Nhà nông trăn trở
Diễn đàn nông dân ĐBSCL quy tụ trên 400 gương sản xuất giỏi, những điển hình đến từ nhiều tỉnh, thành. Qua diễn đàn, có thể thấy, thời gian qua, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất nông sản liên tục tăng. Đơn cử như sản xuất lúa, năm 2011, diện tích sản xuất lúa toàn vùng tăng 132.000 ha so với năm 2010, sản lượng đạt 22,7 triệu tấn, tăng 1,6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, đời sống của nông dân vẫn khó khăn, thu nhập bấp bênh. “Nếu nông dân sản xuất 1 ha đạt năng suất 10 tấn, lợi nhuận lên đến 50%, trung bình 1 hộ gia đình 4 nhân khẩu thì mỗi người cũng chỉ thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng” - một đại biểu nêu ví dụ. Thực tế ở ĐBSCL, diện tích sản xuất trung bình của hộ nông dân thấp hơn nhiều và năng suất cũng khó để đạt 10 tấn/ha. Vì vậy, chắc chắn thu nhập của người dân sẽ còn thấp hơn.
|
Những nguyên nhân khiến thu nhập của nông dân không ổn định thường được đề cập nhất là thiếu kiến thức sản xuất, thiếu vốn và thiếu đất canh tác. Ông Đỗ Thành Thưởng, người trồng dừa ở xã Hưng Phong (H.Giồng Trôm, Bến Tre) tâm sự: “Nông dân chúng tôi đa phần chỉ biết trồng thôi, còn đầu ra thế nào thì lơ mơ lắm. Mong qua diễn đàn, Nhà nước, cơ quan chức năng hoạch định sao cho nông dân sản xuất ra bán được và có lời xứng với công sức đầu tư”. Thực tế, trong những năm qua, tình trạng được mùa, rớt giá thường xuyên xảy ra bởi trồng cây tự phát, thiếu định hướng đầu ra gây mất cân bằng cung cầu. Chăn nuôi cũng chịu cảnh dịch bệnh liên miên, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Những nông dân có mặt tại diễn đàn cũng tỏ ra bức xúc trước tình hình ngày càng có nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối, buôn bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng, phân bón giả… Trong khi đó, người nông dân lại ít khi tố giác vì lo sợ bị đại lý phân phối làm khó trong những vụ sau.
Lắng nghe và gỡ khó
Làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất cho nhà nông chính là mục tiêu mà Hội Nông dân Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các bộ, ngành T.Ư và địa phương đặt ra khi tổ chức diễn đàn nông dân ĐBSCL. Qua diễn đàn này, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học đều trực tiếp lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và doanh nghiệp kinh doanh trong nông nghiệp. Từ đó, ban tổ chức tổng hợp, đưa vào tuyên bố chung tại Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC Tiền Giang, hướng đến mục tiêu cuối cùng là đưa các chính sách dành cho nông nghiệp, nông dân đi vào thực tiễn đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân.
Theo bà Nguyễn Hồng Lý, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, muốn giải quyết vấn đề được mùa rớt giá, cần phải có liên kết vùng, sản xuất phải có sự lãnh đạo, quy hoạch. Bên cạnh đó, các địa phương phải ngồi lại với nhau để đề ra kế hoạch mùa nào sản xuất cái gì, ở đâu, diện tích bao nhiêu. Trong điều kiện liên kết vùng chưa thực hiện được, giải pháp tối ưu là áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm bớt thiệt hại khi rớt giá xảy ra. Ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ khẳng định: “Từ diễn đàn này, chúng tôi nhận được rất nhiều kiến nghị của nông dân trên nhiều lĩnh vực. Chúng tôi sẽ đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư rà soát, điều chỉnh cũng như ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ người nông dân về vốn, kỹ thuật, thị trường để đảm bảo nông thủy sản đạt chất lượng, tiêu chuẩn, tiêu thụ tốt, thu nhập ổn định hơn”. Ông Xuân cũng đề nghị, các tỉnh thành ĐBSCL nên phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô vừa và lớn theo hướng liên doanh, liên kết; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xây dựng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, bền vững.
Đ.Tuyển - H.Phương
Bình luận (0)