(TNO) Sáng nay (27.8), tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ở Thanh Hóa, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã có những bước đi hội nhập nhanh chóng, sâu rộng nhưng sức ép của hội nhập vẫn chưa đem lại những cải cách bên trong, cải cách về thể chế để tận dụng cơ hội do hội nhập tạo ra.
Diễn đàn Kinh tế mùa thu - Ảnh: M.Q
|
Theo chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, mức độ tích cực trong hội nhập của Việt Nam thuộc loại nhất trên thế giới nhưng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đang không theo kịp quá trình này.
“Hội nhập thì cần đi liền với đổi mới, cải cách thể chế nhưng vấn đề với chúng ta là đổi mới bên trong chậm trễ quá. Chúng ta mới chỉ giảm thời gian thông quan ở hải quan, đó là chuyện nhỏ, câu chuyện lớn là cần có đột phá về thể chế thì đến giờ này chưa làm được bao nhiêu cả”, ông Lược nói.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng: "Khi nói đến hội nhập, nhiều người hay nói các doanh nghiệp bị động, không quan tâm đến thông tin về các hiệp định thương mại tự do, sức cạnh tranh yếu…, nhưng điều đó là chưa hoàn toàn chính xác. Hội nhập hiện nay, doanh nghiệp như đi trên cầu khỉ chênh vênh, gánh nặng khối đá chi phí, cố gắng dò dẫm từng bước một để khỏi rơi xuống sông nên không thể nhìn xa, vươn tới bên ngoài”. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, vấn đề lớn nhất trong việc hội nhập kinh tế thế giới hiện nay của Việt Nam vẫn là Nhà nước. “Nhà nước có cải cách, phù hợp với việc hội nhập hay không mới là quan trọng. Toàn bộ hệ thống bên trong của ta chưa gắn được với hội nhập, chưa thay đổi chức năng, vai trò của nó so với 30 năm trước”, ông nói.
Cũng theo ông Cung, để hội nhập thành công thì công cụ quản lý phải thay đổi, tuy duy quản lý của Nhà nước phải thay đổi từ chỗ tư duy quản lý, đứng bên trên doanh nghiệp chuyển sang đồng hành, kiến tạo. “Nếu cơ cấu tổ chức bộ máy không thay đổi, năng lực quản lý không thay đổi thì động lực, thái độ làm việc sẽ không thay đổi, cản trở hội nhập”, ông Cung nói.
Chuyên gia kinh tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, Việt Nam hội nhập nhanh nhưng những cải cách bên trong chậm nên không tận dụng được nhiều cơ hội và vượt qua được những khó khăn do quá trình hội nhập tạo ra. “Quá trình hội nhập, toàn cầu hóa không hề làm giảm vai trò của Nhà nước. Nhà nước phải thay đổi chức năng từ Nhà nước chỉ huy sang Nhà nước kiến tạo phát triển. Nếu không làm được điều này, nguy cơ tụt hậu còn xa hơn”, ông nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cảnh báo: “Nếu hội nhập quá nhanh mà không có những cải cách bên trong tương ứng, Việt Nam dễ rơi vào bẫy tự do hóa thương mại”.
“Để hội nhập, mở cửa thành công thì phải đổi mới từ bên trong bởi tác động bên trong là cực lớn. Tác động hội nhập buộc chúng ta phải cải cách thể chế. Nhưng nếu bộ máy, con người không cải cách, thì có sửa 100 luật cũng không thể thay đổi được", ông Lịch nhấn mạnh.
Bình luận (0)