cười vì nó quá ngô nghê. Cụ thể khi phát hiện em trai có mối tình đồng tính, ba chị gái sẵn sàng tìm mọi cách để lôi kéo anh chàng về với “bản năng gốc” bằng cách thuê một cô gái đến khêu gợi, thậm chí bản thân những người chị sẵn sàng trút bỏ xiêm y để em trai vẽ tranh hoàn thành bài tốt nghiệp.

Điều đáng nói ở đây chính là cách thể hiện, dường như trong mắt những người chị trong phim, đồng tính là rất xấu, em trai đồng tính cứ như cuộc sống của họ sẽ tắt ngúm và rơi xuống vực thẳm. Ngay sau khi ra mắt, bộ phim đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng".


Ngô Kiến Huy giả gái với phục trang khá lòe loẹt - Ảnh: Đoàn phim cung cấp 

Những tưởng các nhà sản xuất phim sẽ “e dè” với kiểu kịch bản này thì Nàng men chàng bóng lại xuất hiện và chịu chung số phận. Nếu chịu khó xâu chuỗi các câu nói của “chàng bóng” với “nàng men” thì anh chàng vẫn còn “zin”, và cái khiến anh ta bị mọi người trêu ghẹo là “chàng bóng” chỉ do ngoại hình và tính cách khá ẻo lả.

Nếu mọi việc được miêu tả dừng lại ở đây thì khi anh chàng bị “nàng men” hớp hồn và trở về giới tính thật không có gì đáng nói, vì đó chỉ là phút ngộ nhận của anh chàng. Thế nhưng do quá chú ý vào yếu tố gây cười, mà đạo diễn đã đẩy nhân vật của mình đi rất xa, nào là giả gái, tô son, thậm chí là rất mê trai. Vì vậy khi anh chàng “quay đầu là bờ” chỉ bằng những đụng chạm với phụ nữ trở nên quá khiên cưỡng và khó thuyết phục.
 
Nên chạm vào cuộc sống thực
 
Có thể nói, sai lầm lớn nhất của Cảm hứng hoàn hảo Nàng men chàng bóng chính là đứng nhìn quá xa, nghĩ ngợi quá cạn và quá tham lam với kịch bản được dàn dựng chủ yếu để gây cười nhằm hút khách mà thiếu đi tính hợp lý.

Họ không chạm được vào thế giới cũng đầy “hỉ, nộ, ái, ố” với những thân phận như Hotboy nổi loạn, mà quan trọng hơn hết, bản chất của vấn đề cũng không phù hợp thực tế. Nói như một bạn nhận xét bên dưới trailer của Nàng men chàng bóng: “Đồng tính không phải là bệnh nên không thể chữa. Cái kết khiêng cưỡng cho thấy nỗ lực của nhà làm phim là muốn “chữa bệnh” cho những ai có giới tính thứ ba. Quá vô lý”.


 Đinh Ngọc Diệp và Ngô Kiến Huy trong một cảnh quay của Nàng men chàng bóng - Ảnh: Đoàn phim cung cấp


 
Thiết nghĩ, để có một kịch bản hay về đề tài đồng tính, các nhà làm phim nên dành cho mình thời gian tìm hiểu, quan sát nhiều hơn nữa, cảm thông nhiều hơn nữa về thế giới thứ ba. Một kịch bản được viết từ trái tim với những yếu tố thông cảm, bỏ qua yếu tố câu khách với những lời thoại ngô nghê, vụng về thì dù không đạt được đến độ nghệ thuật, khán giả vẫn có thể dễ dàng bỏ qua.
 
Nhưng một khi sự dễ dãi trong kịch bản có thể gây ra tổn thương cho người khác, hãy dành một khoảng thời gian đủ dài để cân nhắc chuyện bỏ qua và tìm một đề tài khác, tránh để bị khán giả “ném đá” và gọi “đứa con” của mình là "thảm họa".

Trong lúc Nàng men chàng bóng đang bị "hứng rổ đá", iHay.vn đã có cuộc phỏng vấn ngắn với diễn viên Don Nguyễn, người đóng vai chị Ba trong phim Nàng men chàng bóng.

* Quá trình đảm nhận vai chị Ba trong phim có gì thú vị?

- Vai bé Ba là một thư ký rất yêu mến ông chủ, khôn ngoan, nhạy cảm và điệu đà, luôn ganh tị với nhân vật Ẽo Ợt. Lúc đầu trong kịch bản nhân vật này là một vai nữ, nhưng sau khi Don đi casting, đạo diễn Võ Tấn Bình đã đổi ngược lại vai này cho Don. Theo kế hoạch vai của Don về Long Xuyên quay trong 3 ngày, nhưng do đổi lịch một tuần nên Don phải đi về lại Sài Gòn. Tất cả mọi việc hơi bị xáo trộn, nhưng Don cố gắng đi theo đoàn phim vì cả một tập thể.

* Don suy nghĩ ra sao về quan niệm đồng tính trong phim này? Liệu nó có bị sai lệch về quan niệm đối với người đồng tính không?

- Thật ra ngay từ đầu đã xác định đi xem phim hài - hành động nên chúng ta chủ yếu giải trí xả stress là chính. Nếu xét về mặt nội dung thì nó sẽ có hơi khó chịu vì bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào nếu liên quan đến đề tài đồng tính đều rất khó lấy sự đồng tình của khán giả. Don tin chắc là phim không hề đem người đồng tính ra giễu cợt, nên mong khán giả hãy nhìn nhận bộ phim ở một khía cạnh nhẹ nhàng hơn.

Lệ Chi (thực hiện) 

Minh Nguyễn

>> Mr Đàm “yêu nhầm” người đồng tính
>> Nóng sốt với VN's Next Top Model "nhái" cho người đồng tính
>> Phim đồng tính nóng sốt Youtube
>> Đài Loan: Đám cưới đồng tính nữ đầu tiên ở chùa
>> Lời tỏ tình đồng tính đầu tiên ở K-pop?
>> “Bom sex” Marilyn Monroe là người đồng tính?
>> Nhiều ngôi sao Mỹ công khai quan hệ đồng tính    

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.